Các quốc gia phát triển phân loại rác tại nguồn như thế nào?

Hiện mỗi ngày TP.HCM phải xử lý khoảng hơn 9.000 tấn rác thải sinh hoạt. Tuy đã có nhiều nỗ lực trong việc phân loại rác tại nguồn nhưng đều bị dẫm chân tại chỗ, thậm chị bị đánh giá là thất bại.

Một máy đổi rác thải đã phân loại lấy điểm thưởng ở TP. Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Shanghai Municipal Bureau of Greenery and City Planning.

Để tìm hiểu cách mà các nước phát triển trên thế giới thực hiện phân loại rác tại nguồn như thế nào, PV VOVGT đã có cuộc trò chuyện với Thạc sĩ Lê Tấn Thanh Lâm – Giảng viên Khoa Tài Nguyên và Môi Trường – Trường ĐH Nông Lâm TPHCM.

 

PV: Hiện nay, nhiều quốc gia đã thực hiện thành công việc quản lý chất thải rắn, góp phần bảo vệ môi trường. Ông có thể chia sẻ cho quý thính giả của VOVGT được biết về cách phân loại, quản lý rác thải tại nguồn của các quốc gia này? 

Thạc sĩ Lê Tấn Thanh Lâm: Những nước đã tiến hành thành công chương trình phân loại rác tại nguồn có một trong số các đặc điểm chung như: diện tích đất nước nhỏ, dân số có quy mô nhỏ, đặc thù chia cắt bởi chuỗi đảo, tiềm lực kinh tế mạnh...

Điểm cốt lõi thứ hai cần nhắc tới là đa số các quốc gia đươc nhắc đến đều xây dựng chương trình phân loại rác tại nguồn là mục tiêu quốc gia, lộ trình được xây dựng một cách cụ thể nên việc tiến hành từng bước một đều được kiểm soát tốt và mang tính kế thừa triệt để giữa thành thị và nông thôn.

Giả sử như ở nước Nhật, Singapore thì chương trình phân loại rác tại nguồn của họ sẽ hướng tới 1 công nghệ cụ thể là công nghệ đốt. Còn ở Hà Lan, do đặc thù nông nghiệp nên việc phân loại rác tại nguồn hướng đến là tách thành phần hữu cơ ra khỏi rác. Từ đó sản xuất phân bón phục vụ nền nông nghiệp.

Như vậy, tùy vào đặc thù, tùy vào mục tiêu của mỗi quốc gia mà họ sẽ có hướng phân loại riêng biệt phục vụ các chương trình quốc gia cụ thể 

PV: Từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, theo ông, bài học cho công tác phân loại và quản lý rác thải tại nguồn ở Việt Nam là gì? Có phương pháp nào phù hợp với nước ta không?  

Thạc sĩ Lê Tấn Thanh Lâm: Từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thì bài học cho công tác phân loại rác tại nguồn của Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chí sau: Thứ nhất, đánh giá đúng tầm quan trọng của công việc phân loại rác tại nguồn, phân tích được bài toán lợi ích và chi phí khi tiến hành phân loại.

Thứ hai, xây dựng chương trình quốc gia có lộ trình cụ thể, nên bắt đầu từ các đô thị lớn như các thành phố trực thuộc trung ương và dần đến các đô thị nhỏ hơn và cuối cùng là khu vực nông thôn.

Thứ ba, đánh giá mối liên hệ hữu cơ giữa phân loại rác tại nguồn và việc sản xuất phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Thứ tư, đánh giá đúng các nguy cơ rủi ro tiềm ẩn từ hệ thống quản lý rác hiện tại. Hiện nay đã xuất hiện các xung đột môi trường từ rác thải tại các đô thị lớn. Ví dụ như ở Hà Nội, việc xung đột giữa bãi chôn lấp và người dân đã dẫn đến ứ đọng rác vài ngày và nó có tính hệ thống kéo dài nhiều năm.

Tóm lại, nên xem việc phân loại rác tại nguồn là một chính sách mang tầm quốc gia và buộc phải thực hiện trong vòng 20 năm tới với một lộ trình không thể thay đổi. 

PV: Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!