Giải pháp nào cho rác thải nông nghiệp?

ĐBSCL có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đi cùng đó là vấn đề quản lý và xử lý chất thải nông nghiệp sao cho hiệu quả; bởi thực tế, các loại chất thải nông nghiệp ngày càng nhiều tại các vùng nông thôn trong khi khả năng đầu tư cho xử lý và giảm thiểu ô nhiễm lại rất hạn chế

Không thể phủ nhận hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật hoang dã tạo ra việc làm và nguồn thu nhập chính cho nhiều nông dân. Thế nhưng, lượng chất thải từ các hoạt động này thải ra môi trường cũng không nhỏ.

Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, tổng khối lượng chất thải rắn từ hoạt động chăn nuôi thải ra môi trường khoảng 3.980 tấn/ngày. Các loại chất thải rắn từ quá trình chăn nuôi gồm: phân, thức ăn thừa, xác gia súc, gia cầm, chất thải lò mổ...

Điều đáng nói là một lượng lớn các loại chất thải phát sinh từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều được thải trực tiếp ra môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Bên cạnh đó, các loại bao bì, chai, lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng bị vứt trực tiếp xuống các kênh thủy lợi, đồng ruộng cũng gây ra áp lực không hề nhỏ lên môi trường nước, đất, không khí, làm nguy hại đến sức khỏe con người.

Nhằm hướng đến mục tiêu giảm thiểu tác nhân gây môi trường, đặc biệt trong hoạt động nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã triển khai đề án “Hậu Giang xanh”, bước đầu đã tạo được sự chuyển biến nhất định đến ý thức người dân.

Dẫn chúng tôi thăm nông trại của Công ty TNHH Ngũ Thường Mekong ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, bà Lữ Thị Nhật Hằng- Giám đốc điều hành Công ty phấn khởi cho biết, đơn vị đã mạnh dạn xây dựng và đưa vào vận hành 10 nhà nấm với tổng diện tích 350m2, bã rơm sau khi chất nấm mỗi vụ sẽ được xử lý men vi sinh để làm giá thể nuôi trùn quế và trồng rau sạch.

Ngoài ra, phân bò cũng được ủ làm thức ăn nuôi trùn quế. Đến nay, nông trại đã xây dựng và đưa vào sản xuất 3 nhà trùn quế với diện tích 300m2, kế hoạch sẽ nâng lên tổng số 9 nhà trùn, tổng diện tích khoảng 1.000m2.

Trùn quế khi được thu hoạch, lượng phân trùn thải ra sẽ được thu gom và dùng để bón cho cây trồng, phần còn lại sẽ được bán cho các hộ có nhu cầu. Ngoài ra, trại cũng tận dụng các quỹ đất để trồng thêm mảng rau xanh, rau sạch, cỏ voi cho bò ăn. Sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ như phân trùn quế, phân gà ủ hoai mục, mô rơm thải ra từ trồng nấm đã qua xử lý.

Và cứ như vậy, từng khâu khớp theo quy trình, theo chuỗi thức ăn, thứ đứng trước là thức ăn của thứ đứng sau, chặt chẽ và khoa học. Bà Lữ Nhật Hằng cho biết: “Tuần hoàn có nghĩa là chạy theo một vòng từ nguyên liệu đầu vào, đầu ra là khi đã thành phẩm là những vật nuôi, rau sạch. Để có được như hôm nay, ban đầu tôi đi học trồng nấm rơm, nuôi trùn, nuôi gà, nuôi bò và tiến hành nuôi trồng. Nói chung là phải va chạm, làm hết. Mấy anh em trong nghề và các bác nông dân chỉ nhiệt tình lắm”.

Cùng với đó, bắt đầu từ năm 2019, người dân ấp Bình Trung, xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cũng đã thành lập mô hình “Cánh đồng không vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật”. Vận động người dân tự đem vỏ chai thuốc BVTV về điểm thu gom sau mỗi lần phun, xịt thuốc. Mỗi tháng 1 lần, các thành viên trong tổ sẽ đi thu gom ở những tuyến thủy lợi. Bỏ công nhà nhưng ai cũng nhiệt tình vì sau mỗi bước chân đi qua, ruộng đồng dần thêm sạch, đẹp.

Ông Trương Trung Hiếu- người dân xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Từ khi có mô hình này thì mỗi khi đi xịt thuốc, ở gần gần thì tôi tự gom bỏ vô cái hố này. Còn nếu trường hợp ruộng ở xa thì mình cũng làm cái bao nho nhỏ để mình xịt nhiều lần. Ví dụ như gần cuối vụ hay nửa vụ mình thấy nhiều mình gom mình bỏ vô cái tổ này để nó cho nó không ô nhiễm môi trường”.

Lãnh đạo tỉnh khẳng định, đặc biệt quan tâm đến tiêu chí về môi trường và sẽ có những hành động thiết thực để đạt được mục tiêu đề ra. Đến nay, Hậu Giang đã xây dựng hơn 300 hố chứa bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng. UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương có kế hoạch tổ chức thu gom, hợp đồng các đơn vị chức năng để vận chuyển các chất thải nguy hại này đến đúng nơi quy định.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang chia sẻ: 'Xuất phát từ những mô hình hiện có của tỉnh như Hội nông dân có mô hình thu gom, vỏ chai thuốc BVTV, các xã cũng thành lập các tổ tham gia phát động trồng cây xanh.

Người dân tự nguyện, tự giác thì người ta mới tham gia triệt để trên cơ sở những mô hình như thế trong đề án này chúng tôi tổng hợp lại các mô hình để nhân rộng trong địa bàn tỉnh. Rất hy vọng người dân trong tỉnh đồng lòng tham gia thì đề án Hậu Giang xanh chúng ta sẽ gặt hái nhiều kết quả tốt'.

Cùng với Hậu Giang nhiều địa phương khác ở ĐBSCL cũng đang nỗ lực hết mình để vừa phát huy hiệu quả trong các mô hình sản xuất nông nghiệp, vừa cải thiện chất lượng môi trường. Thiết nghĩ những mô hình hiệu quả và cách làm hay trong quản lý và xử lý chất thải nông nghiệp rất cần được nhân rộng trong dân; đồng thời, công tác bảo vệ môi trường cũng nên được xem là trách nhiệm chung của cả cộng đồng.