Hiệu quả kinh tế và giúp mô trường sạch hơn từ mô hình biogas tôm

Từ trước đến nay, chúng ta đều nghe đến mô hình biogas vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và có thêm nguồn nhiên liệu khí đốt cho sinh hoạt. Nhưng biogas gia súc, gia cầm… thì ai cũng quen thuộc. Nay lại có mô hình biogas tôm do Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh xây dựng và ứng dụng.

 

Thời gian qua, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao tại Trà Vinh. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến điều kiện môi trường ao nuôi.

Để hạn chế thiệt hại, Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh đã xây dựng và ứng dụng quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 kết hợp hầm biogas xử lý môi trường.

Nông dân Lê Văn Bền ở huyện Duyên Hải là hộ dân đầu tiên áp dụng quy trình mới này trên diện tích 1 hecta. Gia đình lắp đặt bộ giám sát môi trường và xây dựng hầm biogas.Kết quả vụ đầu tiên, tỷ lệ sống của tôm là 94% cao hơn 24% so với hộ nuôi truyền thống. Kích cỡ tôm thu hoạch đạt 55 con/kg, năng suất đạt 34 tấn/hecta, hệ số thức ăn chỉ ½.

Năng suất của mô hình nuôi đạt 34 tấn/hecta/vụ, giá bán 117,500 đồng/kg, lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/hecta/vụ, cao hơn so với nuôi truyền thống khoảng 670 triệu đồng.

Mô hình nuôi tôm kết hợp hầm biogas của nông dân Trà Vinh giúp giảm thải ô nhiễm môi trường

Đặc biệt, chất thải đưa vào hầm bioga đã giúp chủ hộ có thêm nguồn nhiên liệu ễn phí. Anh Lê Văn Bền ở xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh cho biết: Cái biogas dùng cho sinh hoạt nấu nướng dư luôn đó. Mình có đến 4 ao tôm, thải ra cái hầm biogas 17 khối là dư xài luôn.

Bể biogas bằng vật liệu composite, dễ di chuyển, 17 khối nhưng xử lý rất tốt chất thải xi-phông cho 4 ao nuôi (khoảng 5.000m2). Toàn bộ chất thải rắn nằm lại bể biogas hết. Hiệu quả rất tốt cho môi trường.

Ông Nguyễn Văn Phùng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh cho biết: Người ta nuôi và thải trực tiếp ra môi trường, cái phân tôm mà thải ra được 1 thời gian là nó đen và thúi nước và kéo theo nhiều vấn đề khác, khiến cho môi trường xung quanh bị ô nhiễm. Còn khi chất thải này thông qua hầm biogas thì nước sẽ trong lắng lại, thải ra không nhiễm môi trường.

Cũng theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 kết hợp hầm biogas xử lý môi trường đã góp phần giúp người nuôi quản lý tốt các yếu tố môi trường từ đó giảm công lao động, chăm sóc và quản lý ao nuôi, tăng tỷ lệ sống, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trên cùng đơn vị diện tích.