Kiểm soát và giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành khai thác thuỷ sản

Mặc dù lượng rác thải nhựa phát sinh từ hoạt động khai thác và nuôi trồng thuỷ sản không phải có tỷ lệ lớn trong tổng lượng rác thải nhựa phát sinh, nhưng lại có tỷ lệ thất thoát ra biển cao, dẫn đến các tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển.

Ước tính tổng lượng rác thại nhựa phát sinh do khai thác thuỷ sản có chiều dài từ 6m trở lên của cả nước vào khoảng hơn 64.000 tấn/năm, trong đó lượng rác nhựa thất thoát ra biển khoảng hơn 3.800 tấn/năm.

Kiểm soát và giảm thiểu lượng rác thải nhựa trong ngành khai thác thuỷ sản thất thoát ra biển như thế nào, PV VOVGT đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Diệu Thuý - Giám đốc Chương trình Giảm nhựa của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam):

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

PV: Trong những nguồn phát sinh rác thải nhựa trong hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản, nguồn phát sinh nào được cho là khó kiểm soát nhất, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Diệu Thuý: Nghiên cứu cho thấy rác nhựa từ khai thác thuỷ sản trên biển chủ yếu là từ ngư cụ hỏng bị bỏ đi, bỏ hoang hay thất lạc, tiếp theo sau là rác thải phát sinh từ việc bảo quản sản phẩm.

Rác nhựa từ sinh hoạt của ngư dân khi đi khai thác chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ nhưng lại bị thất thoát ra biển rất nhiều. Tổng lượng rác nhựa từ tàu khai thác có chiều dài>6m  thất thoát ra biển khoảng.

Đối với nuôi trồng thủy sản, lượng rác nhựa phát sinh chủ yếu từ xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi như lồng, bè, lưới, thừng, phao,… Lượng rác nhựa thất thoát từ nghề nuôi tôm hùm mỗi năm khoảng 139 tấn, từ nuôi cá lồng, mỗi năm ước tính thất thoát khoảng 135 tấn.

Đặc biệt, với nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng, mức rác nhựa từ bạt lót rất lớn, khoảng 164.644 tấn và sẽ là áp lực lớn cho môi trường nếu không có giải pháp thu gom, xử lý. 

PV: Tại Rạch Giá, Kiên Giang, cũng như các vùng ven biển VN nói chung, các báo cáo khảo sát của WWF-Việt Nam đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của rác thải nhựa ở các địa phương ven biển này như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Diệu Thuý: Kiên Giang là tỉnh có lượng tàu thuyền lớn nhất cả nước nên mức phát thải và thất thoát cũng rất lớn. Với nuôi tôm thẻ chân trắng, mỗi năm ước tính phát sinh khoảng 314.470 tấn rác nhựa, trong đó riêng lượng bạt lót ao khoảng 164.644,2 tấn và hiện chưa có giải pháp xử lý bạt sau khi bỏ đi. 

Trong bối cảnh dân số và mức sống ngày càng tăng, nhu cầu tiêu thụ thủy sản tăng, dẫn đến việc sử dụng ngư lưới cụ đánh bắt thủy sản và xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu trong nuôi thuỷ sản cũng tăng theo.

Các loại rác thải nhựa này nếu bị thất thoát ra biển sẽ tiếp tục khiến các loài có giá trị kinh tế và các loài khác bị mắc lưới, mắc bẫy một cách không chủ ý, không chọn lọc trong nhiều năm.

Nếu không có các biện pháp can thiệp hiệu quả, chúng ta chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự suy giảm nguồn thực phẩm quan trọng, nguy cơ tuyệt chủng đối với một số loài quý hiếm cũng như suy thoái nghiêm trọng các hệ sinh thái, sinh cảnh sống quan trọng ở biển.

Nhiều cơ sở chế biến thủy sản tại Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) đã thay thế bao ni lông sử dụng 1 lần bằng thùng giấy để hạn chế rác thải nhựa. Ảnh: Đông Yên

PV: Để giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản một cách hiệu quả, theo bà vai trò của ngư dân là gì?

Bà Nguyễn Thị Diệu Thuý: Để phòng ngừa ô nhiễm nhựa đại dương trong ngành thủy sản cần có sự chung tay của nhiều bên liên quan, trong đó mỗi bên có một vai trò nhất định.

Đối với ngư dân người nuôi trồng thủy sản,  phần lớn người dân đều đã biết về vấn đề ô nhiễm rác nhựa đại dương và nhìn nhận rằng rác thải nhựa không được thu gom, phân loại, xử lý là một vấn đề phổ biến, nhưng để giải quyết thì còn nhiều khó khăn; nhất là các vùng nuôi biển và cảng cá.

Hiện nay, một số ngư dân và người nuôi trồng thủy sản cũng đã tích cực tham gia vào một vài mô hình thí điểm mang rác về bờ, hay sử dụng loại vật tư thay thế có tuổi thọ dài hơn trong nuôi hàu, nuôi lồng trên biển

Trong ngắn hạn, chúng tôi tin rằng vẫn cần tiếp tục nâng cao nhận thức và hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc giảm thiểu sử dụng nhựa và phòng tránh thất thoát nhựa ra môi trường nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cũng như sinh kế của người dân.

Các chủ thuyền cũng cần trang bị các thiết bị/túi lưới đựng rác trên tàu, đồng thời hướng dẫn thuyền viên thu gom rác sinh hoạt và ngư cụ bị hư hỏng để có thể mang rác vào bờ và bỏ đúng nơi quy định. 

Tuy nhiên các nhà quản lý cần đưa ra các hướng dẫn và hoạt động cụ thể nhằm khuyến khích và từng bước đưa thành quy định việc giảm thiểu, thu gom và xử lý rác nhựa sau sử dụng, phòng tránh thất thoát ra biển.