Đâu chỉ là trách nhiệm của ngành y

Dịch sốt xuất huyết đã và đang là nguy cơ hiển hiện đối với sức khỏe của cộng đồng lẫn sức chống chọi của ngành y tế trong bối cảnh còn nhiều ngổn ngang.

Ảnh nh họa

Những ngày này, nếu có dịp được chứng kiến sự nhộn nhịp bất thường tại khoa nhiễm D, bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM hay các khoa nhiễm của các bệnh viện tuyến dưới hẳn bất kỳ ai cũng phải giật mình vì dịch bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát dữ dội.

Đây là lần hiếm hoi trong nhiều năm qua, TP.HCM ghi nhận hơn 64.000 người mắc. Đáng nói hơn là khi dịch sốt xuất huyết còn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt thì các bệnh viện tại TP.HCM đã ghi nhận đến 28 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 10 tháng đầu năm 2022.

Không chỉ sốt xuất huyết, mà tay chân ệng hay Covid 19 vẫn còn là những dịch bệnh lưu hành khá phức tạp. Không chỉ vậy, dịch cúm mùa cũng đang có dấu hiệu bùng phát khi tình hình thời tiết tại TP.HCM và các tỉnh thành khu vực phía Nam có nhiều bất thường.

Đây là những con số biết nói. Và nó đủ cho thấy những vấn đề mà ngành y tế đang gặp phải sau đại dịch COVID-19. Đó là tình trạng thiếu nhân lực, thiếu vật tư y tế, thiếu thuốc điều trị và thiếu cả những sự hỗ trợ kịp thời từ Bộ chủ quản lẫn các bên liên quan.

Bằng sự chủ động của mình, ngành y tế TP.HCM đang vận dụng mô hình phân tầng trong tiếp nhận, xử lý và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết giống như đã từng triển khai có hiệu quả trong đại dịch COVID-19 vừa qua.

Trong bối cảnh có quá nhiều thách thức như hiện nay thì mô hình phân tầng có thể được xem là giải pháp phù hợp để giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối, nơi đang phải chịu rất nhiều áp lực vì số bệnh nhân điều trị bệnh thông thường tăng cao vì ảnh hưởng bởi dịch COVD-19.

Chắc chắn Bộ Y tế cần phải có sự hỗ trợ đắc lực hơn nữa để khống chế dịch sốt xuất huyết ở TPHCM và khu vực phía Nam. Khẩn trương tham mưu cho Chính phủ các đề xuất tháo gỡ tình trạng thiếu hụt nhân sự, trang thiết bị vật tư y tế, thuốc men lẫn các cơ chế, thủ tục hành chính cần thiết.

Về lâu dài, cần gấp rút rà soát, điều chỉnh, bổ sung và sớm trình Quốc hội dự thảo Luật Khám chữa bệnh sửa đổi để có thêm hành lang pháp lý cần thiết cho công tác khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân.

Về phía người dân, cần tuân thủ và chấp hành nghiêm các hướng dẫn, tuyên truyền của các ngành chức năng trong phòng chống dịch sốt xuất huyết, nhất là trong giai đoạn thời tiết bất thường, mưa nhiều như hiện nay. Công tác kiểm tra tình hình phòng chống dịch sốt xuất huyết của chính quyền cấp cơ sở cũng cần được quan tâm thường xuyên, tránh tình trạng làm cho xong cho có.

Khi mà ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, lũ lụt thiên tai ngày càng trở nên phức tạp thì cũng là lúc các mầm mống của dịch bệnh trở nên nguy hiểm hơn. Cần khẳng định rằng việc ứng phó với dịch sốt xuất huyết nói riêng và các dịch bệnh nói chung không thể chỉ quy trách nhiệm cho ngành y, mà cần sự vào cuộc trách nhiệm, khẩn trương của tất cả các tầng lớp trong xã hội, của cả hệ thống chính trị.

Bài học trong ứng xử với đại dịch COVID-19 vẫn còn đó, nếu còn lơ là chủ quan thì hậu quả sẽ hết sức khôn lường.