Cụ thể hóa các hành vi bạo lực gia đình

Tại Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: Việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cần làm rõ bạo lực gia đình trên cơ sở giới cũng như hành vi bạo lực, nạn nhân của bạo lực gia đình

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 chương, 62 điều, tăng 16 điều so với Luật hiện hành, quy định các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường hỗ trợ bảo vệ nạn nhân, các cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình và xã hội hóa công tác này.

Dự thảo Luật lần này đã đưa ra nhiều quy định khá cụ thể, chi tiết về các quyền của người bị bạo lực gia đình, các loại hình hòa giải; biện pháp chấm dứt hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình... Các điều khoản này mang tính nhân văn cao nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, các quyền, lợi ích của người bị bạo lực gia đình; đồng thời huy động một lực lượng lớn các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và công an tham gia vào những hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình.

Đặc biệt, các sửa đổi lần này quy định rõ hơn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình; nhất là trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã. Bên cạnh đó, Dự thảo quy định cụ thể nhiệm vụ giám sát người có hành vi bạo lực gia đình thuộc về trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; thành viên ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố; chi hội trưởng các tổ chức chính trị - xã hội; công an cấp xã.

Cho phép các tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, người chứng kiến hành vi bạo lực gia đình được sử dụng điện thoại, camera an ninh và các phương tiện hỗ trợ khác để ghi âm, ghi hình làm chứng cứ.

Dự kiến dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sẽ được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khoá XV vào tháng 5/2022.

ảnh nh hoạ (internet)

Luật phòng chống bạo lực gia đình ra đời năm 2007. Tới nay, vấn nạn bạo lực gia đình có xu hướng ngày càng phức tạp hơn do đó việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật là cần thiết. Vậy những nội dung nào sẽ được điều chỉnh, bổ sung trong Dự Luật này để phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của xã hội?

PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội.

PV: Theo bà, những nội dung nào của dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sẽ được tập trung thảo luận tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khoá XV vào tháng 5 tới?

Bà Nguyễn Thị Mai Thoa: Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình tại 2 kỳ họp Quốc hội.

Tại lần trình thứ nhất tức Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 tới, tôi cho rằng các đại biểu Quốc hội sẽ tập trung thảo luận vào 3 nhóm chính sách lớn mà Chính phủ trình Quốc hội lần này:

Thứ nhất là các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình và tăng cường bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình;

Thứ 2 là cơ chế phối hợp các điều kiện đảm bảo để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình, các đại biểu sẽ bàn về các biện pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình tại cộng đồng;

Thứ 3 là các chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình bao gồm các quy định để tạo cơ sở pháp lý huy động sự tham gia của toàn xã hội, các hoạt động tư vấn, hòa giải, tố giác bạo lực gia đình.

PV:  Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đề nghị quy định rõ trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình về việc cha mẹ ép con học quá nhiều là hành vi bạo lực gia đình. Quan điểm của bà ra sao về điều này?

Bà Nguyễn Thị Mai Thoa: Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với đề xuất của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và cho rằng việc nhận diện hành vi ép con học quá nhiều là hành vi bạo lực gia đình là cần thiết.

Trên thực tế, Dự thảo Luật có quy định, bạo lực gia đình là hành vi cố ý gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục với thành viên khác trong gia đình; trong đó hành vi ép con học quá nhiều hoặc lăng nhục, chửi mắng khi con không đạt thành tích như kỳ vọng có thể được liệt kê vào hình thức bạo lực gia đình về tinh thần.

Tuy nhiên trong Điều 4 của Dự thảo Luật hiện nay khi nhận diện về các hình thức bạo lực gia đình về tinh thần chưa có hành vi ép con học quá nhiều nên chúng tôi thấy cần bổ sung điều này vào Dự thảo Luật.

PV:  Theo bà, khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi được thông qua, nó sẽ có tác động xã hội ra sao?

Bà Nguyễn Thị Mai Thoa: Khi Luật được thông qua, thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình sẽ được tăng cường theo hướng tăng các biện pháp bảo vệ con người, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế Nhà nước, xã hội cũng như nâng cao vai trò của gia đình, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình.

Đồng thời khắc phục những hạn chế của Luật hiện hành. Chúng tôi kỳ vọng khi Luật được thông qua sẽ có tác động xã hội to lớn, tăng cường công tác phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng động lực và xóa bỏ các rào cản trong xu thế phát triển bền vững của đất nước.

PV: Xin cảm ơn bà!

