Để Nghị định xử phạt vi phạm môi trường được thực thi hiệu quả

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Bên cạnh những kỳ vọng về việc có thể nâng cao tinh thần trách nhiệm vì môi trường, cũng tồn tại không ít lo lắng về việc làm sao để những quy định mới được áp dụng một cách hợp lý.

'Khuyến cáo người dân nên phân loại rác tại nguồn, trong đó lưu ý là chỉ chôn những loại rác nào dễ phân hủy, rác hữu cơ. Còn riêng những loại rác khó phân hủy như bọc ni lông, các chai nhựa thì nên thu gom, xử lý bằng những phương pháp khác như bán lại cho các cơ sở mua phế liệu, chuyển cho đơn vị có chức năng xử lý'.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Dẫn – Phó trưởng Phòng Kiểm soát ô nhiễm, Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Tháp về việc khuyến cáo người dân tại địa phương thực hiện các biện pháp phân loại rác tại nguồn.

Nhìn chung, việc làm này được các hộ dân thực hiện trên tinh thần “tự giác” khi ý thức được giá trị của phân loại rác tại nguồn, qua những thông tin tuyên truyền từ ngành chức năng địa phương.

Còn nếu nhìn ở góc độ rộng hơn, việc đảm bảo 100% các hộ dân tại tại ĐBSCL nói riêng và trên địa bàn cả nước nói chung thực hiện là một điều không hề dễ dàng, bởi sẽ có “hộ thích làm” và “hộ không thích làm” hoặc nhiều trường hợp khác.

Tuy nhiên, từ ngày 25/8/2022, việc phân loại rác tại nguồn có thể được thực hiện đồng bộ hơn, khi: hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Hay với câu chuyện đốt rơm rạ, đốt rác cạnh các tuyến đường giao thông, gây ô nhiễm môi trường và cản trở tầm nhìn của các phương tiện đang lưu thông, nhiều địa phương cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu hơn về hệ lụy của việc làm này.

Ông Mai Minh Ngoan – Chánh Văn Phòng Ban ATGT TP Cần Thơ cho biết về một trong những phương án được địa phương thực hiện để tránh xảy ra những sự cố từ thói quen “đốt đồng”: 'Để an toàn cho người tham gia giao thông thì Ban ATGT khuyến cáo các bác tài khi đi qua đoạn tuyến này nên tập trung quan sát, gia giảm tốc độ chậm hoặc vừa phải để khi có sự cố mình cũng xử lí tình huống kịp thời không để tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Chúng tôi cũng chủ động phối hợp với ngành nông nghiệp hướng dẫn người dân sản xuất nông nghiệp tránh kĩ thuật đốt đồng mà vẫn sản xuất hiệu quả'.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo thì kể từ ngày 25/8/2022, sẽ có thêm những quy định chính thức có hiệu lực về xử lý đối với các trường hợp đốt rác hoặc rơm rạ gần các tuyến đường giao thông.

Cụ thể, phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính.

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều những nội dung được thể hiện rõ trong Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, thay thế cho Nghị định 155/2016 và Nghị định 55/2021, đồng thời sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 8 năm 2022.

Nghị định mới được ban hành và chuẩn bị có hiệu lực thi hành, nhiều người rất hy vọng vào những “bước chuyển” mới của ý thức cộng đồng để cùng chung tay bảo vệ môi trường sống xanh-sạch-đẹp. Chị Lê Thị Yến Ly, ngụ tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre cho biết chị rất đồng tình với Nghị định mới, bởi đây sẽ là một giải pháp mới có tính răn đe cao hơn, để những hành vi xả rác bừa bãi sẽ không còn xuất hiện, trả lại không gian công cộng trong lành.

Tuy nhiên, chị Ly cũng có những trăn trở nhất định: 'Mình thì rất tán đồng. Quy định đưa ra có thể thời gian đầu mọi người thấy lạ chút xíu, thấy chưa quen. Nhưng theo thời gian, từ từ rồi mọi người cũng quen… Nhưng mà khách quan, nếu quy định này muốn mọi người tuân theo thì mình phải làm bài bản, đồng bộ hết. Ví dụ, muốn mọi người bỏ rác đúng chỗ thì phải có thùng rác đầy đủ. Nói chung mỗi người cố gắng ý thức từ từ rồi sẽ quen thôi.

Cũng theo chia sẻ của chị Yến Ly, đơn cử như muốn xử phạt hành vi vứt rác bừa bãi nơi công cộng thì phải đảm bảo có thùng rác công cộng để mọi người dễ dàng tuân theo quy định.

Còn trường hợp người dân, nhất là ở những vùng nông thôn, khi ra đường muốn vứt rác đúng nơi đúng chỗ nhưng không có thùng rác công cộng thì cũng không biết phải làm sao.

Ảnh nh họa: Đặng Tuấn/TTXVN

Đây cũng là nỗi trăn trở của anh Lê Văn Tốp, cùng ngụ ở tỉnh Bến Tre. Bởi theo anh, hiện ở nhiều khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa của ĐBSCL nói chung cũng như ở quê anh nói riêng, không phải chỗ nào cũng có dịch vụ thu gom rác hay thùng rác công cộng. Người dân ở những khu vực này chỉ có thể tự xử lý rác bằng cách chôn lấp hoặc gom lại đốt bỏ.

Thế nên, kỳ vọng của anh Út là sẽ có thêm những hình thức thu gom rác tận nhà với giá cả hợp lý hoặc thùng rác công cộng xuất hiện nhiều hơn để người dân an tâm tuân thủ quy định mới, phân loại rác và bỏ rác đúng nơi đúng chỗ.

Bên cạnh đó, một số ý kiến khác cho rằng hiện nay đã là giữa tháng 7, tức là còn hơn 1 tháng nữa trước khi Nghị định mới có hiệu lực, một trong những việc cần thực hiện ngay lúc này thì phổ biến thông tin rộng rãi đến từng hộ dân.

Bởi lẽ, không phải ai cũng có điều kiện truy cập thông tin hay theo dõi tin tức mỗi ngày. Thế nên, rất cần vai trò của chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể trong việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi thông tin về những quy định mới.

Nghị định 45/2022 được ban hành, đi cùng với đó là hy vọng, là mong mỏi của nhiều người về một môi trường sống sạch hơn, trong lành hơn. Tuy nhiên, để những quy định đi vào lòng dân và trở thành một phần trong thói quen cuộc sống của người dân thì theo nhiều ý kiến, rất cần sự thay đổi mang tính “đồng bộ” và “nhất quán”.

Điều này đòi hỏi sự vào cuộc từ nhiều phía chứ không chỉ ở ý thức người dân. Ví dụ như muốn người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn thì phải có sự hỗ trợ, hướng dẫn về cách phân loại cho những hộ chưa có kinh nghiệm.

Tiếp đến là phải đảm bảo dịch vụ thu gom rác bài bản hoặc có thùng rác công cộng được chia thành từng phần riêng: rác vô cơ – rác hữu cơ, rác tái chế-rác không thể tái chế.v.v… chứ không thể để người dân phân loại rồi không biết bỏ rác ở đâu?

Ai thu gom? Hay phân loại rác tại hộ gia đình rồi lại bỏ tất cả vào cũng một xe rác?...

Đồng thời, sẽ rất cần việc tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ gia đình để người dân hiểu đúng, hiểu đủ về những quy định mới. Đến lúc đó, những quy định có thể được thực hiện một cách thực chất và hiệu quả nhất.