Cô gái trẻ thích gom vải vụn may đồ tái chế

Bên cạnh việc đưa vào các nhà máy xử lý rác thải với quy trình tiêu hủy hiện đại thì lượng vải vụn cũng có thể được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.

Việc tái sử dụng vải vụn để độn gối, làm ếng nhấc bếp,.v.v… đã quá quen thuộc với nhiều người. Nhưng với câu chuyện của một bạn trẻ sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường của Đại học Sài Gòn, không tìm công việc ổn định nhu bao bạn bè mà lại đi theo đam mê may đồ tái chế, thì có lẽ sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên và ấn tượng.

VOVGT đã có dịp trò chuyện với bạn Nguyễn Thanh Ngọc Thảo, đến từ TP.HCM.

 

PV: Xin chào Thảo! Đầu tiên, mời Thảo giới thiệu sơ nét về cơ duyên đưa bạn đến với đam mê may đồ tái chế từ vải vụn!

Ngọc Thảo: Khoảng tháng 2/2020, em có xuống Cần Thơ (nhà dì), nhà dì may nên có rất nhiều vải vụn. Tình cờ, em thử may riêng một chiếc cột tóc cho mình, sau đó cho các em gần nhà, mọi người cảm thấy rất vui và thú vị.

Những sản phẩm đó, em mang lên Sài Gòn thì mọi người cũng rất thích. Đó cũng là niềm hạnh phúc, nên em duy trì công việc này đến nay được hơn 1 năm rồi.

Nguyễn Thanh Ngọc Thảo cùng những sản phẩm làm từ vải vụn. Ảnh: Hoa Nữ - Báo Thanh niên

PV: Được biết, Thảo không chỉ đơn thuần là may sản phẩm tái chế mà còn tổ chức những buổi chia sẻ về công việc này?

Ngọc Thảo: Ban đầu, em chỉ đồng hành để tạo ra sản phẩm cho mọi người thôi. Nhưng tới tháng 12/2020, em có nhận lời mời làm workshop cho một tổ chức.

Tổ chức này cũng về thu gom các loại rác, các bạn cũng mong muốn em đến để dạy các bạn làm những sản phẩm từ vải vụn, vải tái chế. Em có đến và nhận được sự quan tâm của mọi người và mọi người cũng hỏi thăm về cách làm.

Nên từ đó, em tổ chức các workshop đến cộng đồng nhiều hơn. Mỗi tháng sẽ có 2 buổi dành cho trẻ em và giới trẻ.

PV: Bạn có thống kê được mình tái sử dụng được bao nhiêu vải vụn không?

Ngọc Thảo: Thường mỗi tháng, dì sẽ gửi lên cho em khoảng 2kg và mọi người sẽ gom lại khoảng 2kg. Như vậy, mỗi tháng em sẽ sử dụng khoảng 4kg vải…

Chưa kể những vải đặc biệt hơn để làm băng đô hay túi ly đựng nước, trong khoảng 8-10kg, em sẽ lọc lại và phân loại từng loại vải. 

PV: Một người trẻ mới tốt nghiệp ra trường, ít nhiều cũng cần về kinh tế để duy trì đam mê. Thế thì hiện nay, đầu ra của các sản phẩm thì như thế nào vậy Thảo?

Ngọc Thảo: Tháng 8/2020, khi thấy đầu ra chưa được nhiều hoặc bị mọi người từ chối thì em cũng khá là nản. Em cũng đã chuẩn bị sẵn một bộ hồ sơ xin việc rồi.

Nhưng cách khoảng 2 ngày trước khi em đi xin việc thì có một chị gọi cho em, nói em có thể mang hàng đến cho chị, chị sẽ bán giúp em. Em cảm thấy đó như một tia sáng cuối đường hầm.

Bắt đầu từ đó, có những sự liên kết và đó là những nơi em tìm được nguồn đầu ra cho mình. 

PV: Còn tầm giá của sản phẩm ra sao, Thảo bật mí thêm nhé!

Ngọc Thảo: Tầm giá khá rẻ vì em muốn mọi người đều sử dụng được, đặc biệt là những bạn học sinh sinh viên và những người có thu nhập rất bình thường.

Nên giá các sản phẩm của em dao động từ 15.000 đồng đến “maximum” luôn là 50.000 đồng/sản phẩm.

PV: Cảm ơn Thảo vì cuộc trò chuyện hôm nay! Chúc Thảo và những người bạn cùng đam mê sẽ có thêm nhiều sáng kiến hay hơn nữa để góp phần chung tay bảo vệ môi trường!