Hệ thống xử lý rác thải F0 đang hoạt động vượt quá công suất thiết kế

Dư luận quan tâm xử lý rác thải y tế đối tượng F0 cách ly tại nhà như thế nào? Vì nếu không có những quy định chặt chẽ, quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý nghiêm ngặt, đây chính là nguồn lây dịch bệnh ra cộng đồng.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 
Ảnh nh họa: CAND

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM (HCDC) tính đến ngày 4/9, TP có 111.395 F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà.

Trong đó, có 83.861 trường hợp thực hiện cách ly tại nhà ngay khi phát hiện và 27.534 trường hợp cách ly sau xuất viện. Với hơn 100 nghìn trường hợp cách ly theo dõi tại nhà thì rác thải của họ là một điều cần hết sức lưu tâm.

Đối với TP.HCM hiện nay, toàn bộ rác thải y tế tại các bệnh viên, trung tâm, phòng khám đa khoa và cả rác của các F0 đang điều trị cách ly tại nhà đều do công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thu gom và xử lý theo quy trình chất thải nguy hại. Việc thu gom đều được thực hiện một cách nghiêm ngặt, phun xịt khử khuẩn rác thải trước, trong và sau khi xử lý.

Anh Phùng Văn Cường – Quản lý tổ kỹ thuật công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TpHCM chia sẻ rác thải khi vận chuyển về xử lý được phun xịt khử khuẩn một lần nữa trước khi đưa vào xử lý bằng công nghệ đốt ở nhiệt độ cao. Thậm chí, tro chất thải sau khi đốt xong phải được hoá rắn và chôn lấp tại bãi chôn lấp an toàn dành riêng cho chất thải nguy hại.

“Lúc nào cũng phải căn dặn kỹ anh em về mặt tiếp xúc, thường xuyên phải phun khử trùng, từ trên xe, tiếp nhận, khi về tới điểm xử lý vẫn phải phun xịt lại. khi nạp vào đốt cũng phải phun xịt và các thùng xe cũng phải phun xịt khử khuẩn”, anh Cường cho biết.

Với số lượng F0 tăng cao trong giai đoạn hiện nay, dẫn đến khối lượng rác phải thu gom, xử lý cũng tăng theo. Chia sẻ về vấn đề này Ông Hà Trần Hiển Đức – Phó giám đốc công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM cho biết: “Rác này nếu được phân loại đúng thì sẽ giảm áp lực cho chúng tôi, rác về nhiều quá buộc phải xử lý thì chúng tôi sẽ ưu tiên xử lý trước, như rác COVID về thì sẽ ưu tiên đốt trước rác ở các cơ sở y tế. Hiện nay lúc nào công ty cũng phải đốt vượt công suất thiết kế, rất nguy hiểm cho thiết bị.”

Trước vấn đề này ông Phạm Đức Hải – Phó trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP.HCM cho biết: “Sở Tài nguyên Môi trường đã hướng dẫn cho các F0 phân loại rác tại nguồn, tại gia đình. Đối với rác của bệnh nhân F0 cũng phân loại riêng, sau đó công ty dịch vụ công ích của các quận huyện cũng được hướng dẫn để đi thu gom, rồi tập kết theo quy định của Sở tài nguyên Môi trường”

Bên cạnh đó ông Phạm Đức Hải cũng cho biết, mới đây UBND TP.HCM vừa gửi kiến nghị đến Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc cho phép những phương tiện của các công ty dịch vụ công ích quận, huyện tham gia công tác thu gom, vận chuyển rác y tế phát sinh do dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Điều này sẽ góp phần làm giảm áp lực thu gom, xử lý đối với công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TpHCM đang phải đối mặt như hiện nay.