Chuyện chung cư: Khi hàng xóm bảo nhau thu gom rác tái chế

Trong khi nhiều người lãng phí nước với tâm lý “của chung”, thì ở một góc khác của Thủ đô lại có những người sẵn sàng làm công việc chung cho cộng đồng, như việc kêu gọi hàng xóm trong chung cư thu gom các loại rác vô cơ.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 
Ảnh nh họa

Mỗi ngày, chị Trần Thu Phương, sống tại khu chung cư Tràng An Complex, quận Cầu Giấy đều đặn đăng bài trong khu chợ online của chung cư, kêu gọi, hướng dẫn các chị em làm sạch, xếp gọn các loại rác khó phân hủy như pin, ắc quy, nilon, vỏ hộp sữa, hộp xốp,…

Sau đó, chị Phương sẽ gom lại và gửi tới các trạm thu nhận để tái chế. Chị hy vọng việc làm của mình sẽ giúp hàng xóm thuận tiện hơn trong việc thu gom và gửi đi các loại rác thải độc hại.

Chị Phương cẩn thận mang theo làn cỏ và bao bì cũ để đựng đồ, tránh sử dụng túi nilon. Trong một buổi sáng, chị thường nhận được vài kg vỏ hộp sữa đã làm sạch, vỏ mì tôm và pin cũ của cư dân trong chung cư.

'Thay vì mọi người cứ đơn lẻ mang những loại rác đó tới chỗ tập kết thì mình sẽ thu lại cho mọi người, cùng một công thì mình gom lại. Khi mình thu lại thì mình sẽ mang về kiểm tra, phân loại một lần nữa, sau đó đóng gói và gửi tới nơi tập kết', chị Hương cho biết.

Nhiều gia đình trong chung cư này từ chỗ thờ ơ, nay đã dần quan tâm và thực hiện phân loại rác, bởi họ yên tâm khi đã có chị Phương thu gom và đưa đi xử lý đúng cách. Sinh sống cùng khu với chị Phương, chị Giang Anh chia sẻ, chị đã tham gia gửi các vỏ hộp sữa mà hai con sử dụng trong đợt nghỉ dịch này.

Chị thấy đây là việc làm dễ thực hiện và nhiều ý nghĩa thiết thực. Bởi nếu mọi người không phân loại rác thì những loại rác vô cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường không có cơ hội được xử lý riêng:

Theo chị Phương: "Vỏ hộp sữa được tráng một lớp nilon không thể tự phân hủy, mình tập hợp 2-3 ngày rồi đưa một lần. Nó là khởi đầu tốt, nhưng đấy là mang tính cá nhân thôi chứ chưa đều đặn và ổn định. Hy vọng nó được tuyên truyền rộng rãi hơn và có cơ chế tổ chức hoạt động rõ ràng hơn'.

Sắp tới, chị Phương sẽ đề xuất với ban quản lý chung cư để có một khu vực riêng cho mọi người tới bỏ rác cần tái chế với hy vọng hoạt động này lan tỏa rộng hơn tới cộng đồng cư dân và số lượng rác thu gom được sẽ nhiều hơn.