Chàng trai ấp ủ tìm lại truyền thuyết của người K’Hor: “Đất chết” cũng có cái hay...

Có một chàng trai trẻ ở Sài Gòn đã dành 10 năm tái thiết lại khu đất tưởng như đã “chết” tại khu du lịch Thác Voi, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng - nơi có người K’Hor bản địa sinh sống.

Chàng trai ấy ngày ngày cần mẫn cuốc đất, trồng cây hồi sinh lại hồ nước bị ô nhiễm, cứu sống các cây cổ thụ đang “hấp hối”, bồi đắp vịnh bị nước xói mòn trước sự tác động của con người và thiên nhiên. Chàng trai đó là Nguỵ Minh Giang - người ấp ủ giấc mơ tìm lại truyền thuyết của người K’Hor.

PV: Tại sao bạn lại đến với vùng đất này?

Ngụy Minh Giang: Năm 2009, khi đó tôi 19 tuổi, có dịp đến với vùng đất Lâm Hà - vùng đất của người K’Hor.

Người dân kể cho tôi về truyền thuyết về hai cái thác vô cùng linh thiêng của người K’Hor bản địa, một thác là nơi mà con voi đến đó để phục (những con voi đã già, lặng lẽ tách đoàn đến một nghĩa trang nơi thâm sơn cùng cốc để trút hơi thở cuối cùng), một thác nữa mà linh hồn của người lớn tuổi cư ngụ để về với Tổ tiên.

Thác nơi những con voi phục gọi là Thác Nghĩa Địa Voi (hay còn gọi là Thác Voi), tiếng địa phương gọi là Liềng Ruua. Năm 2017, 2018, mình may mắn mua lại được mảnh đất dưới chân Thác Voi. Lúc đó mình có một mong ước hơi ngây ngô, đó là trả lại vùng đất đó, truyền thuyết đó cho người K’Hor bản địa.

Nhưng 10 năm sau lần đầu tiên mình nhìn thấy nó, thì mình thấy đau lòng vì mảnh đất đã bị phá tan hoang, cây cối bị đốn, dòng suối bị ô nhiễm, con thú liên tục bị đặt bẫy. Lòng chảo như bị “nguyền rủa” vậy. Bây giờ chỉ còn là cây gai, cỏ bụi, là rắn, là chồn...

Lúc này mình mới trỗi dậy mong muốn, là phần nào đó tái thiết và khôi phục lại; sau đó trao lại cho người K’Hor cái nơi của họ. 

Ảnh nh họa

PV: Thời gian đầu tiên tái thiết vùng đất “chết” nhiều mồ hôi thế nào?

Ngụy Minh Giang: Mình tự tay đào đường, đào giếng, tự tay lấy nước, từng chút từng chút một. Có bao nhiêu tiền mua ống nước, tự đóng nhà gỗ... Tất cả chỉ để tạo ra nơi  thực sự ấm áp và an toàn để thực hiện giấc mơ ấp ủ của mình. Đó là giấc mơ của người K’Hor khu vực đó.

Bởi ngay cả những đêm không có trăng sao, những người K’Hor lớn tuổi đưa  những người trẻ dựng những chiếc lán ở dưới chân thác và bắt đầu kể lại những câu chuyện của dân tộc họ. Họ vẫn mơ một ngày để được trở lại thác Nghĩa Địa Voi để tiếp nối truyền thuyết.

Mình chỉ là một thanh niên TP không có nhiều kỹ năng nên mọi chuyện dường như vượt quá khả năng của mình. Mình hơi khó khăn khi có số tiền mướn máy xúc của địa phương để cơi lại hồ đó cho thoáng.

Đất múc ở dưới hồ mình đắp đất vào những cây đa cổ thụ, cây đa sau 8-9 tháng đã có lá trở lại và cây đã hồi sinh. Mình mua đất đắp lên vịnh đã xói mòn do nước ô nhiễm thay đổi dòng chảy, và một lần nữa may mắn vịnh đã không còn  bị xói mòn. Nơi đó thực sự đã thay đổi rất dễ thương và an toàn.

Nhưng mọi chuyện tưởng như tốt đẹp thì mùa lũ năm 2018, lòng chảo biến thành quần đảo. Hồ Xuân Hương tràn nước, Hồ Tuyền Lâm cũng tràn và đổ hết vào suối Cam Ly.

Mình ở hạ nguồn ở suối Cam Ly - thung lũng của mình như một quần đảo vậy. Còn khoảng chừng 1 ngón tay nữa thôi là nước tràn vào nhà. Nhưng đúng lúc đó nước ngưng. 3 ngày sau, nước bắt đầu rút.

Khi nước rút thì hồ ô nhiễm trở lại, cây trồng chết hết, những con đường tốn không biết bao nhiêu công đã đi theo dòng nước, 6 tháng sau hồ mới được trở lại.

PV: Công việc này mang lại giá trị gì cho bạn?

Ngụy Minh Giang: Mình cảm nhận được những điều không ổn khi sống ở một đô thị lớn khi mỗi ngày một ít cây đi. Những tán cây vào những buổi trưa luôn là nơi trú chân, vào những  ngày mưa, ngày lạnh, ngày gió...

Đời sống con người chúng ta cũng tìm kiếm sự giúp đỡ từ những cái cây. Đơn sơ lắm. Nhưng thường những cái cây sẽ nằm sai với ý muốn, công dụng của mảnh đất đó.

Nếu mảnh đất chết rồi và mình hồi sinh lại thì cái cây dường như đúng chỗ với nơi nó cần được chăm sóc so với việc một khu rừng hoang dại và cái cây phải cạnh tranh với nhu cầu sử dụng của con người. “Đất chết” cũng có cái hay của nó. Mình bắt đầu lại và đặt nó vào vị trí đúng nơi đúng chỗ, thay vì làm một vướng bận một ai đó.

PV: Xin cảm ơn bạn!