Hạnh phúc xanh từ “Cửa tiệm Hạnh phúc”

Vải thừa, rác thải nhựa, vải vụn, … những thứ tưởng chừng chẳng thể sử dụng được nữa, thế nhưng với đôi tay khéo léo của những người phụ nữ khuyết tật ở phường Cẩm Nam, thành phố Hội AN, lại trở thành những sản phẩm tái chế được bày bán lại trong “Cửa Tiệm Hạnh Phúc”.

Được sáng lập bởi chị Đỗ Thị Ngọc Thảo – Chủ tịch hội liên hiệp Phụ Nữ, Phường Cẩm Nam, Thành phố Hội An, từ năm 2022. Ngoài việc tái chế, các hội viên của cửa tiệm còn được tham gia các hoạt động xã hội liên quan đến bảo vệ môi trường như: tập huấn kỹ năng phân loại, xử lý rác thải sau thu gom, trình diễn thời trang từ đồ tái chế… 

PV: Xin Chào, điều gì đã thôi thúc chị Ngọc Thảo thành lập dự án cửa tiệm hạnh phúc?

Chị Đỗ Thị Ngọc Thảo: Với mong muốn kết nối, cải thiện kinh tế cũng như thúc đẩy hòa nhập cho các chị em địa bàn phường toàn thành phố thì mô hình cửa tiệm hạnh phúc đã được thành lập trong khuôn khổ dự án giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp tại địa phương do cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kì tài trợ. Hướng đến tái chế nguồn tài nguyên rác thải nhựa và vải thừa, biến chúng trở thành những sản phẩm có tính ứng dụng và thẩm mỹ cao.

Từ việc tạo ra sản phẩm tái chế có thể góp phần giảm thiểu một lượng nhỏ rác thải ra môi trường và cũng giúp mang lại nguồn thu nhập cho các thành viên. Cửa tiệm hạnh phúc cũng là hình mẫu truyền cảm hứng cho cộng đồng trong việc lan tỏa tình yêu đối với môi trường và mở ra cơ hội kết nối và hòa nhập cho nhóm yếu thế, khuyết tật và hơn hết là thúc đẩy nền kinh tế nhân văn tại địa phương.

Các hội viên của “Cửa tiệm hạnh phúc” vui vẻ gặp nhau mỗi ngày tại cửa tiệm. Ảnh: Thanh niên

PV: Những khó khăn và thách thức chị đã phải đối mặt khi thực hiện dự án này?

Chị Đỗ Thị Ngọc Thảo: Sau khi thành lập dự án thì khó khăn ban đầu đó là tâm lý mặc cảm cũng như tự ti của chị em trong nhóm khuyết tật, yếu thế. Vấn đề nữa đó là trở ngại về sức khỏe, một số cô, chị không có xe lăn mà phải cần có sự hỗ trợ của mọi người xung quanh nên việc di chuyển đến chỗ làm việc cũng rất là bất lợi.

Khi mà thực hiện mô hình này, ban đầu, đầu ra và cơ hội tiếp nhận sản phẩm tái chế của mọi người chưa được nhiều là ở các quầy kí gửi cũng như là cửa hàng. Lúc ban đầu, toàn chỉ nhờ những đơn hàng của thành phố khi tổ chức hội nghị.

PV: Trong thời gian tới Cửa tiệm hạnh phúc sẽ có những dự định gì để phát triển dự án  và có thể tiếp cận được đến nhiều người hơn nữa?

Chị Đỗ Thị Ngọc Thảo: Trong thời gian tới, cửa tiệm sẽ triển khai kinh doanh những sản phẩm tái chế trên các nền tảng online, liên kết. Sẽ tiến hành ký gởi tại các cửa hàng cũng như những không giản phù hợp. Muốn phát triển bền vững thì sản phẩm cũng sẽ được tiêu thụ và lan tỏa bởi chính cộng đồng tại địa phương.

Trong tương lai khi đã ổn định không gian làm việc thì “ cửa tiệm hạnh phúc” sẽ tập trung đa dạng các sản phẩm, thử nghiệm tạo ra những sản phẩm từ chất liệu mới như là: lưới đánh cá bỏ đi của ngư dân, túi ni lông, hộp xốp, hộp nhựa,…

Chị Đỗ Thị Ngọc Thảo, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Cẩm Nam, tích cực hỗ trợ cửa tiệm thu gom banner để làm nguyên liệu tái chế. Ảnh: Thanh niên

Ngoài ra thì cửa tiệm hạnh phúc cũng mong muốn phát triển những sản phẩm mang nét văn hóa độc đáo của địa phương như lồng đèn Hội An, các bộ đồ chơi ô ăn quan. Và tổ chức những hoạt động trải nghiệm như workshop, làm đồ tái chế, hoạt động giáo dục cho trẻ em thông qua việc tái chế đơn giản để khơi dậy tình yêu môi trường cho các em.

Ngoài ra mục đích lâu dài của “cửa tiệm hạnh phúc” là sẽ trở thành doanh nghiệp kinh doanh do người khuyết tật và nhóm yếu thế tự vận hành.

Đây có lẽ sẽ là một tham vọng rất là lớn và yêu cầu sự quyết tâm của đội ngũ quản lý cũng như sự đồng lòng của các thành viên và cũng cần rất nhiều thời gian để biến ước mơ này thành hiện thực.

PV: Xin Cảm ơn chị Ngọc Thảo về cuộc trò chuyện.