[Đọc lại] Hà Nội chống ngập thế nào nếu mưa to hơn nữa?

Hàng chục tuyến đường Hà Nội bị ngập sâu sau trận mưa mới đây. Một số khu vực, khu đô thị bị bao trùm bởi biển nước ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế và đời sống người dân. Ngập úng khi có mưa lớn không phải là vấn đề mới; Hà Nội ứng phó thế nào nếu tiếp tục mưa lớn trên diện rộng?

Đến khi nào tình trạng ngập úng mới có thể được khắc phục?

Đón nghe Diễn đàn 91, phát sóng trực tiếp lúc 12h30 - 13h30, thứ Năm (01/08/2024) trên tần số FM91 và vovgiaothong.vn của Kênh VOV Giao thông Hà Nội và TP. HCM với chủ đề: Hà Nội chống ngập thế nào nếu mưa to hơn nữa? 

Cùng sự tham gia của các vị khách mời: GS.TS Nguyễn Việt Anh, Trưởng Bộ môn Cấp thoát nước, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường – Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Phó CHủ tịch Hiệp hội cấp thoát nước Việt Nam và bà Hoàng Thị Mai Hương, Phó trưởng phòng quản lý hạ tầng cấp thoát nước, Sở Xây dựng Hà Nội.

 

 

 

Trở thành ốc đảo sau mưa, người dân dùng thuyền đi lại

Ghi nhận của PV VOV Giao thông, đến ngày 29/7, xóm Bến Vôi, thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu, Quốc Oai vẫn đang trở thành ốc đảo giữa mênh mông biển nước.

Con đường chính dẫn vào xóm Bến Vôi, đường trong xóm ngập sâu khiến người dân phải dùng thuyền đi lại hoặc men theo hàng cột điện và cột mốc đường ven đường để di chuyển.

Theo ghi nhận của PV VOV Giao thông vào sáng ngày 30/7, tại đoạn cầu 72 II thuộc địa phận xã Cộng Hòa (giáp ranh giữa 2 huyện Hoài Đức và Quốc Oai) vẫn ngập sâu 40cm

Cuộc sống sinh hoạt của hơn 100 hộ dân xóm Bến Vôi bị đảo lộn, đồng ruộng, ao cá ngập ảnh hưởng đến kinh tế của bà con:

"Đi lại gặp nhiều khó khăn lắm Đây là hôm nay nó xuống, mấy hôm trước lên đây cơ mà"

"Ở trang trại, nước ngập, cá ra ngoài hết. Sau khi bơm (hút nước), nước rút bỏ bớt, không như là ở nhà khổ hơn, con dâu và cháu đi lên nhà ngoại ở nhờ. Giờ nước rút thì về nhà dọn"

"Một tuần nay rồi mà vẫn ngập, người dân ở trong xóm rất là khổ, nó bẩn lắm, nước sinh hoạt thì không có. Nướccó chỗ tràn vào nhà, có chỗ chưa tràn vào nhà nhưng đi vệ sinh thì không thể đi nổi, vì nó tràn và ngang cống không thể đi nổi vì nó bẩn. Rất là bẩn và ô nhiễm"

Theo một số người dân, sở dĩ xóm Bến Vôi trở thành “ốc đảo” là do trận mưa lớn kéo dài trong 2 ngày 23-24/7 khiến nước sông Tích Giang lên cao, cùng với  đó thủy điện mở cửa xả đã làm cô lập hoàn toàn xóm Bến Vôi  gần 1 tuần qua.

Ngay trong khu vực nội thành, Khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông sau trận mưa lớn, sáng 24/7, cũng đã trở thành biển nước. Ông Đặng Tiến Ngọc sinh sống ở gần khu vực hồ Văn Quán vẫn còn nhớ như in hình ảnh tuyến đường 19/5 đoạn giữa 2 hồ Văn Quán bị ngập nước, chỉ nhô lên những chiếc rào chắn, người dân rất khó phân biệt giữa đường đi và hồ: "Từ hồ tới đường là tràn qua luôn. Tất nhiên thì đi lại khó khăn, một số xe máy không đi được. Người ta đến đây thì phải dừng lại, quay lại để đi chỗ khác, đi là ngập ống xả. Nó sâu khoảng 50 đến 60 phân. Trước kia thì ít lắm, năm nay tôi thấy nước lên hơi to"

Ngay gần đó, khu vực ngã ba Xala, đường Cầu Bươu, đường Phùng Hưng trước cổng bệnh viện 103 cũng bị úng ngập nghiêm trọng. Đến ngày thứ hai sau trận mưa (25/7),  nước vẫn dâng cao, rất nhiều xe đi qua khu vực này bị chết máy, phải xuống dắt bộ.

