Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Giao thông

Vì sao các tuyến QL phía Bắc hễ mưa là sạt lở, ngập lụt?

Hoàng Hà: Thứ bảy 06/07/2024, 11:31 (GMT+7)

Miền Bắc mới vào mùa mưa hơn 1 tháng, thế nhưng do ảnh hưởng của mưa lũ đã khiến cho nhiều tuyến đường bị sạt lở, ngập lụt, giao thông bị đình trệ, ảnh hưởng đến sản xuất và đi lại của người dân.

 

Theo ông Phạm Văn Toản, Trưởng Văn phòng Quản lý đường bộ I.1 mưa lũ trong hơn 1 tháng qua đã gây sạt lở và cách tắc giao thông nhiều vị trí trên các tuyến QL6, QL15, QL279 đoạn qua địa bàn các tỉnh Hòa Bình, Điện Biên, Sơn La, ngay sau khi xảy ra sạt lở đơn vị đã chủ động khắc phục, đảm bảo giao thông thông suốt.

Về nguyên nhân gây ra sạt lở, ngập lụt trên các tuyến QL, ông Toản phân tích: "Thứ nhất do địa hình miền núi phía Bắc đặc biệt là vùng Tây Bắc có độ dốc lớn.

Thứ hai, tập tục canh tác của người dân khiến cho các thảm thực vật bị suy giảm, nên khi mưa đến đất đá dễ bị cuốn trôi vì không có lớp thảm thực vật bảo vệ.

Thứ ba, biến đổi khí hậu, trước đây lượng mưa rải đều trong mùa mưa, nhưng nay mưa thường tập trung với cường độ cao và trong thời gian ngắn, nước dồn về cục bộ dẫn đến xói lở nhanh.

Thứ tư. do công nghiệp hoá, phát triển đô thị và công nghiệp nhanh chóng, dẫn đến hạn chế các dòng chảy, dẫn tới xói lở và ngập úng cục bộ."

Mưa lũ trong hơn 1 tháng qua đã gây sạt lở và cách tắc giao thông nhiều vị trí trên các tuyến QL6, QL15, QL279

Mưa lũ trong hơn 1 tháng qua đã gây sạt lở và cách tắc giao thông nhiều vị trí trên các tuyến QL6, QL15, QL279

Liên quan đến các điểm có nguy cơ đá lăn đá lở, sạt mái taluy dương tại khu vực đèo Thung Khe, từ km128-km 131, trên QL6 sẽ được đầu tư xử lý trong năm nay, những vị trí khác sẽ được bảo trì trong năm 2025.

Ông Trần Thanh Tùng, Trưởng Văn phòng Quản lý đường bộ I.3 cũng cho biết, mưa lớn đã gây ngập úng cục bộ và sạt lở nhiều vị trí trên các tuyến QL70, QL4E đoạn qua địa bàn các tỉnh Yên Bái, Lào Cai.

Theo ông Tùng nguyên nhân là do thời tiết ngày càng khắc nghiệt, các tuyến QL hầu hết được đầu tư từ thế kỉ trước, thời gian qua dù đã được cải tạo nhưng kết cấu nền mặt đường, mái taluy, bán kính cong vẫn theo tiêu chuẩn cũ nên khả năng tiêu thoát nước hạn chế. Hiện tại trên QL70 còn 4 vị trí ngập úng thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ, Yên Bái và 4 vị trí sạt lở, lún sụt thuộc địa bàn tỉnh Lào Cai, hiện đơn vị đã kiến nghị Cục Đường bộ VN bố trí kinh phí xử lý.

"Các tuyến QL70, QL4E đã được đầu tư xây dựng từ thập kỷ 70 của thế kỉ trước, ví dụ QL70 một số đoạn vẫn là đường cấp IV, cấp V miền núi, kết cấu hạ tầng như vậy đến thời điểm bây giờ những yếu tố về bồi lắng, hạ tầng không cải tạo được bao nhiêu nên khi mưa là sẽ bị ngập úng, nước dâng hoặc sạt lở. Để đầu tư cho các vấn đề này cần rất nhiều tiền, hiện Bộ GTVT đang quan tâm xử lý dần các vị trí  này, sao cho việc đi lại của nhân dân được an toàn", ông Tùng cho biết.

