Hiểm họa ô nhiễm từ chất tẩy rửa sinh hoạt

Chất tẩy rửa có vai trò thiết yếu trong mỗi gia đình. Tuy vậy, nếu lạm dụng chất tẩy rửa trong sinh hoạt sẽ gây hiểm họa không chỉ cho sức khỏe của người sử dụng, mà còn ảnh hưởng tới môi trường.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Cách đây 10 năm, chị Phạm Thị Hậu ở Hà Nội đã chuyển từ việc sử dụng chất tẩy rửa hóa chất sang các loại chiết xuất thân thiện môi trường hơn bởi trải nghiệm khó quên: "Ở quê sau mỗi đám cưới, họ rửa bát bằng những cái thuyền mà nước đổ ra ao cá cũng chết. Thế thì những chất đấy rất độc hại. Chị cũng không thích mùi của những chất tẩy rửa hóa chất đấy nữa, nó ngấm vào nguồn nước mình lại ăn phải. 

Giờ đây, từ nước rửa bát, nước giặt, tắm gội, lau sàn nhà... chị Hậu đều lựa chọn kỹ trước khi mua sắm hoặc nghiên cứu cách làm từ quả bồ hòn, vỏ dứa để bảo vệ sức khỏe, nhất là khi gia đình có con nhỏ. 

Tuy vậy ở thành phố, nhiều gia đình vẫn giữ thói quen sử dụng chất tẩy rửa hóa chất vì mức độ phổ biến, thuận tiện với nhiều mục đích khác nhau.

Nhiều bà nội trợ cũng không quan tâm tới thành phần trong các sản phẩm đó như chị Lương Thị Thủy:  "Ở nhà mình lo nhất vấn đề trong bếp bị bắn mỡ hay dùng nước rửa đa năng, trên mặt bàn... Vệ sinh vẫn dùng các loại thông thường. Nếu không có thấy bẩn, khó chịu. Nhà mình không quá để ý dòng thân thiện thiên nhiên".

Ảnh nh họa

Thành phần chính của chất tẩy rửa là chất hoạt động bề mặt, ngoài ra còn có các chất phụ gia, màu, hương liệu. Các nghiên cứu cho thấy, chất tẩy rửa có khả năng làm sạch vết cáu bẩn bám vào đồ dùng, nhưng hóa chất vẫn lưu lại.

Vì vậy, khi tẩy rửa xong, hỗn hợp chất tẩy rửa và chất bẩn sẽ theo dòng nước thải đổ vào các bể chứa, ao hồ, cống rãnh, sông, suối gây ô nhiễm môi trường.

PGS. TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường nói: "Phốt pho trong thức ăn thừa, chất tẩy giặt, rửa bát, rửa nhà cửa... theo nước thải vào hồ. Các chất này làm thay đổi chất lượng nước như đổi màu, mùi, có thể có độc. Một phần sinh vật hấp thụ ngay, một phần thành trầm tích phân hủy xâm nhập trở lại nước hồ". 

Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, các loại chất tẩy rửa còn trở thành mối họa với sức khỏe con người, đặc biệt với trẻ em. Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca trẻ ngộ độc do uống nhầm chất tẩy rửa ngày càng có dấu hiệu gia tăng.

Còn báo cáo của Tổ chức bảo vệ môi trường thế giới ghi nhận, trong số 85.000 chất hóa học được sử dụng thường ngày thì chỉ có khoảng 7% sản phẩm là an toàn với sức khỏe con người.

TS. BS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển Y tế cộng đồng cho biết, nếu không được sử dụng hợp lý, các chất tẩy rửa có thể gây ra nhiều loại bệnh: "Dù qua hệ thống xác định mức độ an toàn nhưng phần lớn chất tẩy rửa chưa đảm bảo an toàn cho sức khỏe khi có tiếp xúc thường xuyên, dài hạn. Đặc biệt với các đối tượng trẻ em, người mẫn cảm với hóa chất gây bệnh dị ứng, bệnh nhóm đường hô hấp, da và niêm mạc mắt..."

Nhiều người tiêu dùng khi mua sản phẩm tẩy rửa gia dụng, thường chỉ lưu tâm sản phẩm “làm sạch, tiện lợi, rẻ tiền”. Điều này khiến các nhà sản xuất thường sử dụng công thức thành phần nhiều hóa chất để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng mà không chú trọng yếu tố sức khỏe.