Để doanh nghiệp và ngân hàng tìm được 'tiếng nói chung'

Cần phải khẳng định rằng mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp đã và đang tồn tại quá nhiều trắc trở, gian truân. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước đang xuất hiện nhiều thách thức như hiện nay.

Đại diện Ngân hàng Nhà Nước tại TP.HCM và các tổ chức tín dụng đối thoại với các doanh nghiệp

Nếu như xem doanh nghiệp là xương sống, là trụ đỡ thì nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng chính là mạch máu giúp duy trì sức sống của cả nền kinh tế.

Nói như vậy để thấy mối quan hệ cộng sinh giữa doanh nghiệp và ngân hàng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các mục tiêu tăng trưởng của địa phương lẫn quốc gia.

Do đó, nếu tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt” cứ tiếp tục kéo dài thì nguy cơ kéo lùi cả nền kinh tế quốc gia là khó tránh khỏi.

Doanh nghiệp luôn cho mình là bên chịu thiệt, phải đứng ở cửa dưới, phải chịu đựng sự bất bình đẳng 1 cách vô lý trong các giao dịch với ngân hàng. Thế nhưng, các tổ chức tín dụng lại xác định rằng chính các khách hàng, các doanh nghiệp mới là thượng đế, là đối tượng để họ phục vụ. Điều này lý giải cho cái nghịch lý là cả 2 đều cần nhau nhưng lại không dễ để gặp nhau.

Sau những biến cố từ thị trường tài chính, bất động sản thì đây là giai đoạn cần ưu tiên cho các hoạt động sản xuất, tạo ra giá trị thực cho xã hội cho nền kinh tế. Và lẽ dĩ nhiên, việc ngân hàng ưu tiên vốn cho các doanh nghiệp sản xuất là điều nên làm, phải làm.

Song song đó, chính các doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi tư duy trong hoạt động của mình, thay vì manh mún nhỏ lẻ tự phát thì cần chặt chẽ, khoa học và nh bạch hơn để tự mình mở ra cơ hội tiếp cận với các tổ chức tín dụng.

Đã hết thời doanh nghiệp chỉ vì muốn vay vốn mà làm hồ sơ “ khống”, hồ sơ ma để qua mặt ngân hàng nhằm chiếm dụng vốn không đi sản xuất mà đầu tư vào các lĩnh vực phi sản xuất, không tạo ra giá trị thực cho đời sống. Các ngân hàng cũng không thể đi đêm, cho vay theo kiểu quen biết, “ đi đêm”, thậm chi tiêu cực để giải ngân.

Mà tất cả phải công khai, sòng phẳng, cộng sinh, cùng có lợi.

Đã đến lúc các ngân hàng, doanh nghiệp phải tự làm mới mình để tạo ra cái nhìn thiện cảm, tin cậy hơn từ phía đối tác. Không chỉ vậy, các cấp các ngành từ trung ương đến địa phương cũng cần vào cuộc với một tâm thế tích cực hơn, cầu thị hơn để cùng tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, kịp thời điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt là cơ chế kiểm tra giám sát các hoạt động cho vay và vay cũng như sử dụng đồng vốn một cách có hiệu quả; tạo ra của cải vật chất thực sự cho đời sống và sản xuất.

Như vậy, chỉ đến khi các tổ chức tín dụng và người vay mà cụ thể ở đây là doanh nghiệp tìm được tiếng nói chung, mối bất hòa được hóa giải thì nguồn vốn tín dụng mới được khơi thông, hoạt động của doanh nghiệp mới được đảm bảo, sức khỏe của nền kinh tế mới được duy trì.