Cộng đồng dân cư giám sát, bảo vệ môi trường

Người dân hay cộng đồng dân cư là một trong những đối tượng chịu tác động trực tiếp nhất của ô nhiễm môi trường. Họ cũng là những người có thể nắm bắt nhanh nhất những biểu hiện bất thường về môi trường quanh khu vực mình định cư sinh sống.

Thực tế đã có rất nhiều mô hình thành công, khi người dân, cộng đồng được tham gia vào công tác giám sát và bảo vệ môi trường.

Thôn Khe Áng, xã Minh Cầm, huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh… Ngày chủ nhật, cũng là ngày bà con đồng bào dân tộc Tày cùng có mặt tại thôn để dọn dẹp khuôn viên nhà văn hóa và đường làng ngõ xóm. Bộ trang phục truyền thống của bà con đồng bào Tày luôn được chị em phụ nữ ở đây mặc mỗi khi ra nhà văn hóa. Nét đẹp của đồng bào nơi đây cũng vì thế mà được giữ gìn.

Chị Triệu Ngọc Lan chia sẻ: "Cứ cuối tuần, chúng tôi cũng phân ra các tổ, nhóm trong thôn để dọn vệ sinh môi trường. Mỗi ngõ là một tổ để dọn vệ sinh."

Mô hình “Chi hội phụ nữ sống xanh" tại thôn Khe Áng, xã Minh Cầm. Ảnh: quangninh.gov.vn

Ông Hoàng Văn Hồng, Trưởng thôn Khe Áng cung cấp thêm thông tin, ở thôn Khe Áng nói riêng và xã Minh Cầm nói chung, bên cạnh việc phát huy giá trị văn hóa và tinh thần tự lực của bà con đồng bào các dân tộc trên địa bàn, thì việc tập trung vào chỉnh trang đường làng ngõ xóm, thi công các công trình giao thông nội đồng, để phục vụ sản xuất nông nghiệp, đồng thời thành lập các tổ công tác cộng đồng để bảo vệ phát triển rừng, bảo vệ môi trường làng bản là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Còn tại các khu chợ xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, việc sử dụng những chiếc giỏ xách, túi vải đi chợ, túi nilon phân huỷ sinh học, thân thiện với môi trường đã trở nên quen thuộc với các tiểu thương. Địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con không dùng túi ni-lông, thay vào đó là những vật liệu dễ phân huỷ như túi giấy, lá chuối, hoặc giỏ xách có thể đựng được nhiều loại thực phẩm.

Bà Cẩm Linh, ở xã Long Hưng A phấn khởi: "Trong thời gian qua chị em tiểu thương sử dụng túi ni-lông  quá nhiều, khi thành lập tổ phụ nữ  tuyên truyền hạn chế túi ni-lông thì chị em thực hiện tốt. Mấy chị em sẽ hưởng ứng túi ni-lông phân hủy, không sử dụng túi cũ nữa  sử dụng túi mới, thân thiện môi trường để giữ  môi trường xanh sạch đẹp."

Trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020, nhiều vấn đề mới cũng được cụ thể hóa nhằm triển khai hiệu quả hơn, trong số đó phải kể đến quy định đưa cộng đồng dân cư trở thành chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường. Theo các chuyên gia, việc đưa cộng đồng thành một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường được quy định trong Luật là điều hết sức cần thiết, và thực tế đã phát huy hiệu quả.

Ông Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nhấn mạnh: "Luật quy định Cộng đồng dân cư có quyền kiểm tra, giám sát những hoạt động của các tập thể, cá nhân trên địa bàn của mình. Rõ ràng đây là một quy định rất tiến bộ để thấy rằng, cộng đồng dân cư là “tai mắt”, họ có thể xem xét, đánh giá một tập thể, một doanh nghiệp hoặc một cá nhân nào đó kinh doanh sản xuất dịch vụ làm đúng hay không làm đúng và trên cơ sở đó có thể cảnh báo, đưa ra các giải pháp, kiến nghị. Tôi cho rằng, công tác kiểm tra, giám sát của cộng đồng cực kỳ quan trọng."

Tuy nhiên, để thực sự phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo vệ môi trường, thì các quy định và cơ chế để cộng đồng thể hiện rõ vai trò của mình cũng cần được quan tâm.