'Đồng nát' ngừng hoạt động, tái chế rác thải gặp khó

Kể từ khi giãn cách xã hội, những người hành nghề đồng nát, ve chai phải tạm ngừng công việc, ảnh hưởng tới hoạt động phân loại và đưa đưa rác trở thành đầu vào cho sản xuất.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 
Ảnh nh họa

Từ khi giãn cách xã hội cách đây hơn 1 tháng, các cơ sở thu gom phế liệu đóng cửa, bà Liên ở Mỹ Đình, Hà Nội và nhiều lao động làm nghề đồng nát đã phải tạm dừng công việc thu gom khắp ngõ phố trước đây: 

'Bắt đầu giãn cách là nghỉ mà. Giờ bác chả đi đâu, cửa hàng người ta đóng hết dịch ra đường cũng sợ. Mình mua của người ta phân loại ra bán. Có trong túi rác mình không bới để xe rác họ nhặt'

Nhiều gia đình có thói quen phân loại rác sinh hoạt hàng ngày, bán lại rác tái chế cho các cô đồng nát nay không biết xoay sở ra sao. Chị Nguyễn Thị Thúy ở Yên Phụ cho biết, số lượng rác có thể tái chế trong sinh hoạt của gia đình bốn người hơn một tháng qua đã chất đầy khu vực cửa ra vào vì diện tích nhà chật hẹp: 'Dịp này họ chưa đi làm lại nên cũng dồn lại đã hết dịch mang ra một thể. Nhiều lắm trong kia rất nhiều luôn. Cũng hơi bừa tại số lượng khá nhiều: chai lọ, lon bia, giấy vụn các kiểu. Tần suất có rất nhanh. Những cái tái chế được để riêng ra hết'.

Dù hiện số lượng rác tái chế trong nhà chưa ảnh hưởng đến thói quen thu gom, phân loại nhưng nếu thời gian giãn cách kéo dài, chị Thúy đã tính đến việc vứt chung với rác sinh hoạt vì không còn chỗ.

Các đơn vị thu gom phế liệu hoạt động online cơ động hơn cũng đóng cửa dịp này. Anh Lý Quang Sơn, đại diện của Hợp tác xã ve chai cho biết, thời gian qua cửa hàng đã nhận nhiều lời nhắn của người dân với mong muốn thu gom tại nhà nhưng chưa đáp ứng được:  'Nhiều người cũng nhắn đến thu gom tại nhà nhưng không vào được vùng đỏ, vùng xanh nên cũng khó. Cũng có người hỏi làm cách nào được không mình chỉ bảo tạm gom giữ tại nhà thì hết dịch mình tới lấy hoặc mang tới chỗ mình'.

Việc thu mua, lượm lặt những vật liệu có thể tái chế từ chất thải phát sinh từ hộ gia đình hay các trường học, công sở, cửa hiệu và thậm chí là cả những bãi tập kết rác, những người làm nghề đồng nát đang góp công sức cho hoạt động thu gom, tái chế rác thải.

GS Đặng Hùng Võ, Nguyên thứ trưởng Bộ TNMT cho rằng, hoạt động này sẽ gặp khó nếu mắt xích thu gom, vận chuyển phế liệu tới nơi tập kết dừng hoạt động: 'Câu chuyện lớn nhất vẫn là việc vận chuyển rác từ nhà dân đến các nơi xử lý như thế nào và cách thức xử lý đối với các loại rác thải rắn và chất thải lỏng như thế nào. Tôi cho rằng chính quyền phải lo trước hết là quy hoạch, là giải pháp và sau đó câu chuyện thực hiện các giải pháp đó'.

Vườn xanh từ đồ nhựa tái chế

Để rác thải nhựa trở nên hữu ích, nhiều gia đình đã tận dụng nguồn tài nguyên có sẵn này để làm vườn xanh ngoài ban công, tự cung tự cấp rau sạch và nhận lại nhiều ý nghĩa hơn thế.

Chị Đỗ Ngọc Kim ở TPHCM có thói quen phân loại rác mỗi ngày. Ấp ủ làm một khu vườn từ vật liệu tái chế, dù có chuyển nhà nhiều lần chị vẫn giữ lại chai lọ, hộp nhựa biến ý tưởng thành hiện thực. Sau khi có nhà riêng, ban công chỉ vỏn vẹn 3m2, chị cùng chồng lắp đặt mô hình trồng rau thủy canh trong vật dụng nhựa đã qua sử dụng: 

'Mấy cái ly mình tích trữ dành để đó cũng mấy năm rồi. Nhà xây xong gom qua nhà mới trồng cây. Mấy cái tô nhựa đi ăn hủ tiếu, đồ đựng, hộp đựng thịt… mình trữ lại hết. Lúc trước chưa biết trồng nên phải lên mạng học hỏi. Trồng được mấy chục loại cây mà lâu rồi không phải đi chợ'.

Mấy chục loại rau, quả ưa bóng mát như: cải ngọt, cải thảo, cải thìa, cải bẹ, khoai lang... cũng đủ để gia đình chị Ngọc tự cung tự cấp cho bữa ăn hàng ngày trong giãn cách. Lựa chọn phương pháp thủy canh là bởi chị muốn đồ nhựa giữ nguyên hình dạng có thể tái sử dụng thêm nhiều lần. 

Mô hình làm vườn xanh từ đồ tái chế cũng được chị Nguyễn Thị Hồng Ngọc ở Nghệ An áp dụng cho sân thượng 40m2 nhà mình. Với kiến thức dạy học liên quan đến trồng cây xanh, thủy canh, tái chế rác, chị cùng các con thực hành sáng tạo chậu trồng cây từ vật liệu nhựa đã qua sử dụng, chăm sóc, thu hoạch thành quả từ vườn.

Qua hoạt động thực tế, chị Ngọc muốn giúp các con thêm yêu thiên nhiên, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường từ khi còn nhỏ: 'Con mình có không gian xanh để vừa học vừa chơi. Giao nhiệm vụ cây trên sân thượng các con chăm sóc. Qua việc tái chế, phân loại rác ở nhà con cũng có ý thức bảo vệ môi trường'.