Điện rác, hướng giải quyết rác thải cho ĐBSCL

Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã nảy sinh những thách thức lớn về môi trường, trong đó việc xử lý rác thải là vấn đề không đơn giản và cần những giải pháp lâu dài.

Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua, một số địa phương, doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ hiện đại để xử lý rác phát điện hoặc làm phân bón. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu để giải bài toán rác thải khu vực ĐBSCL. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ xây dựng cho biết, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị toàn vùng ĐBSCL được thu gom khoảng hơn 4.300 tấn/ngày, đạt khoảng 78%.

Toàn vùng hiện có khoảng 10 nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung đang hoạt động, tổng công suất thiết kế đáp ứng khoảng 30% lượng chất thải rắn phát sinh, trong đó, công nghệ đốt chiếm 30%. Có 6 cơ sở ứng dụng công nghệ sản xuất phân compost với công suất từ 50-200 tấn/ngày (Vĩnh Long, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Đồng Tháp).

Nhà máy đốt rác phát điện như Cần Thơ (công suất 400 tấn/ngày, phát 7,5MW), Hậu Giang (công suất phát điện 12 MW). Các địa phương khác đang tích cực đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án xử lý chất thải rắn tập trung theo quy hoạch được duyệt.

Đáng chú ý, hơn 2 năm rưỡi đi vào hoạt động, Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ đã tiếp nhận xử lý được hơn 400.000 tấn rác thải sinh hoạt bao gồm rác thải sinh hoạt đã qua chôn lấp tại các bãi rác, tạo ra hơn 113 triệu kWh điện hòa vào lưới điện quốc gia.  

Nhà bà Lê Ngọc Tuyết (huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ) ngay đường dẫn vào nhà máy, từng phản đối xây dựng nhà máy và cũng đã mua đất để di dời khi cần tuy nhiên suy nghĩ đó giờ đã thay đổi: “Cũng lo nhưng sau khi  làm xong, đốt rác thấy cũng đỡ lo, thấy cũng không hôi”

Một góc nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ. Ảnh: Trần Lưu - Báo Lao động

Thành phố Cần Thơ hiện có 4 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại huyện Cờ Đỏ, quận Ô Môn và quận Thốt Nốt và Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ.

Hiện có khoảng 70% lượng rác sinh hoạt thải ra hàng ngày của thành phố được chuyển về xử lý bằng hình thức đốt phát điện với lò đốt tiên tiến tiêu chuẩn quốc tế của Tập đoàn Everbright tại nhà máy này đặt tại huyện Thới Lai.

Theo đại diện Công ty Năng lượng Môi trường EB Cần Thơ - đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ, lượng rác trung bình đưa vào lò đốt mỗi ngày ở nhà máy là khoảng 350 tấn.

Tại nhà máy, các chỉ số khí thải phát thải được quan trắc trực tuyến đạt tiêu chuẩn EU 2010, nước rỉ rác sau xử lý được tái sử dụng toàn bộ, tro xỉ được sàng lọc xử lý và tận dụng, tro bay được xử lý hóa rắn an toàn, thực hiện có hiệu quả việc xử lý giảm lượng hóa, tài nguyên hóa và vô hại hóa rác thải sinh hoạt.

Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Năng lượng Môi trường EB Cần Thơ, cho biết việc quản lý tiêu chuẩn phát thải tại nhà máy luôn được giám sát chặt chẽ. Các thông số về khí thải, nước thải, nước rỉ rác, tro xỉ và tro bay sau khi xử lý luôn đáp ứng các tiêu chuẩn quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trong một lần đi thăm Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ, ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Lượng tro bay với công nghệ đốt này lượng thải ra rất nhỏ. Trong công nghệ này cũng có phương tiện thu lại lượng tro bay không phát tán ra môi trường”.

Một phần khu vực lò đốt rác của Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Còn tại Hậu Giang, Dự án nhà máy điện rác Hậu Giang có tổng diện tích hơn 23ha, tổng mức đầu tư trên 1.300 tỉ đồng được khởi công cuối tháng 9 năm ngoái. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Một thành viên Greenity Hậu Giang.

Giai đoạn 1 có công suất xử lý rác thải 300 tấn/ngày, phát điện 6 MW; giai đoạn 2 nâng tổng công suất xử lý rác thải lên 600 tấn/ngày, phát điện 12 MW.

Dự án Sau khi hoàn thành, nhà máy xử lý toàn bộ rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, rác thải nông ngiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp và phát điện lên lưới điện quốc gia, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Có thể thấy, đốt rác phát điện đang là công nghệ tối ưu của thế giới trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay. Công nghệ này vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa giúp thu hồi năng lượng, được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới. Rác thải được đánh giá là nguồn tài nguyên và sẽ tái tuần hoàn, thu hồi năng lượng từ quá trình xử lý.

Tuy nhiên, cùng với việc kêu gọi, đầu tư các nhà máy với công nghệ hiện đại; cần tập trung tuyên truyền trong nhân dân thực hiện sâu rộng chương trình phân loại rác tại nguồn một cách đồng bộ, quá trình xử lý đạt hiệu quả, giải quyết triệt để bài toán xử lý rác thải sinh hoạt ở ĐBSCL.