Chó thả rông, vệ sinh môi trường thả nổi

Tình trạng chó thả rông “nóng” trở lại trong dư luận sau vụ người đàn ông bị chủ chó hành hung ở TP.HCM. Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh trật tự, mà vệ sinh môi trường cũng bị ảnh hưởng khi chủ vật nuôi vô tư để thú cưng phóng uế bừa bãi.

"Sáng người ta hay thả chó mèo ra, nó phóng uế ra đường. Có những lần xe anh chèn phải những bãi thải ấy, phải quay về rửa, rất là bất tiện. Bây giờ mình góp ý thì người ta lại bảo mình khó tính, hàng xóm với nhau chẳng nói, kệ thôi."

Đó là câu chuyện của anh Vũ Đức Lượng, ở phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội và cũng là bức xúc chung của rất nhiều người, khi tình trạng vật nuôi phóng uế bừa bãi đã tồn tại rất nhiều năm:

"Em hay thấy ở công viên, những nơi công cộng, chủ dắt thú cưng và nó đi vệ sinh bừa bãi."

"Có người rất có ý thức, họ mang xẻng với túi đi hót, nhưng có người cứ thế là đi thôi, rất mất vệ sinh, mất mỹ quan, phiền hà vô cùng."

"Nói chung là nó gây ức chế cho người đi đường, nhất là buổi tối, đi lại dễ dính phải những cái “bẫy” đấy."

"Dân tự giác thì khó lắm, phải có quy chế của tòa nhà."

Ảnh nh họa: Ngọc Thành/VnExpress

Thay vì tăng nặng chế tài để tạo sức răn đe thì Nghị định 144 năm 2021 (thay thế Nghị định 167 năm 2013) đã không còn quy định xử phạt hành vi để động vật nuôi phóng uế nơi công cộng. Việc xử lý hiện nay dựa vào chế tài cho hành vi thả rông động vật nuôi, hay quy định dẫn dắt súc vật đi trên đường của luật giao thông.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó chủ tịch UBND phường Sài Đồng chia sẻ những khó khăn của địa phương, dù đã thành lập đội bắt chó thả rông nhưng chưa xử lý được trường hợp nào:

"Khó khăn của đội thứ nhất là chưa có kinh nghiệm, thứ hai là các bác ở đội cũng lớn tuổi, việc xác nh chó không đơn giản. Cũng đã có mâu thuẫn xảy ra giữa các hộ liền kề về việc chó phóng uế ra đường. Nhắc nhở nhiều lần thì đương nhiên phải xử lý, nhưng việc yêu cầu người ta đóng tiền phạt tương đối khó, vì chưa có quy chế về việc cưỡng chế nộp phạt."

Thông cảm với khó khăn của chính quyền phường xã nhưng PGS. TS. Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, nhiều địa bàn có quy chế và thực hiện nghiêm túc thì việc vật nuôi phóng uế gây mất vệ sinh môi trường được hạn chế rất nhiều. Còn nơi nào tổ chức thực hiện và giám sát chưa tốt thì nơi đó có hiện tượng “nhờn” luật:

"Chỉ có cơ sở mới phát hiện được, phải giao cho tổ dân phố làm cùng. Nhưng cán bộ cơ sở cũng là hàng xóm láng giềng, làm “căng” quá mà chế tài không cho phép thì gây mâu thuẫn nội bộ. Tôi đề nghị rà soát lại quy chế, nếu chưa đủ mạnh thì nâng lên. Các tổ dân phố tham gia cùng thì hiệu quả sẽ cao hơn, nhưng không thể “khoán” được, chuyện thi hành luật phải là chính quyền. Nếu nơi nào làm không tốt thì xử lý các đồng chí đứng đầu."