Cô gái môi trường biển và đại dương

Tạ Thùy Trang là cô gái có những ý tưởng mới mẻ, truyền cảm hứng sống tích cực đến rất nhiều người.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Bạn Tạ Thùy Trang, người sáng lập Tổ chức SaiGon Eco Compass. Ảnh: Vũ Thủy

Dưới góc nhìn của một người trẻ về vấn đề ô nhiễm rác thải trên biển, Tạ Thùy Trang, người sáng lập Tổ chức SaiGon Eco Compass; khởi xướng Cộng đồng vườn rừng Giun đất; Dự án mạng lưới thanh niên hành động về không khí sạch tại TP.HCM, Cộng đồng tiêu dùng bền vững “Trạm xanh” đã có những hoạt động thiết thực để bảo vệ môi trường biển và đại dương. 

PV: Chào Thùy Trang, Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia gây ô nhiễm môi trường biển nhiều nhất thế giới. Công bố này khiến bạn suy nghĩ gì?

Thùy Trang: Đó là vấn đề mà đất nước chúng ta cần phải quan tâm. Câu chuyện về rác chưa được quản lý tốt và rác thải ra môi trường rất nhiều, ra sông suối, rồi ra biển; ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của chính người Việt Nam, động thực vật, thủy hải sản trên biển hay du lịch.

Nên mình rất quan tâm đến vấn đề này.

PV: Vậy bạn đã có những hành động như thế nào?

Thùy Trang: Đó là một cái duyên. Năm 2017, mình tình cờ được biết chương trình Bảo tồn rùa biển của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), mình tham gia với tư cách là thành viên.

Khi ra biển Hòn Câu của Côn Đảo mình thấy rằng điều đặc biệt của hệ sinh thái biển bao gồm rùa biển, san hô, cỏ biển và các động thực vật khác rất đẹp. Nếu bãi biển sạch như vậy rất tốt cho mọi người.

Mình cũng có cơ hội tham gia nhiều hoạt động khác như sáng tác nghệ thuật từ rác thải nhựa cùng các nghệ sĩ ở Bái Tử Long, hay mình có ra đảo Lý Sơn nhân ngày Môi trường Thế giới để tuyên truyền cho cư dân của đảo và người dân ở chợ về việc sử dụng vật dụng thay thế như giỏ đi chợ hay ống hút, hay những bình nước refill, …cho những khách sạn.

Những việc tụi mình đã làm sẽ có nhiều người trong xã hội quan tâm đến.

Nhóm tình nguyện viên bảo tồn rùa biển qua các năm fanpage có khoảng 10.000 thành viên, offline có khoảng hơn 40.000 thành viên….

Một trong nhiều hoạt động bảo vệ môi trường biển của Saigon Eco Compass

PV: Qua quá trình xây dựng những ý tưởng và tham gia nhiều chương trình hoạt động đóng góp cho môi trường biển, điều gì bạn thấy cần phải thay đổi?

Thùy Trang: Khi mình tìm hiểu, mọi người rất quan tâm, nhưng những giải pháp chưa có cho họ. Như giải pháp về thay thế, ví dụ như thay thế đồ dùng bằng nhựa một lần; với các cô bác ở chợ, chi phí đó còn khá cao. Ví dụ: túi nilon phân hủy sinh học hay những đồ xử lý rác, hay xe di chuyển phải hợp quy chuẩn; và họ cũng chưa rõ con đường của rác sẽ đi từ đâu đến đâu….

Và mình nghĩ một phần nữa là trách nhiệm của doanh nghiệp. Với chính sách của Nhà nước liên quan đến vấn đề này, mình nghĩ hiện Việt Nam đã bắt đầu có Liên nh về bao bì tái chế rác; cho thấy, doanh nghiệp đã bắt đầu đồng lòng hơn và người dân cũng hiểu hơn, ý thức hơn, phong trào nhặt rác cũng có nhiều.

Nhà nước cũng đã có chính sách không gia tăng thêm những Nhà máy tái chế rác thải nhựa không đạt quy chuẩn, nên mình nghĩ cần sự chung tay của toàn bộ xã hội. Hay cần có quy định cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần và đưa cho người dùng những giải pháp thay thế…

PV: Xin cảm ơn Thùy Trang!