Giải ngân ngành giao thông: Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu

Mặc dù, Bộ GTVT có tốc độ giải ngân duy trì ở mức cao. Tuy nhiên từ nay đến cuối năm, đơn vị này đối mặt với thách thức nặng nề khi cần phải giải ngân tới trên 40.000 tỷ đồng thì rất cần sự nỗ lực, quyết liệt và sáng tạo của những người đứng đầu các đơn vị, các địa phương.

 

Cần những giải pháp quyết liệt, đồng bộ từ Bộ giao thông vận tải và chính quyền các địa phương, các nhà thầu… nhằm đẩy mạnh giải ngân trong những tháng cuối năm

Từ năm 2016, khi Luật đầu tư công ra đời, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công  của Bộ GTVT tăng dần qua các năm, năm 2020 là 97,5%, năm 2021, năm 2022 lần lượt là 92,34% và 96,2%, cao so với mức giải ngân vốn đầu tư công của cả nước, nhưng đều chưa đạt được kế hoạch đề ra.

Năm 2023, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao lượng vốn lớn nhất từ trước đến nay với trên 94 nghìn tỷ đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2022. Tính đến hết tháng 9/2023, Bộ đã giải ngân được khoảng 56.600 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch năm, cao hơn cùng kỳ năm 2022 cả về giá trị và tỷ lệ.

Tuy nhiên số vốn còn lại phải giải ngân là rất lớn. Do vậy, cần những giải pháp quyết liệt, đồng bộ từ Bộ giao thông vận tải và chính quyền các địa phương, các nhà thầu… nhằm đẩy mạnh giải ngân trong những tháng cuối năm.

Đối với những vướng mắc về giải phóng mặt bằng, chính quyền địa phương cần sớm có các giải pháp về các cơ chế đền bù, các dự án tái định cư, các dự án nhà ở tái định cư…, phối hợp với các chủ đầu tư kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục, đẩy nhanh tiến độ bàn giao các mặt bằng sạch, đảm bảo cho hoạt động triển khai thực hiện.

Từ kinh nghiệm thực hiện dự án vành đai 4 của Hà Nội, một số ý kiến cho rằng, đối với các dự án nhóm A cân nhắc tách các hạng mục giải phóng mặt bằng, phê duyệt  sớm và giao cho các quận, huyện, các Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện.

Về phía các chủ đầu tư cần xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án theo từng tuần, tháng và theo dõi tiến độ giải ngân hàng tháng, kịp thời điều hòa, điều chỉnh vốn từ các dự án giải ngân chậm sang dự án có khả năng giải ngân cao.

Tùy từng khó khăn của các dự án khác nhau, các chủ đầu tư xây dựng những kế hoạch triển khai thực hiện cho phù hợp. Đồng thời, đối với những dự án đã có mặt bằng, các chủ đầu tư và nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, triển khai thi công “3 ca 4 kíp” để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân.

Để các dự án đầu tư công có thể sớm được triển khai, đề nghị các Bộ, ngành sớm tháo gỡ, điều chỉnh về mặt cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế như những quy định về quản lý dự án, quản lý chi phí và hợp đồng, những quy định về đấu thầu, định mức nhân công, kỹ thuật…

Gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị với kết quả giải ngân, coi đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ

Bộ GTVT và các cơ quan liên quan cũng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ triển khai thực hiện các dự án; nghiêm túc kiểm điểm, chấn chỉnh và xử lý các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các nhà thầu không đáp ứng đủ năng lực làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và kết quả giải ngân.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng cần hợp tác với các trường đại học, nâng cao chất lượng giảng dạy cho đội ngũ nhân lực ngành xây dựng phù hợp với nhu cầu của các dự án giao thông, góp phần giảm thiểu tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao từ sau đại dịch covid.

Hiện nay, hầu hết các dự án đều gặp những khó khăn về nguồn cung nguyên vật liệu như cát, đất đá… cho dự án, vì vậy, Chính phủ, Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần thể hiện vai trò điều phối các nguồn nguyên vật liệu, cũng như ban hành những cơ chế tạo điều kiện trong việc khai thác các mỏ vật liệu giữa các địa phương phục vụ cho các dự án giao thông trọng điểm.

Hiện nay, các dự án giao thông của Bộ và của nhiều địa phương về cơ bản không thiếu vốn, do vậy, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu vô cùng quan trọng.

Bộ GTVT yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị với kết quả giải ngân, coi đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Về phía các địa phương, các tỉnh thành phố, các quận, huyện khi được phân cấp, phân quyền, người đứng đầu các địa phương cũng dám chịu trách nhiệm, dám nghĩ dám làm, năng động, sáng tạo, quyết liệt mới có thể tháo gỡ những vướng mắc giúp các chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án.