Đâu phải lỗi tại “ông trời”

Mặc dù bên tông nhựa được khẳng định có độ bền từ 10-15 năm, song tình trạng hư hỏng bề mặt bê tộng nhựa vẫn xảy ra thường xuyên. Nguyên nhân gây hư hỏng bề mặt bê tộng nhựa thường được lý giải do xe quá tải, lưu lượng phương tiện, nhưng phổ biến nhất là đổ tại… ông trời.

Năm 2022, việc tập đoàn Sơn Hải cam kết bảo hành 10 năm với các gói thầu thuộc các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 do Tập đoàn này đảm nhiệm thi công đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.

Trong báo cáo Bộ GTVT, đơn vị này cam kết “mặt đường không hằn lún, không bong bật, trong mọi trường hợp xe quá tải trọng, quá lưu lượng, thời tiết bất lợi cũng không làm thay đổi nội dung cam kết bảo hành 10 năm của đơn vị…”.

Trước đó, năm 2014, cũng chính Tập đoàn này đã cam kết bảo hành 5 năm đối với các gói thầu thuộc Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14 do Tập đoàn này thực hiện.

Tuy vậy, những đơn vị dám đưa ra cam kết và thực hiện đúng những cam kết dường như lại trở thành “vật thể lạ”, mặc dù những công trình được cam kết từ năm 2014 đến nay những công trình đã cam kết vẫn đảm bảo chất lượng, tiết kiệm đáng kể kinh phí duy tu bảo dưỡng hàng năm cho Nhà nước.

Ảnh nh họa: Báo Quảng Bình

Trở lại với câu chuyện mặt đường hư hỏng sau vài năm khai thác, phần lớn đều được bao biện bằng những nguyên nhân khó chối cãi: do xe quá tải, do lưu lượng phương tiện và đặc biệt là do nắng lắm, mưa nhiều… mà không biết rằng những điều này đã được tính toán và quy định trong Tiêu chuẩn VN 4054 về đường ô tô được ban hành từ năm 2005.

Theo đó, hệ thống tiêu chuẩn này đã quy định: trên tất cả các làn xe dành cho xe ô tô và xe thô sơ, các làn chuyển tốc, các làn phụ leo dốc, phần lề gia cố, dải an toàn và mặt các bãi dịch vụ của đường các cấp đều phải có kết cấu áo đường. Không những thế, đơn vị thiết kế, thi công phải căn cứ vào lượng giao thông và thành phần dòng xe, cấp hạng đường, tính chất sử dụng của công trình, căn cứ vào vật liệu và điều kiện tự nhiên, căn cứ vào các tiêu chuẩn hiện hành mà thiết kế áo đường cho hợp cách.

Ngoài ra, yêu cầu áo đường phải có đủ cường độ, ít thấm nước và duy trì được cường độ trong suốt thời gian tính toán để chịu đựng được tác động phá hoại của xe cộ và của các yếu tố thời tiết, khí hậu, đồng thời phải có đủ các tính chất bề mặt (độ nhám, độ bằng phẳng, dễ thoát nước và ít bụi) để bảo đảm giao thông an toàn, êm thuận, kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường.

Tuy vậy, vẫn có chuyện, có những dự án chưa đưa vào khai thác đã bong tróc bề mặt, mà nguyên nhân được cho là do mưa nhiều, nền đường bị ngậm nước dẫn đến bong bật…

Đã đến lúc, cơ quan quản lý, chủ đầu tư cần sòng phẳng với các nhà thầu, đi đến cùng nguyên nhân dẫn đến hư hỏng bề mặt bê tông nhựa, xác định nguyên nhân để có biện pháp xử lý phù hợp.

Bên cạnh đó còn là trách nhiệm các bên liên quan trong vai trò giám sát thi công và thẩm định về chất lượng công trình. Việc công trình hư hỏng nhanh hơn thiết kế bị đổ cho những “lỗi khách quan” và không ai phải chịu trách nhiệm là nguyên nhân khiến cho các công trình xây dựng nhanh xuống cấp.

Ngoài ra, với những đoạn đường, những dự án cứ “đến hẹn lại… sửa”, không rơi vào chu kỳ trung tu, đại tu như thông lệ, cần làm rõ nguyên nhân khác dẫn đến hư hỏng, nếu không sẽ “oan” cho mặt đường, cho vật liệu, khi vốn loại vật liệu này được mặc định có tuổi thọ từ 10-15 năm.

Đặc biệt, những dự án, công trình hư hỏng, xuống cấp ngay trong quá trình bảo hành, thậm chí chưa đưa vào khai thác cần được xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, thậm chí xử lý bằng pháp luật để không lặp lại những trường hợp tương tự, chứ không phải chỉ vuốt ve nhau bằng cách đổ tại “ông trời”./.