Giảm phát sinh chất thải thực phẩm ngay tại gian bếp

Thức ăn bị vứt bỏ, giống như phần lớn rác thải của chúng ta, tiếp tục bị đổ ra các bãi rác, nơi thải ra khí metan, một loại khí nhà kính góp phần lớn trong việc gây ra tình trạng nóng lên của trái đất.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Cùng với nhiều loại rác thải khác, hiện nay, phần lớn rác thải thực phẩm vẫn lẫn trong rác thải sinh hoạt. Khi rác thải thực phẩm được tích tụ với lượng đủ lớn và phân hủy trong môi trường yếm khí sẽ phát ra khí metan (CH4) – một loại khí gây hiệu ứng nhà kính.

Dự tính, số lượng khí metan này sẽ tạo ra khoảng 3,3 tỷ tấn khí CO2 mỗi năm, chiếm khoảng 7% tổng lượng khí thải. Vậy chúng ta có thể làm gì để giảm phát sinh chất thải thực phẩm ngay tại gian bếp nhà mình? 

Ảnh nh họa

1.    Kiểm tra tủ lạnh trước khi mua sắm: Trước mỗi lần mua sắm, hãy nhìn qua một lượt tủ lạnh của mình hoặc lập một danh sách thực phẩm tồn kho. Chúng ta có thể ghi ra những gì cần sử dụng hết trong một tuần và lên thực đơn dựa trên những thực phẩm đó. Một mẹo hữu ích khác dành cho bà con là sau khi mua thực phẩm mới từ cửa hàng, hãy dồn tất cả những thực phẩm cũ trong tủ bếp và tủ lạnh ra phía trước để ưu tiên sử dụng, tránh để chúng bị hư hỏng và phải bỏ đi một cách lãng phí.

2.    Mua với số lượng vừa phải: Đừng làm quá tải giỏ hàng của mình với những thứ ngẫu nhiên mà bà con không cần. Với thực phẩm có giá tốt mà chúng ta quan tâm, hãy chắc chắn dùng hết chúng trước khi hết hạn để tránh phải cho chúng vào thùng rác. Nếu phải mua nguyên liệu với số lượng lớn, hãy đảm bảo đó là thứ sẽ được sử dụng hết 100% hoặc có thể trữ được lâu.

3.    Bảo quản thực phẩm đúng cách: Cách dễ nhất để tránh lãng phí thực phẩm là lưu trữ theo cách cho chúng vào hộp bảo quản để giữ được sự tươi ngon. Nếu có thêm trái cây và rau, hãy đông lạnh hoặc dùng hộp bảo quản để có thể thưởng thức vị ngon của chúng trong thời gian dài. Lưu ý, nên trữ chuối, táo và cà chua riêng vì những loại trái cây này có thể phát ra khí tự nhiên có thể làm hỏng bất kỳ sản phẩm nào quanh chúng. 

4.    Ủ phân compost: Vỏ trái cây và rau quả, vỏ trứng, túi trà hay những thứ tương tự đều được xem là nguồn cung dinh dưỡng phù hợp cho cây. Vì vậy hãy phân loại rác thải thực phẩm bằng cách cho chúng vào một thùng rác riêng để ủ làm phân bón hữu cơ và bón cho cây trồng.

Các nghiên cứu cũng cho thấy các chất thải thực phẩm rất dễ thối rữa khi tích tụ khối lượng lớn và trở thành nơi sinh sôi, tập trung của nhiều loại sinh vật gây bệnh. Và những mầm bệnh này sẽ đe dọa trực tiếp đến môi trường và sức khỏe của con người. Vì vậy hãy chủ động bảo vệ trước hết là sức khỏe của chính chúng ta bằng những việc làm đơn giản và thiết thực mỗi ngày.