Hà Nội: Huyện Hoài Đức chú trọng bảo vệ môi trường

Trong những năm gần đây, địa phương này đã mạnh dạn đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng môi trường, xây dựng hệ thống thu gom nước thải, cải thiện cảnh quan môi trường.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 
Những hàng cây xanh trên địa bàn xã An Khánh (huyện Hoài Đức) tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp. Ảnh: Đỗ Hương

Khoảng 10 năm trước, ô nhiễm môi trường nước thải, chất thải là vấn đề nhức nhối của huyện Hoài Đức, đặc biệt tại 3 xã Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế- nơi có làng nghề chế biến củ rong diềng, củ sắn ra bột.

Tuy nhiên, xác định bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, UBND xã Minh Khai đã đưa các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường vào Nghị quyết lãnh đạo hàng năm. 

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm chất thải làng nghề, xã thực hiện rà soát toàn bộ những khu vực làm ảnh hưởng đến môi trường và xây dựng một số giải pháp để khắc phục. Trong đó, lãnh đạo xã và các đoàn thể đã vận động bà con nông dân chuyển đổi nghề từ sản xuất, chế biến bột từ củ sắn, rong diềng sang sản xuất ến dong, bún phở khô, bánh kẹo và kim loại...

Bên cạnh đó, với sự đầu tư của huyện và sự chung tay của bà con nhân dân, xã Minh Khai đã cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước thải mới và vận động bà con xây dựng hố ga tại nhà hoặc xử lý nước thải trước khi xả thải ra hệ thống cống.

Ông Đỗ Xuân Đáng, Chủ tịch UBND xã Minh Khai cho biết: "Quy hoạch mạng lưới thu gom tiêu thoát nước thải ở trong khu dân cư và thu gom toàn bộ  về khu xử lý nước thải. Mấy năm vừa qua, xã lập một số dự án giải quyết ô nhiễm, đầu tư hạ tầng hệ thống tiêu thoát nước thải trong khu dân cư và đến nay đã được đầu tư, cải tạo và đậy nắp, nên cơ bản được giải quyết ô nhiễm'.

Xã Yên Sở là xã tiêu biểu của huyện Hoài Đức vừa được công nhận xã đạt tiêu chí Nông thôn mới nâng cao vào đầu năm nay. Ấn tượng đối với nhiều du khách khi đến Yên Sở là đường làng ngõ xóm khang trang, sạch sẽ, yên bình, không có tình trạng nuôi thả gia súc, gia cầm ngoài đường…

Từ năm 2016 đến nay, xã đã nâng cấp cải tạo 60 tuyến giao thông, gắn với hệ thống tiêu thoát nước của trục xã, thôn, nội đồng với tổng chiều dài trên 20km…, toàn bộ ao hồ trên địa bàn xã đã được cải tạo và kè, nước thải được thu gom vào rãnh riêng.

Cảnh quan, công viên cây xanh cũng được chú trọng, ông Nguyễn Bá Trường Yên, chủ tịch xã Yên Sở cho biết: Về trồng cây xanh, nhân dân rất hưởng ứng, hiện nay tất cả khu vực công viên, bờ ao bờ hồ hay những vùng đất trống đều được nhân dân tham gia cùng với chính quyền trồng và chăm sóc. Những hàng cây xanh ở trong xã hoặc liên thôn liên xã đã giao cho Đoàn thanh niên có trách nhiệm chăm lo, nhổ cỏ, quét lá hàng ngày. 

Theo bà Hồ Thị Na, Trưởng phòng tài nguyên môi trường huyện Hoài Đức, tình hình môi trường trên địa bàn huyện Hoài Đức những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nước thải phát sinh tại các làng nghề Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế phần vùng đồng đã được Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà với công suất 20.000 m3/ngày giải quyết. Nhà máy xử lý nước thải  Sơn Đồng công suất 8.000 m3/ngày.đêm, hiện đang thi công xây dựng, khối lượng công việc hoàn thành khoảng 90%. Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần giải quyết nước thải của các xã nêu trên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Rác thải khu dân cư, cụm công nghiệp, làng nghề được thu gom, vận chuyển đạt tỷ lệ trên 98%, một số làng nghề chế biến nông sản thực phẩm như xã Dương Liễu đã ép các bã làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.  Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm không khí đã được cải thiện đáng kể:

'Cuối năm 2017 đến nay, tình trạng đốt rơm rạ giảm dần. Hiện nay cơ bản không còn và đặc biệt trong vụ vừa rồi, không còn tình trạng đốt rơm rạ. Phụ phẩm cây trồng, rơm rạ được tận dụng làm phân bón, không còn tình trạng  khói bụi do đốt rơm rạ, đốt phụ phẩm cây trồng sau thu hoạch', bà Na cho biết

Bà Hồ Thị Na cho biết thêm, để có được kết quả trên, trong những năm qua, Huyện ủy Hoài Đức đã ban hành nhiều Nghị quyết về công tác bảo vệ môi trường và quán triệt rộng rãi tuyên truyền tới toàn bộ cán bộ trên địa bàn.

UBND huyện Hoài Đức đã tổ chức nhiều chương trình, kế hoạch về bảo vệ môi trường như Kế hoạch số 75, số 108 và  số 117, chỉ đạo các xã xây dựng các kế hoạch triển khai công tác bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh về bảo vệ môi trường. Với sự chỉ đạo sát sao quyết liệt của Huyện ủy, sự vào cuộc của các địa phương và quần chúng nhân dân, tình trạng ô nhiễm tại huyện Hoài Đức đã cơ bản khắc phục, cảnh quan môi trường của huyện ngày được cải thiện,  từng bước xây dựng huyện Hoài Đức thành quận trước năm 2025.

Ảnh: Facebook Dấu chân xanh

"Dấu chân xanh"- sức sống của những chậu hoa tái chế

Anh Thái Khắc Tiến, đại diện cho tổ chức xã hội Dấu chân xanh là một kiến trúc sư nhưng với đam mê tìm tòi, thích nghiên cứu về các vật liệu mới, thân thiện với môi trường, anh Tiến đã tái chế thành công vỏ hộp sữa thành những sản phẩm có ích, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Với quan điểm, cần tạo ra nền tảng để bắt đầu, trong tương lai mới có thể phát triển tốt, nên dù hiện nay, công tác thu gom vỏ hộp sữa gặp nhiều khó khăn, nhưng anh Tiến và các cộng sự vẫn kiên trì, ệt mài với công việc tái chế rác thải và sớm cho ra đời loại vật liệu xây dựng mới cho ngôi nhà:

'Dấu chân xanh đang tái chế vỏ hộp sữa thành những vật liệu thân thiện với môi trường như là chậu cây với nhiều kích thước, sắp tới là những sản phẩm thanh gỗ ứng dụng trong xây dựng để thay thế gỗ ngoài trời, có thể làm mái, có thể chịu đựng được mưa nắng và thân thiện với môi trường.

Chúng tôi đang nghiên cứu để làm sao ứng dụng được tất cả các bộ phận của ngôi nhà, mái, vách tường, sàn, đồ nội thất…Tất cả bộ phận của toàn bộ ngôi nhà đều được làm bằng vỏ hộp sữa', anh Tiến chia sẻ.