Không để lãng phí nước thải tại khu công nghiệp

Việc công nghiệp hóa, lạm dụng tài nguyên nước và quản lý nguồn nước thiếu hiệu quả là nguyên nhân chính khiến thực trạng ô nhiễm môi trường nước trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, và sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng nếu con người không sớm tìm ra giải pháp khắc phục.

Đó là những vấn đề được các chuyên gia Hà Lan và các chuyên gia môi trường trong nước đặt ra tại sự kiện Toạ đàm khoa học với chủ đề “Ô nhiễm nguồn nước tại Khu công nghiệp và các giải pháp” do Tổng Lãnh sự quán Hà Lan và Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED) phối hợp cùng trường Đại học Văn Lang tổ chức.

Tại toạ đàm, các chuyên gia môi trường đã thảo luận các vấn đề về tái sử dụng, tái chế và đa dạng hóa nguồn nước trong công nghiệp, từ đó đóng góp vào việc bảo vệ nguồn nước, góp phần xây dựng sửa đổi Luật Tài Nguyên Nước trong 2 năm tới của Chính phủ Việt Nam.

Các nội dung được xây dựng từ kết quả Dự án nghiên cứu ENTIRE - Phát triển công nghiệp bền vững tại các đồng bằng của Việt Nam: Tái sử dụng, tái chế và đa dạng hóa nguồn nước công nghiệp, do Đại học Wageningen (Hà Lan) và Trường Đại học Văn Lang đồng chủ trì.

Hệ thống xử lý nước thải tại Khu Công nghiệp An Nghiệp, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Hải An

TS. Laurent Umans - Bí thư thứ Nhất, phụ trách mảng Nước và Biến đổi Khí hậu, ĐSQ Vương quốc Hà Lan chia sẻ, Việt Nam đang đối mặt với vấn đề khai thác mạch nước ngầm quá mức dẫn đến tình trạng sụt lún như ở TP.HCM; bên cạnh đó, nguồn nước thải từ các khu công nghiệp đang chưa được xử lý nên dẫn đến tình trạng lãng phí nước.

Giải pháp được ông đưa ra đó là: 'Đối với chủ đầu tư trong các khu công nghiệp, họ cần nhận thức được khi thải nước gây ô nhiễm môi trường thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến uy tín. Vì vậy, họ cần một hệ thống giám sát thật tốt, để chứng nh với mọi người nguồn nước chúng tôi thải ra là nguồn nước sạch và có chất lượng tốt.

Về khung pháp lý, chúng ta cần phải có quy định chặt chẽ hơn để giúp mọi người có nhận thức tốt hơn về vấn đề nước thải như thế nào. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách khuyến khích để mọi người không vi phạm và nhận thức được cũng như đầu tư vào việc giám sát nguồn nước thải.

PGS.TS. Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang nhấn mạnh, nguồn nước là vấn đề lớn ở những khu vực bị thiếu nước hay nước bị nhiễm mặn hoặc nơi mà nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất công nghiệp hay cho sinh hoạt lớn. Câu hỏi đặt ra là, khi sản xuất tăng, nước thải sinh ra nhiều, nhu cầu nguồn nước lớn nhưng tất cả mọi thứ đều có giới hạn, vậy làm sao để giải quyết vấn đề này?

'Các nhà khoa học vẫn đang liên tục nghiên cứu để tìm ra giải pháp và có một số giải pháp khả thi. Thông qua các công cụ, các khu công nghiệp xác định được việc sử dụng nước đã thực sự tối ưu chưa, nếu chưa thì cần giải pháp để tối ưu hơn.

Thứ hai là việc tái sử dụng tại chỗ là cách để giảm nước thải phát sinh.

Thứ ba, đó là vấn đề công nghệ, làm thế nào để nước thải sau khi được xử lý có thể đạt chuẩn hoá để sử dụng. Cái mà mình cần hiện nay quan trọng đó là Việt Nam cần có một chính sách, một quy định rõ ràng về tái sử dụng nước thải sau khi xử lý, lúc đó các khu công nghiệp mới có cơ sở để áp dụng', PGS.TS. Trần Thị Mỹ Diệu nói.

Tại toạ đàm, Nghiên cứu sinh, ThS. Lê Minh Trường – Khoa Môi trường, Trường Đại học Văn Lang cũng đề xuất quy trình tái sử dụng nguồn nước thải bằng công nghệ đất ngập nước và trao đổi ion nhằm nâng cao chất lượng nước tái sử dụng trong các hoạt động của Khu công nghiệp; công nghệ tái sử dụng nước thải đã qua xử lý nhằm loại bỏ các chất ô nhiễm còn lại bao gồm chất hữu cơ, các chất dinh dưỡng và một số kim loại nặng.