Lực lượng chức năng đặt biển cảnh báo lượng nước vẫn còn ngập trên cầu

Trước cổng bệnh viện K - Tân Triều, đường vốn xuống cấp, nhiều ổ gà, trận mưa to khiến nước ngập đến quá đầu gối. Chứng kiến cảnh người đến khám bệnh, bệnh nhân và người dân phải dò dẫm qua những khu vực ngập ngày 24/7, anh Đỗ Văn Hưng thương cảm cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo: "Tình hình cổng viện K từ ở viện 103 ngược về đây ngập qua cạp quần. Bà con bệnh nhân nhiều người già yếu rất khổ. Quan trọng là người bệnh người ta không đi được, khổ lắm. Có phải ai cũng đi được qua đường đâu, người thì phải cõng, người đi xe lăn thì còn phải khênh qua đường ấy"

Ở phía Tây Hà Nội, ngày 24/7, trước cổng khu đô thị Nam An Khánh và đường gom đại lộ Thăng Long nước ngập sâu và rút rất chậm. Nhiều người dân sống trong các chung cư ở khu vực này không thể đi làm hoặc không thể vượt qua biển nước để về nhà. Hầm của nhiều biệt thự, nhà liền kề bị ngập sâu. Ông Bùi Văn Thế, người dân khu vực này cho biết khu vực này cứ có mưa là ngập: "Hôm vừa rồi là mất 1 ngày, từ khoảng 3- 4 giờ chiều hôm trước đến ngày hôm sau mới rút. Ở đây nước rút là chậm. Năm ngoái cũng ngập tầm tháng 8, nhưng chỉ ngập buổi trưa, đến chiều chiều là nó rút. Đợt vừa rồi thì ngập lâu quá".


Trận mưa lớn kéo dài 2 ngày còn khiến nhiều khu vực, tuyến đường khác bị úng ngập: khu vực quận Cầu Giấy, Long Biên, Nam Từ Liêm và nhiều tuyến đường ngã 5 Yên Viên- Hà Huy Tập, Quốc lộ 6, tỉnh lộ 429, quốc lộ 32 đoạn ĐH Thành Đô, đường Miêu Nha, Tây Mỗ; đường Ngọc Trục, Đại Mỗ; đường Phùng Hưng (Hà Đông)….Sau khi trời tạnh 5 ngày, một số khu vực vẫn còn ngập.

Tình trạng úng ngập tại nhiều tuyến đường, khu vực của Hà Nội vẫn thường xảy ra mỗi khi có mưa lớn. PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Nguyên Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho rằng, các nguyên nhân gây úng ngập đã đề cập nhiều lần, nhưng vấn đề chủ yếu vẫn là yếu tố con người: "Nguyên nhân bao trùm là năng lực và trình độ quản lý.  Mình thực sự có quan tâm và quyết tâm làm hay không. Năm nào cũng ngập úng, bao giờ chúng ta cũng chia sẻ khó khăn với cuộc sống người bị đảo lộn, đi lại khó khăn nhưng thực sự chúng ta đã là gì ?Nếu đánh giá khách quan những gì chúng ta làm được rất ít, năm nào cũng diễn ra như vậy."

Giảm úng ngập, mở rộng các không gian tiêu thoát nước

Đề cập các giải pháp trước mắt khi có mưa lớn, ông Bùi Ngọc Uyên, Phó Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông, Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho hay, đơn vị sẽ triển khai các biện pháp như: nạo vét, khơi thông dòng chảy, bố trí lực lượng ứng trực tại chỗ để bơm, tiêu thoát nước, phối hợp với các bên liên quan vận hành trạm bơm, cửa phai nông nghiệp hiện có, góp phần tiêu thoát nước nhanh, giảm ngập. Trong thời điểm thích hợp có thể mở đập Thanh Liệt để đưa nước từ sông Nhuệ, sông Tô Lịch ra sông Hồng qua trạm bơm Yên Sở. 

