Bịt mũi, chạy nhanh qua các khu tập kết rác trong khu dân cư

Trên một số tuyến đường giao thông, khu dân cư trên địa bàn Hà Nội xuất hiện những bãi tập kết rác, hay những xe chở rác bốc mùi xú uế, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng cảnh quan đô thị.

Tình trạng này diễn ra từ nhiều năm nay, dù một số vị trí đã được cải thiện, song vẫn chưa triệt để.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 
Trên địa bàn thành phố Hà Nội còn xuất hiện nhiều điểm tập kết rác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và cảnh quan đô thị. Ảnh: Tuổi trẻ Online

Góc công viên nằm trước ĐH Công Đoàn và Đại học Thủy Lợi trên phố Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội có một số điểm tập kết với khoảng chục xe rác đã được phủ bạt kín. Dù chỉ có 1 - 2 xe chở rác để hở nhưng do đặt gần một điểm trung chuyển xe buýt, nên ít nhiều ảnh hưởng đến hành khách đi xe buýt và người dân sống xung quanh.

Một số người dân phản ánh: 'Sáng chị em đi thu gom rác, cẩu đến cẩu luôn. Hôm nào trở trời cũng có mùi, chứ người ta cũng sạch sẽ, đậy hẳn hoi, rác về người ta cũng đậy kín

Về cơ bản anh thấy hơi bẩn Công viên rõ đẹp mà để xe rác là không hợp lý. Nó gây mùi. Ngày nắng hơi hôi. Để hơi mất mỹ quan'.

Tình trạng các xe chở rác tập kết ngay trên các tuyến đường giao thông, trên vỉa hè, hay các đoạn đường đông người qua lại xảy ra khá phổ biến trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đơn cử như tại điểm tập kết rác vào buổi sáng, buổi chiều hàng ngày ở đoạn đường đối diện với số nhà 60 Vũ Trọng Khánh, ngã tư Nguyễn Khuyến- đường 19/5, quận Hà Đông…

Dù rác sau khi được tập kết sẽ được nhanh chóng chuyển đi nhưng đi qua khu vực này vẫn nhếch nhác, không sạch sẽ và có mùi hôi của nước rác. Mỗi khi đi qua khu vực này, nhiều người dân phải bịt mũi hoặc đi thật nhanh. 

Cô Thúy Mai, ở phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân cho rằng, thời gian nhân viên môi trường đi thu gom rác sinh hoạt hàng ngày ở khu vực này còn bất cập, vì vào 17h chiều phần lớn người dân không có nhà. Dẫn đến tình trạng nhiều hộ gia đình để các túi rác ngay mặt đường hoặc vứt rác không đúng nơi quy định, gây mất vệ sinh môi trường.

Cô Mai nêu ý kiến: 'Đường Khương Đình vào Kim Giang, 2 dẻo sát ngay đằng sau lưng nhà máy cao su, nhiều khi rác vẫn còn bẩn. Đáng lý ra phải có một xe rác lưu động để ở ngoài đường cho có thể người dân không đổ kịp. Buổi sáng cô đi làm, xách rác ra tận nhà máy xà phòng, cao xà lá mới có 2 thùng rác. Từ nhà ra phải tới 700m'.

Từ nhiều năm nay, số lượng điểm chuyển tài, trung chuyển rác trên địa bàn thành phố không đủ đáp ứng nhu cầu. TS Trần Văn Miều, Phụ trách truyền thông Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, bất cập này xảy là do thành phố và chính quyền địa phương chưa thực hiện quy hoạch các điểm trung chuyển, tập kết rác, nhưng ngay cả nhiều khu đô thị mới đến nay vẫn chưa có những điểm tập kết rác hợp vệ sinh:

Câu chuyện này không được giải quyết từ lâu. Tại sao có những KĐT mới mà vẫn để rác ra đường. Bài toán ngày xưa nhưng đến nay vẫn không được giải quyết triệt để. 

Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, mật độ dân số ngày càng đông và lượng rác thải sinh hoạt sẽ còn tiếp tục tăng. Nếu không có những giải pháp căn cơ về công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt, tình trạng những điểm tập kết xe rác mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường sẽ còn tồn tại, ảnh hưởng đến hình ảnh thành phố xanh- sạch- đẹp của thủ đô.