Công trình chống ngập chục ngàn tỷ, chậm ngày nào dân thiệt ngày đó

Nếu dự án ngăn triều chống ngập được hoàn thành, nỗi lo ngập nước vì triều cường và mưa lớn ở thành phố sẽ cơ bản được giải quyết. Việc tháo gỡ những vướng mắc về vốn đã tồn tại gần 7 năm qua là điều lãnh đạo thành phố cần quan tâm.

Nhiều vật liệu, máy móc công trình nằm phơi mưa, phơi nắng trong suốt thời gian dài.

Trong bối cảnh TP.HCM mỗi ngày thêm ngập, dự án chống ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu lên đến 10.000 tỷ đang dừng thi công là một lực cản rất lớn cho nỗ lực giải quyết bài toán ngập lụt của thành phố. Nếu công trình còn chậm ngày nào, người dân nhiều khu vực của thành phố còn tiếp tục trầm mình với nước ngập ngày đó; nhất là những hộ dân xung quanh công trình, cống đập đang được xây dựng.

Liên quan đến dự án này đã có nhiều cuộc làm việc, giải quyết của các bên nhưng đến nay dù công trình đã đạt hơn 95% khối lượng nhưng vẫn chưa thể đưa vào sử dụng. Lý do cơ bản vẫn là chưa được đầu tư vốn bổ sung để hoàn thành do các bên liên quan không thống nhất được cách thức triển khai cũng như bố trí nguồn lực.  Đây chính là những vướng mắc khiến công trình trì trệ, chậm tiến độ kéo dài suốt từ năm này sang năm khác. Người dân thì khắc khoải đợi chờ và hy vọng.

Hiện nay, chủ đầu tư, đơn vị thi công đang tìm cách tháo gỡ các khắc mắc để công trình tái khởi động trở lại vào tháng 6 tới đây. Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là với các công trình hàng ngàn tỷ, liên quan mật thiết đến đời sống dân sinh hàng ngày thế này, nếu các bên không tận tâm, tận lực; không” sốt ruột” để giải quyết sẽ khiến cả hàng triệu người bị ảnh hưởng. Gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Điều này cũng cần được nhìn nhận, đánh giá khách quan, rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc để sau này không lặp lại trong việc triển khai đầu tư dự án.Từ khâu quy hoạch, thiết kế, tư vấn giám sát dự án đến việc lựa chọn nhà thầu thi công; cũng như cách thức hỗ trợ để nhà thầu hoàn thành dự án đúng tiến độ; kịp thời phục vụ đời sống. Tránh chưa làm thì hết vốn hoặc liên tục rơi vào “lùm xùm” các tranh cãi khác nhau; khiến dự án thì cứ nằm im, không sao chuyển động được. Chậm ngày nào dân thiệt ngày đó.

Do vậy, ngay lúc này, các cơ quan quản lý cần tạo ra các cơ chế rõ ràng, hỗ trợ tối đa cho nhà thầu để dự án thi công trở lại, đảm bảo đúng hạn định. Nhà thầu cũng phải thấy được phần trách nhiệm của mình, đẩy nhanh tiến độ; làm dứt điểm các hạng mục đã triển khai; tránh tình trạng để dây dưa kéo dài, khiến người dân ở khu vực lân cận lâm cảnh nước tù đọng, bủa vây, gây xáo trộn cuộc sống.

Việc chống ngập của TP.HCM hay Hà Nội và nhiều địa phương khác không chỉ trông chờ vào một hoặc vài ba công trình mà phải là giải pháp tổng thể. Từ cơ sở hạ tầng với các dự án công trình hàng ngàn tỷ đến các biện pháp mềm, phi công trình. Bởi nếu các công trình chống ngập, hồ chứa nước được xây dựng liên tiếp nhưng cộng đồng vẫn tiếp tục xả rác vào cống rãnh; lấn chiếm sông ngòi, kênh rạch; làm cản trở dòng chảy. Hay độ bê tông hóa ngày càng nhiều sẽ khiến cho tình trạng ngập lụt của đô thị ngày càng trầm trọng.

Do vậy, ngay lúc này,các phong trào không xả rác; bảo vệ hàng lang kênh rạch; chủ động tiêu thoát nước tại khu đô thị, tổ dân phố, hộ dân cư tiếp tục được duy trì. Việc đô thị hóa đảm bảo tuân thủ các điều kiện quy hoạch về xây dựng; đấu nối tiêu thoát nước đầy đủ.

Đây chính là những cơ sở quan trọng để đảm bảo cho các đô thị không bị ngập lụt nghiêm trọng mỗi khi triều cường và mưa xuống. Để làm được điều này, cần sự thực thi đến nơi đến chốn có kiểm tra, giám sát của các các cấp chính quyền và mỗi người dân ở TP.HCM, Hà Nội nói riêng và từng đô thị khác trong cả nước nói chung.