Không gian công cộng

Một điều dễ nhận thấy ở các thành phố lớn của Việt Nam trong vài năm gần đây là việc hình thành các ốc đảo cư dân trong cái tên 'khu đô thị cao cấp' - nơi mà những barie được đặt một cách hồn nhiên ở các không gian công cộng. Và người dân, đôi khi coi đó là một việc đương nhiên.

Nhiều năm trước, đã từng có một cuộc tranh luận ở TP.HCM, khi một số cư dân ở một khu đô thị bày tỏ sự phản đối sau khi chủ đầu tư cho phép người dân (cả những người sinh sống bên ngoài) được sử dụng công viên bên trong khu đô thị đó.

Nhiều cư dân cho rằng, họ có đặc quyền đối với không gian công cộng đó và việc cho phép người khác có thể làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Chúng ta có thể quay lại một câu chuyện xa hơn nữa. Trước đây, khi khu đô thị Nam Sài Gòn - Phú Mỹ Hưng được xây dựng, mọi người tương đối háo hức với thời điểm khu đô thị chưa bàn giao các hạ tầng công cộng cho thành phố, cho chính quyền địa phương.

Lúc đó người ta chặn các con đường lại, vì vậy khu vực này cũng tương đối ít người đi lại.

Rồi khi các con đường phải được mở ra, các công viên được mở ra, thì ban đầu mọi người cũng có những khó chịu nhất định. Cho đến khi họ hiểu rằng, đó là yêu cầu bắt buộc, do pháp luật quy định.

Rồi cuộc sống vẫn diễn ra và mọi thứ cũng không đến mức như là mọi người nghĩ, đó vẫn là nơi mà cuộc sống diễn ra rất dễ chịu.

Ảnh nh họa

Hay ở Hà Nội, trong khu đô thị Ciputra, có một con đường hai chiều nối giữa một phần của KĐT Ciputra (do công ty Ciputra phát triển) với một phần khác của khu đô thị kế bên (do công ty Sunshine phát triển).

Một số cư dân của Ciputra cho rằng, nếu như con đường đó biến thành con đường công cộng, sẽ không mang lại tiện ích giống như một con đường riêng.

Một cách rất hài hước, con đường đó sau khi xây xong, đã bị chặn lại một làn và hầu hết những người muốn đi vào phần bên khu Sunshine thì sẽ buộc phải đi ngược chiều.

Đó là những ví dụ mà chúng ta có thể nhìn thấy như một chỉ dấu của việc lẫn lộn giữa các không gian công cộng và các không gian riêng tư, độc quyền.

Những năm gần đây, do đặc thù phát triển, chúng ta có rất nhiều dự án khu đô thị được xây dựng. Trong các khu đô thị đó, có một phần rất lớn tiện ích, công trình được xây dựng mà ngay từ khi phê duyệt nó đã được quy định là các công trình công cộng.

Ví dụ như đường đi, công viên, không gian cây xanh công cộng.

Các chủ đầu tư không phải trả tiền đất cho những vực đó và sau khi xây dựng xong, họ có nghĩa vụ bàn giao lại cho các chính quyền cơ sở quản lý, duy tu và bảo trì. Chuyện này là rất bình thường.

Bạn hãy thử hình dung xem, nếu như các khu đô thị đó như cái ốc đảo thì giao thông, sinh hoạt của thành phố đó sẽ như thế nào?

Tuy nhiên, trên thực tế, rõ ràng là những câu chuyện như chúng tôi vừa dẫn chứng ở Phú Mỹ Hưng, ở Ciputra, hay nhiều khu đô thị khác, nhiều công viên khác ở Hà Nội, TP.HCM, mà do lợi ích cục bộ, chủ đầu tư có thể thản nhiên xây hàng rào, đặt barie.

Còn đối với cư dân thì thản nhiên coi đó là một lợi ích của riêng của mình.

Điều đáng ngạc nhiên nhất là chính quyền gần như không làm gì. Đáng lẽ chính quyền phải có nghĩa vụ, trách nhiệm tiếp nhận các công trình công cộng đó, đưa nó vào các mục đích công cộng để sử dụng.

Ví dụ như công viên, không thể có chuyện ai muốn xây hàng rào xung quanh cũng được, vì có hàng rào thì mọi người sẽ coi đấy là công trình của họ. Hay khi các con đường xây xong, phải có một quy định rõ ràng trong việc tiếp nhận và dỡ bỏ tất cả barie.

Nếu có barie, thì chỉ được xuất hiện ở những con đường được xây dựng nằm trong quỹ đất của khu đô thị và nó được trả tiền, được quy hoạch như là một con đường nội khu.

Và câu chuyện này, nếu như các cấp chính quyền không có những động thái kiên quyết, thì sớm hay muộn, sẽ dẫn đến những suy nghĩ sai. Rồi mọi người khi nhìn thấy các barie, các hàng rào sẽ thấy có lý.

Và ở đâu đó, các cư dân đã tự coi những công trình công cộng là các tiện ích của mình. Rồi việc đồi lại, hay dỡ bỏ, đôi khi lại tạo ra những dư luận, những tình cảm không dễ dàng không thuận lợi.

Cho nên tôi nghĩ, công - tư trong những trường hợp này, cần phải được sớm phân biệt một cách rạch ròi, rõ ràng và kịp thời./.