Đừng để người dân bất an vì nỗi lo ngộ độc thực phẩm

Mới đây Hội đồng Nhân dân TP,HCM đã thông qua việc thành lập Sở An toàn thực phẩm. Thế nhưng để Sở ngành phát huy vai trò của mình thì cần có một chế tài đủ mạnh đối với những trường hợp sản xuất thực phẩm kém chất lượng.

Ngoài ra, các sở ngành cần giải quyết các khu chợ tự phát xung quanh các chợ đầu mối, đảm bảo an toàn ở các chợ truyền thống và hàng rong. Đặc biệt, công tác đảm bảo an toàn, phòng ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, trường học.

Ảnh nh họa. Nguồn: Hà Nội mới

Thời gian vừa qua, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra không chỉ tại TP.HCM mà còn ở những tỉnh thành khác trên cả nước. Tình trạng ngộ độc thực phẩm và nhiễm độc thực phẩm đang ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng khi liên tiếp có những trường hợp tử vong xảy ra, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Có thể thấy, một trong những nguyên nhân chính là do quá trình sản xuất, chế biến và bảo quản thực phẩm không bảo đảm. Nhiều nhà hàng, quán ăn, cơ sở sản xuất, kinh doanh không tuân thủ đúng qui định trong quá trình sản xuất và bảo quản thực phẩm. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như việc sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách, chất bảo quản cấm, nguồn nước không bảo đảm vệ sinh...

Đáng lo ngại hơn cả là việc một số cơ sở sản xuất, kinh doanh dù biết rõ sản phẩm không bảo đảm về chất lượng nhưng vì lợi nhuận đã bất chấp tất cả để tìm cách đưa đến tay người tiêu dùng "thực phẩm bẩn", gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn nhỏ trên địa bàn, làm nguy hại tới sức khỏe thậm chí dẫn đến tử vong cho người tiêu dùng.

Từ thực tế trên cho thấy, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đang đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý. Thời gian qua các sở ban ngành đã tiến hành không ít những cuộc kiểm tra từ đó phát hiện ra rất nhiều vụ việc liên quan tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đã xử phạt rất nặng theo qui định của pháp luật, thậm chí là truy tố hình sự một số trường hợp để lại hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, hiện nay việc thanh tra cũng tồn tại nhiều bất cập vì hiện là thanh tra theo kế hoạch hoặc đột xuất. Nhưng thanh tra theo kế hoạch có hạn chế là mỗi cơ sở chỉ thanh tra tối đa 1 lần trong năm, dẫn đến tư tưởng đã kiểm tra rồi thì cả năm “thả cửa”.

Ngoài ra các khu chợ dân sinh, chợ tự phát vẫn còn hoạt động mà chưa thể dẹp bỏ, nguồn thực phẩm tại những khu chợ này không được đảm bảo chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ, dẫn đến việc vấn nạn ngộ độc thực phẩm chưa bao giờ được xử lý triệt để, dứt điểm trong suốt thời gian qua.

Dân gian có câu “Bệnh tòng khẩu nhập” tức bệnh tật là do ệng mà vào. Vậy nên, trước hết chính bản thân người tiêu dùng cần tự trang bị những kiến thức về vấn đề an toàn thực phẩm, chủ động lựa chọn những sản phẩm thực phẩm tươi, sạch, có nguồn gốc rõ ràng; chế biến và bảo quản thực phẩm đúng cách để bảo đảm sức khỏe của mình và người thân.

Riêng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần thay đổi tư duy trong làm ăn. Cách tư duy tham bát bỏ mâm, khuất mắt trông coi, chỉ nghĩ đến lợi nhuận trước mắt, nhắm mắt làm ngơ với những yêu cầu chất lượng cần phải được loại bỏ.

Nếu không muốn bị “bỏ lại phía sau” trong sự phát triển mà người tiêu dùng sẽ ngày càng thông nh hơn thì người kinh doanh, sản xuất cũng phải biết nhìn nhận lại phương châm của mình.

Muốn đi xa, tiến mạnh thì phải xây dựng trên nền tảng vững chắc với trách nhiệm và cả đạo đức kinh doanh, thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong kinh doanh, chế biến thực phẩm; thực hiện đăng ký đầy đủ giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sự nỗ lực phải có từ cả 3 “chân kiềng”: người tiêu dùng, người sản xuất kinh doanh và nhà quản lý. Vừa qua Hội đồng nhân dân TP.HCM đã thông qua việc thành lập Sở An toàn thực phẩm. Đây được xem là bước tiếp nối của mô hình thí điểm và kéo dài thời gian thí điểm hoạt động Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM.

Tuy nhiên, để Sở đi vào hoạt động hiệu quả cũng cần có sự phối hợp giữa các cơ quan liên ngành trong hoạt động quản lý; thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm qui định về an toàn thực phẩm.

Ngoài ra cần có một chế tài đủ mạnh, tăng sức răn đe đối với những trường hợp sai phạm, thiếu trách nhiệm trong việc đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, có như vậy mới mong ngộ độc thực phẩm không còn là câu chuyện ‘biết rồi…nói mãi’.