Còn về giải pháp lâu dài, ông Uyên cho biết: "Chúng tôi đề nghị xây dựng các trạm bơm dã chiến, lắp đặt trạm bơm Đồng Tép để bơm hạ nước trên kênh Đồng Tép, kênh Trung Thượng trước và trong khi mưa. Ngoài ra, cần có biện pháp kiểm tra, nghiên cứu để nâng cao độ nền của các điểm trũng trên hai tuyến đường gom trên Đại lộ Thăng Long. Xây dựng, bổ sung hệ thống cống dọc tuyến Đại lộ Thăng Long cho đủ khả năng tiêu thoát nước trên dọc tuyến khi có mưa"

Cô Nguyễn Thị Xuyến nhà ngay đầu xóm Bến Vôi cho biết, đến thời điểm này mực nước ở đoạn đầu xóm cũng đã rút bớt nhưng đi vào sâu trong xóm vẫn còn nhiều đoạn ngập sâu

Ông Bùi Ngọc Uyên cũng cho biết, trong trường hợp cần thiết có thể lắp đặt trạm bơm cục bộ tại các hầm chui dân sinh trên Đại lộ Thăng Long. Cùng với đó, khẩn trương hoàn thiện kênh La Khê để phục vụ cho trạm bơm Yên Nghĩa, giải quyết thoát nước cho toàn bộ lưu vực.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, cần tạo ra hồ điều hòa chứa nước, trong quy hoạch cần tính toán một số khu vực cho phép được thấm nước: "Tạo ra hồ điều hòa được không? Để ta chứa nước. Có được đất làm hồ điều hòa chứa nó ở trong đấy. Một cái phần trong quy hoạch có thể giải quyết một số khu vực cho phép thấm nước. Tôi nói ví dụ ở khu vực công cộng chúng ta có thể làm hồ khác, gọi là hồ thấm, có bấc thấm cho nước chui vào đấy thấm cái đó gọi là thoát nước bền vững. Tăng cường ý thức của người dân. Còn lại phải thống nhất đồng bộ chính quyền, người dân, các sở ngành, quy hoạch làm các cái lớn, nhưng tổ chức quy hoạch làm từ cái nhỏ đi lên, hướng theo cái lớn"


GS.TS Trần Đức Hạ, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp Thoát nước và Môi trường  cho rằng cần tăng cường quản lý hiệu quả diện tích mặt hồ điều hòa để tăng khả năng chống ngập tức thời: "Trong cái khả năng của thành phố phải tăng cường cái quản lý. Quản lý về quy hoạch, quản lý về đô thị, quản lý về công trình. Ví dụ như quản lý các hồ điều hòa, hoặc là điều tiết giữa khu vực thoát nước này với khu vực thoát nước kia trên cơ sở có dự báo, số liệu về quan trắc thủy văn. Biện pháp thứ 2 tăng cường năng lực thoát nước và giải pháp thứ 3 là liên quan đến quy hoạch thoát nước của Hà Nội là quy hoạch cả vùng, không chỉ có mấy trạm bơm mà phải giải quyết đồng thời các khu vực"

Tán thành ý kiến này, một chuyên gia của Trường Đại học Công nghệ GTVT thì cho rằng, việc xây dựng, duy trì hệ thống hồ điều hòa, cùng với việc mở rộng các không gian tiêu thoát nước là những giải pháp được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng: "Thứ nhất là đánh giá các hệ thống tiêu thoát nước, bao gồm cả hệ thống chung của Thành phố, đánh giá xe lưu lượng nước có thể tiêu thoát đầu vào, đầu ra như thế nào và xử lý cục bộ trong các khu vực. Thứ 2 là rà soát lại công tác quy hoạch hạ tầng để xây dựng thêm các hồ chứa để xử lý ngập lụt. Thứ 3 là phải tăng cường và mở rộng nhiều hơn các không gian tiêu thoát nước. Bất kể thành phố nào trên thế giới người ta đều quy hoạch rất nhiều không gian để có thể tiêu thoát nước tốt"

Ngập nước đô thị ngày càng nghiêm trọng. Giải quyết ngập úng đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ, có lộ trình, đòi hỏi sự quyết tâm chính trị của chính quyền các cấp, của các Bộ, ngành Trung ương, chứ không phải việc của chính quyền mỗi địa phương, mỗi thành phố.