Dân kêu cứu vì hệ thống mương thoát nước đen kịt, hôi thối

Đô thị phát triển nhưng cơ sở hạ tầng không theo kịp, đặc biệt ý thức một bộ phận người dân vẫn còn theo kiểu 'ăn xổi ở thì; khiến không ít dòng sông, kênh mương thoát nước đang bị ô nhiễm ngày một nghiêm trọng.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Dòng nước đen, bốc mùi hôi nồng nặc, rác thải lềnh bềnh là những gì đang diễn ra tại tuyến kênh hẻm 41, Đường Nguyễn Thị Minh Khai, Khu vực 3, phường 4, thành phố Vị Thanh.

Bà Nguyễn Thị Tâm, sinh sống cặp tuyến kênh này hơn 15 năm nay nên thường xuyên chịu cảnh mùi hôi thối xộc vào nhà. Nhưng vì sợ mất tình làng nghĩa xóm nên bà chẳng dám lên tiếng dù thấy có người xả thải.

Bà Nguyễn Thị Tâm chia sẻ: "Đen thui mà 2-3 ngày nay mưa, chứ không mưa nước đen bốc lên hôi dữ lắm, không chịu nổi luôn. Mong muốn cho nó sạch sẽ, đừng có hôi, ô nhiễm ảnh hưởng sức khỏe".

Những ngày gần đây, trên địa bàn TP Vị Thanh có mưa lớn, nước có phần trong hơn, mùi bốc lên cũng hạn chế phần nào. Nhưng theo người dân, cứ nắng vài ngày thì đâu lại vào đấy.

Thực tế ghi nhận của chúng tôi, con kênh này bị chặn dòng chảy bởi một số công trình xây dựng. Cộng với việc xả rác và nước thải sinh hoạt, sản xuất tuôn trực tiếp xuống tạo nên sự ô nhiễm nghiêm trọng.

Do đó, người dân mong muốn các cấp chính quyền quan tâm và sớm có biện pháp xử lý, đảm bảo sức khỏe người dân và cảnh quan đô thị.

UBND thành phố Vị Thanh đã chỉ đạo UBND phường IV tiến hành khảo sát. Kết quả đúng như người dân phản ánh. Hướng tới, UBND phường IV có kế hoạch cùng các hộ dân sinh sống tại khu vực này ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường. 

Ảnh nh họa

Tương tự, mương thoát nước sinh hoạt thuộc hẻm 111, đường Lê Hồng Phong, thuộc khu vực 4, phường 4, thành phố Vị Thanh cũng đang bị ô nhiễm, nước bốc mùi hôi và đen ngòm.

Ông Tạ Viết Tiến chia sẻ nỗi bức xúc của ông và cũng là của bà con xung quanh: "Toàn bộ khu nhà trọ, trường học đổ hết ra đây không thoát được. Cảm giác mương này đã bị thối. Mưa to thì đỡ, 2-3 bữa nắng lên thì đen thùi lùi hà. Đề xuất cho dân lắp hoặc làm cống chứ để vầy hôi thối lắm"

Qua kiểm tra thực tế, nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường là do thời gian dài tuyến kênh này không được nạo vét nên bị bồi lắng, không thoát nước được gây ô nhiễm môi trường.

UBND phường sẽ tiến hành vận động nhân dân và cho ký cam kết không vứt rác và các chất thải xuống kênh gạch gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời tổ chức họp dân xin ý kiến nạo vét tuyến kênh hẻm 111 khai thông dòng chảy, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

Ông Lê Minh Thi, Phó Chủ tịch UBND phường 4, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang nói: "Tuyến kênh này nhiều năm người dân sử dụng bị bồi lắng cho nên nước không thoát được gây ra ô nhiễm môi trường. Qua đợt mưa này qua khảo sát lại trên tuyến kênh, nước cũng trong. Nhưng về hướng xử lý tới giống như hẻm 41 cho các hộ dân ký cam kết không vứt rác xuống dưới đó. Đồng thời vận động nhân dân cùng nạo vét kênh khai thông dòng chảy, giảm ô nhiễm môi trường.

Các nhà sống cặp các kênh rạch, cụ thể lia 3 và lộ 62 hiện nay thực hiện gói nâng cấp đô thị tiểu dự án thành phố Vị Thanh thì đang giải tỏa làm kè, làm lộ thì đối với các nhà ở các tuyến kênh này đều giải tỏa hết, di dời đi nơi khác,làm kè,làm lộ thì sẽ khang trang hơn"

Hậu Giang đặt kỳ vọng xây dựng những đô thị xanh, đáng sống. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh sẽ có 19 đô thị. Trong đó, cân bằng giữa các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường.

Tăng cường trách nhiệm của các Sở ngành, địa phương trong công tác quản lý, quy hoạch phát triển đô thị, không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường.

Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhấn mạnh: "Một phong tục, thói quen sinh hoạt nếu không được khắc phục thì chúng ta phải sống chung với ô nhiễm môi trường, chính chúng ta hại chúng ta thôi. Thử hỏi môi trường nào có thể đảm bảo được, chính quyền nào khắc phục được chuyện đó nếu người dân ý thức được việc bảo vệ chính mình, cho môi trường.

Ô nhiễm nguồn nước ngày càng phức tạp, khó kiểm soát ở các đô thị đang phát triển ở ĐBSCL. Trong đó, vai trò quản lý của Nhà nước là rất quan trọng, nhất là kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, chấp hành, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.

Chế tài xử lý đã có, điều quan trọng là việc thực thi gắn với trách nhiệm người đứng đầu kết hợp xử lý nghiêm nh để mang tính răn đe.