Cần chú trọng kỹ năng lái xe máy an toàn

Trong khi nội dung đào tạo lái xe ô tô liên tục được nghiên cứu, bổ sung các nội dung mới nhằm nâng cao chất lượng giấy phép lái xe, thì nội dung, thời gian đào tạo lái xe đối với người điều khiển mô tô nhiều năm không thay đổi, trong khi hình thái giao thông đã thay đổi căn bản.

Bởi vậy, việc thay đổi giáo trình giảng dạy sát với trạng thái giao thông hiện nay, trong đó việc nhận biết mức độ nguy hiểm và kỹ năng xử lý cần có khi tham gia giao thông hiện nay là rất cần thiết.

Những hình ảnh người xe máy vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, sử dụng rượu bia, sử dụng điện thoại khi lái xe,… ai cũng có thể dễ dàng bắt gặp.

Quy định mới nhất về đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe là Thông tư 12, được ban hành từ năm 2017. Theo đó, kết cầu thời gian học lý thuyết và thực hành của người học lái xe mô tô hạng A1 (hạng phổ biến hiện nay, được điều khiển phương tiện đến dưới 175 phân khối) được quy định là 12 tiếng, trong đó có 10 tiếng đào tạo lý thuyết, từ Luật Giao thông đường bộ; nhận biết biển báo và lý thuyết sa hình. Ngoài ra còn có 2 tiếng đào tạo thực hành lái xe.

Tuy vậy, 5 năm nay, hình thái giao thông đã thay đổi hoàn toàn, số lượng phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến, hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh mẽ đã khiến những nguy cơ đối với người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy tăng lên rõ rệt.

Mặc dù vậy, cùng với việc chậm đổi mới chuong trình đào tạo, sát hạch, do không yêu cầu phải cấp chứng chỉ, đa số học viên học lái xe mô tô đều tự học lý thuyết, rất khó khẳng định học viên học lái xe đã trang bị đầy đủ kiến thức về luật, chưa nói đến kỹ năng nhận biết và xử lý tình huống nguy hiểm. Đó là chưa kể những mẹo thi lý thuyết luôn được các giáo viên dạy lái truyền ệng cho học viên để có thể vượt qua kỳ thi sát hạch, mà bản thân người học chưa chắc đã hiểu.

Còn kỹ năng thực hành lái xe, hầu hết học viên đều đã tự học, nếu không muốn nói đã điều khiển mô tô, xe máy trước khi đăng ký học và tham gia sát hạch. Không được học kỹ cả về lý thuyết và thực hành trước khi điều khiển mô tô, xe gắn máy, nguy cơ đối với bản thân họ và cộng đồng đã thấy rõ.

Ảnh: Phúc Tài

Không phải ngẫu nhiên ở nhiều nước trên thế giới, cùng với các quy định pháp luật về giao thông đường bộ, các kỹ năng nhận biết, phòng tránh TNGT được xây dựng thành giáo trình, thành cẩm nang hoặc phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông thực, giống như đã thực hiện với đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe ô tô để giảng dạy cho người học lái mô tô, xe máy. Không chỉ được học, mà học viên còn phải tham gia sát hạch nội dung này trước khi được cấp bằng lái.

Một khảo sát nhỏ do Trường Đại học Việt Đức thực hiện với 50 người, trong đó 25 người được đào tạo về kỹ năng nhận biết, phòng tránh TNGT đối với người đi mô tô, xe máy cho thấy, có sự khác biệt rõ rệt giữa nhóm người được đào tạo và không được đào tạo.

Cụ thể, kết quả đo chuyển động mắt của cả 2 nhóm cho thấy, sau khi được đào tạo, khả năng sớm nhận biết được mối nguy hiểm cũng như kỹ năng xử lý của nhóm người được đào tạo tốt hơn nhiều so với nhóm người không được đào tạo.

Bởi vậy, đã đến lúc cơ quan quản lý cần nhìn nhận lại, thiết kế lại chương trình đào tạo lái mô tô, xe gắn máy, trong đó, trạng thái giao thông phức tạp cần được cập nhật cho sát với tình hình thực tế, để người điều khiển mô tô, xe gắn máy hiểu được mức độ nguy hiểm cho mình và cộng đồng, nếu bản thân họ không được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn.

Từ quan điểm tiếp cận theo hướng trang bị kỹ năng tham gia giao thông an toàn, cơ quan quản lý sẽ thiết giáo trình giảng dạy, đào tạo theo hướng nâng cao kỹ năng tham gia giao thông cho người điều khiển mô tô, xe máy.

Nội dung này có thể được xây dựng như một cuốn cẩm nang, một mô hình mô phỏng để người học lái xe nhận biết, trải nghiệm, từ đó hình thành thói quen, phản xạ khi gặp tình huống nguy hiểm.