Cụ ông gần 4 năm làm việc 'bao đồng'

Sinh sống ở TP.HCM từ nhỏ và chứng kiến dòng kênh trước nhà từ màu nước xanh biếc biến thành màu đen ngòm, bốc mùi hôi thối, 4 năm qua, ông Hồ Chí Cường và cháu của mình đã tự nguyện đi vớt rác, giúp con kênh sạch hơn.

Nhờ đó, những người dân sống hai bên bờ kênh có ý thức hơn trong việc bỏ rác đúng chỗ.  

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Rạch Ông Đồ thuộc ấp 1 (xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM), từ trước năm 2018 chịu sự ảnh hưởng từ việc xả thải của ba ấp còn lại là ấp 2, ấp 3 và ấp 4, trong đó có cả chợ Bình Chánh. Rác ở đây chủ yếu là rác thải sinh hoạt: hộp nhựa, túi ni lông, thùng xốp, có cả rác hữu cơ... Rác thải nhiều lại không được lưu thông nên chúng phân hủy tạo ra dòng nước đen ngòm và bốc mùi hôi thối.

Lúc này, chính quyền địa phương vận động toàn xã cải tạo dòng kênh nên ông Hồ Chí Cường (70 tuổi) đã xung phong đi vớt rác. Thời gian đầu, khi chưa có phương tiện, ông đã phải trầm mình xuống dòng nước đen vớt từng hộp nhựa, túi ni lông. Việc cải tạo dòng kênh của ông Cường ban đầu cũng được người dân chú ý, nhưng không bao lâu, nhiều người lại xả rác xuống rạch. Thấy vậy, ông Cường rủ thêm cháu ông là anh Nguyễn Hải Âu cùng đồng hành.

“Lúc đầu thì người ta tưởng chú cháu tôi làm ăn tiền, nhưng mà sự thật chú cháu tôi không ăn tiền gì ráo. Coi như thấy dơ mình làm, để cho nó sạch dòng kênh, rồi sau này nó khỏi ô nhiễm", ông Cường chia sẻ.

Ông Cường cùng cháu của mình ngày ngày vẫn đi khơi thông rạch Ông Đồ. Ảnh: Dân trí

Từ năm 2019, địa phương hỗ trợ cho ông Cường chiếc thuyền nhỏ và công cụ để ông làm công việc này. Và cứ thế, mỗi ngày từ 9 giờ sáng, ông Cường và anh Âu lại ra con rạch này để vớt rác.

Thuyền bơi đến đâu, họ dùng kẹp và vợt vớt rác đến đó. Rác thu được, ông Cường phân loại rồi cho vào bao để xe rác đến lấy.

Cứ vậy, ngày nào, người ta cũng thấy hai người một già, một trẻ bỏ ra mấy tiếng đồng hồ đi vớt rác trên rạch Ông Đồ.

Chính công việc “bao đồng” không công này, đã góp phần vào việc khơi thông dòng chảy, giúp hạn chế ô nhiễm....và nhất là thay đổi dần ý thức xả rác của người dân.

"Khi ô nhiễm, muỗi ở đây rất nhiều. Khoảng gần 4 năm trở lại đây, có chú Cường tự nguyện đi làm sạch kênh, đến nay rác cũng giảm bớt đi rất nhiều, dòng kênh cũng được thông thoáng. Người dân ở đây thấy thế cũng có ý thức hơn về việc xả rác ra bờ kênh", anh Âu cho biết.

Theo anh Nguyễn Hải Âu, lúc đầu khi đi làm với ông Cường, anh đã đổ bệnh và bị những vết thương do dẫm trúng những vật nhọn dưới kênh. Buồn nhất là khi người dân thấy mình bỏ công làm, lại có ý chê bai, nói anh lo chuyện bao đồng.

“Đứt tay đứt chân có, tại vì dưới kênh nào là bóng đèn, ễng chai, thủy tinh, đủ hỗn hợp, cây, chai, dây kẽm nữa, do mình chỉ thấy trên mặt nước thôi. Thứ 2, nước hơi dơ, hơi ngứa chút.”.

Nhờ có việc làm của ông Cường, con kênh đã bớt rác đi rất nhiều. Ảnh: PLO

Với những đóng góp của mình, tại buổi lễ tuyên dương "Những tấm gương thầm lặng mà cao cả lần thứ 4" của TP.HCM, ông Hồ Chí Cường và anh Nguyễn Hải Âu đã được Chủ tịch UBND TP. HCM tặng bằng khen vì đã có những đóng góp tích cực cho xã hội nhiều năm liền.

Mới đây, UBND huyện Bình Chánh cũng trao tặng giấy khen cho việc thực hiện tốt cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”.

Khi được hỏi về ước muốn của mình, ông Cường cười cho biết, mong được có sức khỏe để đi vớt rác, làm công việc giúp ích cho bà con. Và nhất là được nhìn thấy con rạch được sạch rác, không còn cảnh hôi thối, người dân ý thức hơn, không xả rác nữa để ai cũng hưởng được bầu không khí trong lành.

“Giờ rảnh giờ nào thì tôi làm, tui mệt thì tui nghỉ. Còn sức khỏe thì mình vẫn làm, mình đâu có biết được đâu, làm như mình thích công việc đó rồi, mình cứ làm hoài. Mong ước của tôi là có sức khỏe để làm hoài", ông Cường tâm sự.

Việc làm tuy được coi là bao đồng nhưng có thể nói, nhờ có những người nhiệt tình, trách nhiệm như ông Cường và anh Âu, mà một số tuyến đường, tuyến rạch của địa phương dần dần xanh hơn, sạch hơn.