Giảm lưu thông xe máy cũ, cải thiện chất lượng không khí

Giúp người dân chuyển đổi phương tiện thông qua những chính sách hỗ trợ thiết thực, đơn giản hóa thủ tục có thể từng bước cải thiện chất lượng không khí.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 
Ảnh nh họa: Báo Tuổi trẻ Thủ đô

Trung bình mỗi ngày bạn Nguyễn Văn Hải, một lái xe Grab di chuyển quãng đường từ 100-120km. Dù chiếc xe mới mua được 5 năm, nhưng tổng số lượng km di chuyển tương đương với những phương tiện sử dụng 7-8 năm.

Dù biết tỷ lệ khí phát thải tỷ lệ thuận với quãng đường di chuyển nhưng theo bạn Hải rất khó để kiểm soát: 'Thường xe càng cũ thì khí thải phương tiện càng nhiều. Bởi vì người ta chỉ kiểm tra máy móc, côn, phanh, hệ thống máy móc, người ta không kiểm tra khí thải'.

Hà Nội hiện có hơn 5,7 triệu xe máy, trong đó gần 1/2 là xe máy cũ sử dụng lâu năm, sản xuất trước năm 2000. TS Đỗ Khắc Sơn, giảng viên Bộ môn cơ khí ô tô, trường Đại học GTVT phân tích, những phương tiện đã quá cũ, không đầy đủ các bộ phận như đèn, phanh… khi tham gia giao thông tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và phát thải ra những chất gây ô nhiễm môi trường: 

Xe gắn máy thường dùng nhiên liệu là động cơ xăng. Các chất phát thải gồm HO,CO và NO. Các chất thải này đều ảnh hưởng tới môi trường nếu như động cơ xử lý phần khí thải không tốt, đặc biệt là các xe cũ, nát, ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Kết quả sơ bộ của chương trình đo kiểm khí thải phương tiện đang thực hiện tại Hà Nội cũng cho thấy, trong số 2.951 xe máy đã tham gia đo kiểm khí thải, có gần 50% xe máy không đạt tiêu chuẩn trong lần đo đầu tiên, sau bảo dưỡng số xe đạt tiêu chuẩn đã lên tới 87,26%.

Theo anh Phạm Gia Tùng, kỹ thuật viên của một đại lý xe máy, thói quen bảo dưỡng, thay dầu xe máy tỷ lệ nghịch với lượng khí thải của phương tiện: 'Nếu khách hàng nào thường xuyên kiểm tra định kỳ xe, khí thải xe sẽ giảm hơn. Còn lâu không kiểm tra, lọc gió, kim phun tắc không thông, nếu mà không đạt nó hiện hẳn chữ không đạt ở trên máy. Màn hình hiện màu nâu'.

Nhằm hạn chế lượng khí phát thải phương tiện, đặc biệt là từ những xe máy cũ, nhiều ý kiến cho rằng, trước hết cần khuyến khích người tham gia giao thông thực hiện đo kiểm khí thải và tăng cường bảo dưỡng phương tiện thường xuyên. Bên cạnh đó, giải pháp thu hồi phương tiện cũ, nát không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải cũng góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. 

Theo các chuyên gia, chương trình thí điểm thu đổi xe cũ đổi xe mới mà Hà Nội đang thực hiện cũng là một giải pháp thúc đẩy người dân chuyển đổi sang sử dụng các phương tiện đảm bảo yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải. Mặc dù, các hãng xe hỗ trợ từ 2-4 triệu đồng khi đổi xe mới, nhưng đối với nhiều người dân lao động, khoản chi phí bỏ ra để đổi xe mới vẫn còn quá lớn. Một người dân bày tỏ băn khoăn: "Tôi biết đi xe cũ độ an toàn không cao nhưng nếu chuyển đổi sang xe mới, phải bù thêm số tiền khá lớn, gia đình không có đủ điều kiện" 

Hà Nội sẽ giảm gần 131 nghìn tấn khí ô-xít các bon và gần 11.390 tấn hi-đrô các-bon (HC) nếu áp dụng giải pháp kiểm soát khí thải xe máy thông qua khám và bảo dưỡng xe hàng năm. Để giảm lượng mô tô, xe máy cũ tham gia giao thông, qua đó kiểm soát khí phát thải phương tiện, theo các chuyên gia, chính quyền thành phố cần có thêm những chính sách hỗ trợ, thu hồi và mua lại các phương tiện cũ. 

Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần có sự phối kết hợp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn về thủ tục để hủy đăng ký, thu hồi biển số xe cũ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi. Bản thân mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường không khí thông qua việc kiểm kê khí phát thải phương tiện và thường xuyên kiểm bảo dưỡng phương tiện định kỳ.