Khi gạch vỡ, bát hỏng thành 'con đường gốm sứ'

Ở làng Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), người dân hạn chế rác thải bằng cách “biến” những phế liệu như gạch vỡ, bát hỏng thành “con đường gốm sứ” của làng.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Những mảnh vỡ của chai lọ, gạch đá, bát đĩa...đều là loại rác vô cơ, rất khó phân hủy và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm. Trong quá trình đô thị hóa và xây dựng nhà cửa, loại rác thải này phát sinh với số lượng lớn, gây ảnh hưởng tới môi trường sống và áp lực nặng nề để giải quyết loại rác này.

Làng Liên Mạc cũng đứng trước vấn đề nan giải là tồn tại quá nhiều chất thải rắn từ các công trình xây dựng. Người dân của làng hàng ngày đi qua các khu đổ phế thải hết sức trăn trở.

Thế rồi từ việc nhìn những mảnh vỡ, mảnh màu đẹp của chai lọ, chén bát, gạch vụn, ý tưởng sử dụng phế liệu để làm thành con đường gốm sứ đã hình thành.

Bà Nguyễn Thị Hiên mà dân làng hay gọi là Hiên Tường, một trong những người đầu tiên khởi xướng ý tưởng “khoác áo mới” cho đường làng cho biết, những bức tranh tường bằng gốm sứ được dân làng thu gom vật liệu và cũng được làm từ bàn tay khéo léo của người dân nơi đây:

“Làm nên những bức tranh này là những mảnh bát vỡ, chai vỡ hoặc bình vỡ. Ở đâu đó trong những bức tranh này, nhiều người đứng xem đã nhận ra cái này chính là két bia, là chai bia nhà tôi mang đến, có cháu học sinh bảo đây là bình hoa mà cháu chở đến”, bà Hiên cho biết.

Đường làng ngõ xóm trở nên sống động, hấp dẫn nhờ những bức tranh ghép từ gốm, sứ. Ảnh: Duy Thanh

Sự xuất hiện của những bức tranh gốm sứ đa sắc màu đã làm bừng sáng đường làng, ngõ xóm khiến người dân thấy phấn khởi trước hình ảnh tươi mới của không gian sống.

Từ một nhóm nhỏ làm việc đơn lẻ, việc ghép tranh gốm, sứ ở làng Liên Mạc cứ thế ngày càng thu hút nhiều người tham gia hỗ trợ hơn.

Kể từ khi khởi động đến nay, con đường tranh của làng đã có được hơn 20 tác phẩm ghép gốm, sứ… tạo nên hình ảnh ấn tượng, đồng thời lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường:

“Trước đây chưa có, giờ các cháu làm thì làng đẹp lên. Ai đi qua cũng bảo dân ở đây làm đẹp rồi đứng ngắm xem. Chúng tôi rất phấn khởi, tự hào”.

"Tôi cũng như người dân Liên Mạc rất tự hào vì tự mình làm ra bức tranh và coi như con đường gốm sứ thứ 2 ở Hà Nội và mong có thêm nhiều bức tranh được làm đẹp hơn”.

Hơn thế, người dân làng Liên Mạc mong rằng, những bức tranh từ phế liệu này còn giúp thế hệ trẻ có ý thức về việc bảo vệ môi trường, sử dụng đồ tái chế, và thêm yêu nét văn hóa truyền thống, yêu quê hương, làng xóm.