Trong hơn 1 tháng qua, mưa lớn cũng gây thiệt hại nặng nề về giao thông tại tỉnh Hà Giang, với hàng chục điểm sạt lở, ngập úng tại các QL4C, QL4D, QL34, QL279, nguyên nhân do các địa hình đèo dốc, cơ sở hạ tầng đã xuống cấp sau nhiều năm đầu tư.

Liên quan đến nguyên nhân gây sạt lở/ngập úng tại QL4D đoạn qua địa bàn Lai Châu và Lào Cai, ông Lê Hồng Điệp ông Lê Hồng Điệp, Trưởng phòng Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông (Cục Đường bộ VN) phân tích: "Trên QL4D trước đây có rất nhiều hang cácxtơ lớn, nước sẽ thoát vào đấy, mặt đường sau một số trận mưa sẽ khô ráo. Tuy nhiên do nước chảy vào đó nhiều năm, quá trình đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng nước vào đó kéo theo bùn đất, chìm dưới lòng đất, dẫn đến tiêu thoát nước không kịp.

Tới đây chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá lại theo hướng những vị trí thoát nước tự nhiên qua hang cácxtơ không còn hiệu quả thì phải tính toán đến việc đầu tư hệ thống thoát nước ngoài. Một vấn đề nữa cácxtơ là một hiện tượng làm cho rỗng nền đường, rỗng mố trụ cầu, chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát để đánh giá, nếu cần thiết sẽ xử lý  như bơm vữa bên tông nghèo để chống đỡ và tránh hiện tượng sạt lở."

Trong hơn 1 tháng qua, mưa lớn cũng gây thiệt hại nặng nề về giao thông tại tỉnh Hà Giang, với hàng chục điểm sạt lở, ngập úng

Trong hơn 1 tháng qua, mưa lớn cũng gây thiệt hại nặng nề về giao thông tại tỉnh Hà Giang, với hàng chục điểm sạt lở, ngập úng

Ông Điệp cũng cho biết thêm, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa tại nhiều địa phương đã đẩy một lượng lớn bùn đất ra các dòng suối, khiến cho nhiều dòng suối bị thay đổi dòng chảy và thay đổi cao độ của đáy suối, khi có mưa lớn việc tiêu thoát nước qua các dòng suối không phát huy hiệu quả.

Theo ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Khu Quản lý đường bộ I, một số vị trí taluy âm bị sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu vào nền đường tại các tuyến QL trong các đợt mưa lũ vừa qua đơn vị đã huy động lực lượng theo phương châm 4 tại chỗ, vừa tiến hành phân luồng vừa tiến hành gia cố các vị trí bị hư hại taluy âm.

"Các lực lượng trực đảm bảo thông đường mùa bão lũ được các đơn vị của Khu có biện pháp đảm bảo GT kịp thời theo phương châm khắc phục bão lũ 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Hiện nay các đơn vị trực thuộc Khu vẫn tiếp tục bám sát và theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, bố trí lực lượng ứng trực tại các vị trí trọng yếu, thường xuyên xảy ra ngập lụt, sạt lở để có biện pháp ứng phó kịp thời."

Hiện nay, Cục Đường bộ Việt Nam đang chỉ đạo các đơn vị tiếp tục khắc phục các hư hỏng trên các tuyến QL, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt. Đối với các hư hỏng cần phải công bố tình huống khẩn cấp, Cục Đường bộ VN sẽ rà soát, tổng hợp và trình Bộ GTVT đưa vào kế hoạch sửa chữa đột xuất hoặc bổ sung vào kế hoạch bảo trì trong năm 2024.

 

Hoàng Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn