Hà Nội: Tỷ lệ đấu nối mạng lưới nước thải sinh hoạt chỉ đạt trên 60%

Hệ thống thu gom nước thải chính của Hà Nội đã cơ bản được hoàn tất, nhưng việc xây dựng mạng lưới đường ống đấu nối từ các hộ gia đình, nơi phát thải còn chậm.

Điều này dẫn đến tình trạng xả thải trực tiếp ra sông hồ gây ô nhiễm, trong khi nhà máy xử lý nước thải lại chưa phát huy hết công suất.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Từ nhiều năm nay, đoạn sông Nhuệ từ khu vực cầu Trắng đến cầu Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội nước sông đen ngòm, đặc quánh, vào những ngày nắng, nước sông bốc mùi hôi, khó chịu. Hầu hết các hộ gia đình sống ven sông khu vực này đều xả thải trực tiếp ra sông.

Một người dân cho biết: 'Cái này thực ra từ hồi ông bà nhà em ngày xưa thấy là toàn ra sông. Bên này làm gì có đường ống nước, chỉ có bên kia mới có đường ống nước, bên này toàn xuống đằng sau hết, rửa bát rửa đũa vệ sinh ra ngoài đấy'.

Theo đánh giá của Ủy ban Bảo vệ Môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy, thời gian qua, sông Nhuệ bị ô nhiễm tiếp tục bị ô nhiễm chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh, nhất là những đoạn sông chạy qua các khu vực đô thị, khu vực có các hoạt động sản xuất.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do ô nhiễm nước thải công nghiệp từ các làng nghề và nước thải sinh hoạt. Đáng lưu ý, nước thải sinh hoạt thải ra sông Nhuệ chiếm tỷ lệ trên 65% tổng lưu lượng nước thải ra sông Nhuệ, phần lớn không được xử lý.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam phân tích, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã cơ bản xây dựng được mạng lưới chính thu gom nước thải tại các tuyến đường lớn. Tuy nhiên, việc xây dựng mạng lưới nhánh, trong ngõ, đấu nối từ nhà dân ra mạng lưới chính còn gặp khó khăn: 'Những ngõ hẻm trước đây chỉ có 1 đường ống thoát nước mưa, bây giờ không thể làm đường ống vào để thu nước thải được. Những tuyến gom nước thải của người dân vào hệ thống khó khăn, có tiền nhưng phải có sự đồng ý của người dân mới có thể làm được'.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Nguyên Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, tốc độ đầu tư xây dựng mạng lưới đấu nối thường chậm hơn so với đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Trong khi, một số nhà máy xử lý nước thải lại rơi vào tình trạng không có nước thải để xử lý nên chưa phát huy được hết công suất hoạt động, đơn cử như Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở mới hoạt động được 60-70%.  

'Tỷ lệ đấu nối thoát nước từ gia đình tới mạng lưới thoát nước đạt khoảng trên 60%, cho nên tỷ lệ nước thải đến nhà máy nước thải cũng chỉ đạt như vậy không phát huy được hết công suất của nhà máy xử lý. Như vậy hiệu quả của đầu tư cần phải xem lại', ông Tiến nói.

Bộ Xây dựng mới ban hành Thông tư số 15 hướng dẫn về công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung có hiệu lực từ ngày 10/2/2021.

Tuy nhiên, để văn bản này phát huy hiệu quả trong thực tiễn, một số ý kiến cho rằng, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành phải đầu tư hơn nữa vào mạng lưới thu gom, nâng cao tỷ lệ đấu nối hệ thống nước thải. Có như vậy, mới nâng cao hiệu qua đầu tư các nhà máy xử lý nước thải và ngăn chặn ô nhiễm sông hồ trên địa bàn.