Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Giảm thời gian đóng tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm

Bộ Lao động và Thương Binh xã hội đang soạn thảo Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, gọi tắt là Dự Luật Bảo hiểm xã hội với việc bổ sung, sửa đổi một số quy định mới nhằm hài hòa lợi ích liên quan đến đối tượng tham gia, tăng thêm những lợi ích của chế độ thụ hưởng BHXH

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi gồm 9 chương, 133 điều, tăng 8 điều so với Luật BHXH năm 2014

Với mong muốn đảm bảo an sinh xã hội của người dân, Luật Bảo hiểm xã hội  sửa đổi điều chỉnh, rút kinh nghiệm từ những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật BHXH năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm yếu tố bình đẳng giới. 

Dự Luật BHXH sửa đổi mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia BHXH; đồng thời, bổ sung thêm một số quy định nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu. 

Luật BHXH (sửa đổi) được xây dựng dựa trên quan điểm kế thừa, phát triển những quy định hiện hành phù hợp đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn, sửa đổi các quy định chưa phù hợp, bảo đảm tính khả thi, dài hạn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bổ sung những quy định mới phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế. Dự Luật xây dựng các chế độ BHXH đa tầng theo nguyên tắc đóng - hưởng; công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững.

Đáng chú ý, Dự thảo mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp; người lao động làm việc không trọn thời gian. người quản lý điều hành HTX không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian tham gia và hưởng chế độ BHXH bắt buộc.

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung thêm quy định, người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ có thêm lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng bằng mức trợ cấp xã hội và được hưởng bảo hiểm y tế. Điều này, nhằm khuyến khích người lao động lựa chọn tham gia hoặc bảo lưu thời gian tham gia BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng.

Liên quan đến quy định về BHXH một lần, dự thảo đề xuất 02 phương án:

Phương án 1: giữ nguyên quy định hiện hành của Luật BHXH năm 2014, "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm".

Phương án 2: quy định thay đổi theo hướng vẫn cho phép người lao động hưởng BHXH một lần, song chỉ được giải quyết một phần không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, phần còn lại được bảo lưu để có thể tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Nhằm tăng sự hấp dẫn của chính sách BHXH, Dự Luật Bảo hiểm xã hội bổ sung thêm quy định, người lao động tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con có cơ hội được hưởng trợ cấp thai sản, nguồn kinh phí chi trả sẽ do NSNN đảm bảo và người tham gia BHXH tự nguyện không phải đóng thêm so với quy định hiện hành. 

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đang xin ý kiến các Bộ, ban ngành, doanh nghiệp và người lao động, sau khi tổng hợp ý kiến, điều chỉnh Ban soạn thảo gửi Bộ Tư Pháp xin ý kiến thẩm định vào tháng 5, trình Chính phủ vào tháng 6/2023 và Chính phủ xem xét trình Quốc hội vào tháng 10/2023. 

ảnh nh họa (internet)

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có những điểm gì mới về đối tượng và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội? Phóng viên chương trình đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động và Thương binh xã hội, thành viên Ban soạn thảo Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi về nội dung này: 

PV: Xin ông cho biết những điểm mới đáng chú ý của dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi?

Ông Nguyễn Duy Cường: Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi tập trung vào 5 nhóm chính sách lớn  đã được Chính phủ Quốc hội thông qua, so với Luật bảo hiểm xã hội hiện hành dự thảo Luật bảo hiểm xã hội có một số điểm thay đổi. 

Thứ nhất, bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội bên cạnh tầng BHXH cơ bản (BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện), tầng bảo hiểm hưu trí bổ sung hình thành hệ thống BHXH đa tầng theo tinh thần Nghị quyết 28. 

Đặc biệt, bổ sung quy định về liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng BHXH cơ bản, theo đó người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hàng tháng do quỹ BHXH chi trả từ phần đóng góp của  người lao động; trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng thì được hưởng BHYT do Ngân sách Nhà nước đảm bảo.

Thứ hai, bổ sung đối tượng tham gia và hưởng chế độ BHXH, bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Theo luật hiện hành, nhóm đối tượng này mới chỉ được hưởng 02 chế độ là hưu trí và tử tuất. 

Thứ ba, bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện, theo đó người lao động tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con có cơ hội được hưởng trợ cấp thai sản, nguồn kinh phí chi trả sẽ do NSNN đảm bảo và người tham gia BHXH tự nguyện không phải đóng thêm so với quy định hiện hành. 

 Thứ tư, giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, tạo cơ hội cho người có thời gian đóng ngắn cũng được hưởng lương hưu.

Đối với nội dung hưởng BHXH một lần, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng gia tăng quyền lợi để khuyến khích người lao động lựa chọn bảo lưu thời gian đóng, tiếp tục tham gia để hưởng lương hưu hàng tháng thay vì nhận BHXH một lần; đồ

ng thời đề xuất 02 phương án về hưởng BHXH một lần để xin ý kiến bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Ngoài ra, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng đã bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH; các biện pháp nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động và Thương binh xã hội. Ảnh: Hải Hà

PV: Như ông vừa chia sẻ, trong dự thảo Luật bảo hiểm xã hội, sửa đổi thì có sửa đổi theo hướng là giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm. Điều này sẽ tác động như thế nào đến người tham gia bảo hiểm và các cơ quan quản lý bảo hiểm xã hội?

