Kết nối buýt – Metro số 1: Cần quyết tâm cao

Việc kết nối hệ thống xe buýt với tuyến Metro Bến Thành-Suối Tiên là việc làm cấp thiết trong bối cảnh vực dậy hoạt động vận tải hành khách công cộng sau những năm liền bị sụt giảm. Để hoàn thành mục tiêu đòi hỏi sự phối hợp của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và sự đồng tình ủng hộ từ phía người dân.

Phát triển hệ thống giao thông công cộng là một trong những giải pháp hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông. Nhất là sau bài học kinh nghiệm từ tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) có những bước đầu thành công nhất định, tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên tại TP.HCM sắp về đích đang biến mơ ước đó của người dân dần hiện thực hóa.

Việc quan trọng còn lại là tính kết nối giao thông từ tuyến metro đến các địa bàn, khu vực dân cư như thế nào để đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Vì sau khi tuyến metro hình thành sẽ kéo theo sự phát triển của thương mại dịch vụ, đô thị vệ tinh, do đó rất cần một mạng lưới phương tiện công cộng để kết nối.

Metro số 1 chuẩn bị đưa vào khai thác sẽ có 22 tuyến buýt mới kết nối 14 nhà ga của tuyến này.

Tuy nhiên, trước hàng loạt bất cập tồn tại của hệ thống xe buýt về lộ trình, chất lượng, số chuyến, đường xá chật hẹp, trễ giờ do ùn tắc, khiến tính kết nối giữa các khu vực còn tắc nghẽn.

Do đó, TP.HCM phải tăng tốc đồng bộ hóa hệ thống cơ sở, hạ tầng cho xe buýt, từ việc nâng cấp, mở rộng đường các trục giao thông; đến việc tổ chức phân làn dành cho xe buýt; đầu tư thêm mạng lưới xe buýt loại nhỏ, qua đó vừa đáp ứng được nhiều lộ trình di chuyển vừa phù hợp với điều kiện kinh phí còn hạn chế.

Bên cạnh đó, chất lượng phục vụ cũng phải thường xuyên cải thiện như thái độ phục vụ của nhân viên; đầu tư, đổi mới trang thiết bị phương tiện, bến bãi dừng chờ, ưu tiên đảm bảo quy chuẩn thiết kế phục vụ dành cho các đối tượng đặc biệt như người già, trẻ nhỏ, thương binh, người khuyết tật, phụ nữ mang thai..., thậm chí có chính sách giảm giá, ễn vé cho các nhóm đối tượng này.

Cộng thêm các chính sách khuyến khích, hỗ trợ tính toán chi phí giá vé thấp và lợi thế hơn so với các loại hình vận chuyển khác, để thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế xe cá nhân. Ngay cả vấn đề về an ninh, an toàn, văn hóa đi xe cũng phải được quản lý, kiểm soát chặt chẽ.

Để tái cấu trúc mạng lưới hiệu quả, nhà nước cũng phải có cơ chế, chính sách để kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư trong việc xây dựng hệ sinh thái an toàn, tiện lợi của hệ thống giao thông công cộng nói chung và metro nói riêng. Bao gồm việc tăng cường kinh phí, cơ sở vật chất, đội ngũ cho Ban quản lý đường sắt để đưa việc quản lý, vận hành, khai thác tuyến metro đi vào hiệu quả.

Ngoài ra, nhà nước xây dựng cơ chế trợ giá đúng nghĩa theo sản lượng thực tế thay vì bù giá như hiện nay; đồng thời đặt ra những bộ tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ, chính sách động viên nếu tăng doanh thu, nhằm tạo động lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã vừa thu hút khách, vừa chú trọng việc phục vụ.

Việc metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dự kiến vận hành vào cuối năm 2024 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển cho giao thông đô thị và tiến tới là metro số 2 Bến Thành – Tham Lương, cho thấy, thành phố cần quy hoạch phát triển giao thông, đô thị có tầm nhìn từ bây giờ.

Trong đó, xây dựng cơ chế phối hợp rõ ràng, hiệu lực, hiệu quả giữa chủ đầu tư, nhà thầu, sở ban ngành và địa phương với trách nhiệm và quyết tâm cao nhất, nhằm hoàn thành mục tiêu khai thác vận hành metro đúng tiến độ và tiến tới hình thành mạnh lưới phương tiện giao thông công cộng chủ lực ở mọi nơi./.