ảnh nh hoạ (internet)

Trước những khó khăn trong việc thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay, TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện nghiên cứu Giới và Phát triển cho rằng, dự thảo Luật lần này cần có quy định cụ thể để kịp thời bảo vệ người bị bạo lực gia đình và người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình. Đặc biệt, cần cụ thể hóa các hành vi bạo lực gia đình và xác định mức độ các hành vi bạo lực gia đình:

"Luật lần này phải cụ thể hóa chứ chúng ta không thể nói chung chung được, bạo lực gia đình rất tinh vi và nó có nhiều biểu hiện khác nhau, trong đó có nhiều biểu hiện mà bình thường mình nghĩ là tốt như ép để con học giỏi nhưng hành vi bắt buộc là một dạng của bạo lực gia đình; hoặc là ép người phụ nữ, sỉ nhục người phụ nữ vì không biết đẻ cũng là một dạng bạo lực.

Cho nên, chúng ta cần căn cứ vào những điều kiện cụ thể, câu chuyện cụ thể để xử lý. Mà muốn xử lý được thì Luật phải rất cụ thể", TS Lê Thị Quý cho biết.

ảnh nh hoạ (internet)

Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) đã tổ chức nhiều Hội thảo tham vấn về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi, PV VOV Giao thông có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện MSD về những đề xuất, đóng góp đối với Dự Luật này:

PV: Thưa bà, bà đánh giá thế nào về tính cấp thiết của Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)?

Bà Nguyễn Phương Linh: Việc ra đời của Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) rất cấp thiết và thiết thực. Phòng, chống bạo lực gia đình ra đời từ năm 2017 và đã 15 năm nên nhiều quy định không còn phù hợp với những thay đổi của tình hình mới, của mô hình gia đình hiện đại.

Hiện nay bạo lực gia đình vẫn đang là vấn đề nhức nhối, ngày một gia tăng về số lương vụ việc và mức độ nghiêm trọng.

Chính vì thế tôi rất kỳ vọng Dự thảo Luật sớm được hoàn thiện hiệu quả, thông qua để tiến tới giảm hoặc chấm dứt các hình thức bạo lực gia đình, đặc biệt với các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, người già, người cao tuổi và người khuyết tật.

PV: Trong Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi đã đưa ra nhiều quy định về các quyền của người bị bạo lực gia đình, các loại hình hòa giải; biện pháp chấm dứt hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình. Theo bà các quy định này đã đầy đủ hay cần bổ sung nội dung nào?

Bà Nguyễn Phương Linh: Tôi đánh giá cao việc Dự thảo Luật đưa ra nhiều quy định và cụ thể các giải pháp trong phòng ngừa, hỗ trợ và bảo vệ người bị bạo lực gia đình.

Để góp ý, bổ sung có một số điểm sau: Chúng ta cần bổ sung và cụ thể hóa cách nhận diện các hành vi bạo lực gia đình để từ đó mới phòng ngừa hiệu quả được, chúng ta cần quy định rõ hơn để xã hội nhận biết các hành vi trừng phạt thể chất, tinh thần trẻ em cũng là hành vi bạo lực gia đình.

Trong kênh giáo dục và tư vấn cộng đồng nên bổ sung hỗ trợ về tâm lý, quản lý cảm xúc và giải quyết mâu thuẫn trong gia đình.

Đối với trách nhiệm của các bên liên quan trong phòng chống bạo lực gia đình, chúng tôi khuyến nghị bổ sung nội dung chủ động phát hiện sớm và báo tin tới các địa chỉ quy định vào các điều trong Dự thảo Luật.

Cùng với trách nhiệm thì cũng quy định chế tài xử lý đối với các cá nhân, tổ chức nắm bắt được thông tin nhưng thờ ơ không báo tin tới các địa chỉ quy định.

PV: Xin cảm ơn bà!

ảnh nh hoạ (internet)

Thời gian gần đây, bạo lực gia đình đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội, đặc biệt dịch bệnh Covid-19 khiến cho tình trạng bạo lực với phụ nữ và trẻ em có xu hướng gia tăng về tần suất và mức độ. Tình trạng này không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng đối với người bị bạo lực mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng và xã hội.

Việc ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực hiện hành, đặc biệt là xử lý nghiêm cả người có hành vi bạo lực gia đình và người nắm được thông tin nhưng thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong quá trình phát hiện và xử lý hành vi bạo lực gia đình.

Bạn kỳ vọng gì vào Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)? Nếu được ban hành, các quy định mới sẽ giúp ngăn chặn và bảo vệ, hỗ trợ các nạn nhân của bạo lực gia đình ra sao?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thông

--

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” lúc 15h30 đến 15h50, thứ Hai và thứ Tư hàng tuần trên FM91, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng Podcast dành cho di động: Spotify, Aple Podcast và Google Podcast.