Ông Nguyễn Duy Cường: Trước tiên phải khẳng định, quy định giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm sẽ tạo cơ hội cho nhiều người hơn được hưởng lương hưu hàng tháng khi về già.

Quy định này nhằm hướng tới những người tham gia muộn. Ví dụ như là 40, 47 tuổi mới bắt đầu tham gia hoặc là những người có quá trình tham gia bảo hiểm xã hội không liên tục, gián đoạn quá trình tham gia thì khi đến tuổi nghỉ hưu, người ta chưa tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm.

Theo quy định hiện hành, các trường hợp này sẽ không được hưởng lương hưu, với quy định mới trong Dự thảo sẽ tạo cơ hội cho họ được hưởng lương hưu.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

ảnh nh họa (internet)

Người lao động có thực sự được hưởng lợi khi giảm số năm đóng BHXH? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về vấn đề này:

PV:  Dự Luật bảo hiểm xã hội, sửa đổi đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm. Ông nghĩ sao về đề xuất này? 

Ông Phạm Văn Hòa: Giảm thời gian đóng bảo hiểm suốt 15 năm là cần thiết, phù hợp nhưng người đóng bảo hiểm, người ta vẫn chưa được vui. Tuy đóng đủ thời gian bảo hiểm rồi nhưng nếu người lao động mới có 50 tuổi hoặc 55 tuổi.

Thời gian đóng bảo hiểm được hưởng, tuổi nghỉ hưu lại không được hưởng mà đợi tới 60 tuổi, 65 tuổi mới được hưởng thì lúc đó trừ tỷ lệ % hết trơn rồi.

Quy định hiện nay, ngành bảo hiểm trừ 2 %/năm, về hưu trước 5 tuổi, trừ 10 %, về hưu trước 10 tuổi thì ta trừ 20 %, đến 60 tuổi về hưu số tiền bảo hiểm được nhận không được bao nhiêu, chỉ còn mấy chục % . Ngành bảo hiểm vẫn còn cái quan điểm bảo vệ cho ngành mình mà không quan tâm đến người lao động. Tôi nghĩ đây là một bất cập mà ngành lao động bảo hiểm xã hội phải coi lại. 

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: TTXVN

PV: Dự Luật BHXH sửa đổi đưa ra 2 phương án về hưởng BHXH một lần, theo ông phương án nào đâu?

Ông Phạm Văn Hòa: Hiện nay, Việt Nam chúng ta có một bất cập là những người lao động nghỉ giữa chừng, những người lao động mất việc, những người lao động độ tuổi còn nhỏ, hết thời gian nghỉ việc là muốn lĩnh tiền bảo hiểm một lần, nghĩa là về già họ không có lương hưu. Điều này gây gánh nặng cho xã hội. Đây là một bất cập cần phải sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội

Theo đề xuất của Bộ Lao động &Thương binh Xã hội đưa ra 2 phương án, tôi thấy rất hợp lý. Tuy nhiên, phương án 1 giữ nguyên theo Luật bảo hiểm hiện hành thì phải xem lại, cũng phải có sự ràng buộc đối với đối tượng bảo hiểm để làm sao người đóng bảo hiểm an tâm.

Thứ hai nữa, cũng cần bổ sung thêm các quy định, lợi ích để thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội cho đến khỉ đủ tuổi nghỉ hưu để được hưởng. Tôi nghĩ đây là một phương án tối cao nhất khi mà người đóng bảo hiểm mà được trả lương hưu thì hết sức cần thiết!

PV: Vâng. Xin cảm ơn ông! 

Ảnh nh họa (internet)

Theo số liệu thống kê, có khoảng 20 nghìn người đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đóng đủ BHXH đủ 20 năm, người lao động đã phải lựa chọn đóng 1 lần để hưởng lương hưu. Trong số người hưởng BHXH 1 lần, có 300 nghìn người đã có thời gian đóng BHXH trên 10 năm. Những quy định hiện hành về số năm đóng BHXH tối thiểu để nhận lương hưu đang gây khó khăn cho nhiều người lao động hưởng các chế độ BHXH.

Với những quy định mới tại Dự thảo Bảo hiểm xã hội sửa đổi, những bất cập hiện hành có thể được khắc phục trong thời gian tới?

Bạn kỳ vọng gì vào Dự thảo Luật này? Nếu được ban hành, các quy định mới sẽ tác động như thế nào đến người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan chịu trách nhiệm về BHXH? 

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOVGT, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động và Thương binh xã hội.

---

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” khung giờ FM91 chiều thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy hằng tuần trên FM91, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng Podcast dành cho di động: Spotify, Aple Podcast và Google Podcast.