Du lịch đường thuỷ: Tiềm năng sẽ mãi ngủ yên, nếu...

TP.HCM được thiên nhiên ban tặng nhiều dòng sông uốn lượn,con rạch quanh co, ôm ấp. Đây phải được gọi là báu vật cần khai thác.

Bạn cứ thử một lần bước xuống những con thuyền hoặc ở một điểm nào đó để ngắm dòng sông Sài Gòn, sông Soài Rạp mới cảm nhận rõ điều này. Sông nước mênh mông, thấp thoáng bờ bên kia là những tòa nhà cao lừng lững; gió trên sông thổi mát rượi.

Ra khỏi ngoại thành là mảng xanh ngút ngàn ở 2 bên bờ, cho con người cảm giác thỏa mái và thư giãn vô cùng. Giúp xua đi cái ngột ngạt vì đô thị cả chục triệu dân, người và xe cộ luôn chen lấn. Dọc các bờ sông còn là các di tích lịch sử, làng nghề đang âm thầm tỏa các giá trị lặng lẽ vì rất ít được biết đến.

Du lịch đường thủy ở TP.HCM nhiều năm qua đã bắt đầu khai thác nhưng còn sơ khai và chưa chuyên nghiệp, đồng bộ. Du khách đi trên sông cũng chỉ để ngắm thỏa thích rồi lên bờ. Đi một lần rồi không muốn quay lại nữa; đây là điều đáng tiếc.

Thành phố đã tổ chức nhiều lần hội thảo, tọa đàm về chủ đề làm gì và làm như thế nào để phát triển du lịch đường thủy nhưng sự chuyển biến chẳng là bao.

Vì doanh nghiệp muốn làm du thuyền, thêm các trò chơi trên sông nước để hấp dẫn du khách phải vượt qua một rừng thủ tục giấy tờ, nhiêu khê. Đó là chưa kể hệ thống bến thủy chưa được đầu tư và xây dựng kiên cố nên tàu bè, ca nô rất khó neo đậu.

Mặc dù ngành chức năng đã đưa vào quy hoạch nhưng đất đai thuộc quản lý của chính quyền quận, huyện nên các bên chưa tìm được tiếng nói thống nhất. Doanh nghiệp muốn đầu tư đồng bộ, bài bản làm bến thủy nội địa rất khó khăn khi xin phép.

Tiềm năng thế mạnh vẫn sẽ mãi ngủ yên hoặc chỉ nằm trên giấy nếu không xây dựng được cơ chế rõ ràng, nh bạch để thu hút các nguồn lực đầu tư (Ảnh: VnExpress)

Tình trạng bến thủy tự phát, hoạt động trái phép, mất an toàn mọc lên. Khiến cả đơn vị tổ chức tua tuyến và du khách đều không thấy yên tâm. Chưa kể sản phẩm du lịch đường thủy vẫn còn đơn điệu,chưa đủ sức lôi cuốn du khách gần xa.

Từ kinh nghiệm thành công của tuyến buýt đường sông Bạch Đằng, du lịch trên sông Thị Nghè và một số tuyến khác hiện nay, đòi hỏi thành phố phải có cái nhìn căn cơ, bài bản và chiến lược hơn về phát triển du lịch đường thủy.

Theo đó, hình thành ngay việc quy hoạch hệ thống bến thủy nội địa hợp lý, rộng rãi để kêu gọi các nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng. Ở các bên điểm thủy này tiếp tục kết nối với các di tích lịch sử, làng nghề; các lễ hội dân gian, các không gian văn hóa đặc sắc ở từng vừng đất, con người của thành phố để phục vụ khách tham quan, thưởng ngoạn.

Đồng thời cũng hình thành các dịch vụ, trò chơi, thể thao đặc trưng sông nước giúp du khách hào hứng tham gia vận động, không nhàm chán. Kết hợp việc du lịch đường thủy với mua sắm, dịch vụ ẩm thực đặc sắc đất phương Nam nắng gió, gây ấn tượng.

Tiềm năng thế mạnh vẫn sẽ mãi ngủ yên hoặc chỉ nằm trên giấy nếu không xây dựng được cơ chế rõ ràng, nh bạch để thu hút các nguồn lực đầu tư. Nhất là cải thiện chất lượng bộ máy công quyền thực sự phục vụ người dân và doanh nghiệp.

TP.HCM được đánh giá là năng động bậc nhất cả nước nên việc phát huy các giá trị sông nước mà thiên nhiên đã dành cho thành phố qua những dòng sông, con rạch là rất cần thiết; cần bắt tay vào làm ngay không chần chừ.