Biến vỏ cây tràm thành phân hữu cơ

Từ trước đến nay, chúng ta chỉ biết đến vỏ cây tràm dùng làm chất đốt hoặc là phế thải. Nhưng ngày nay, vỏ cây tràm đã được ủ thành phân bón hữu cơ và giảm ô nhiễm môi trường. Người sáng tạo nên loại sản phẩm này là ông Võ Văn Bảy, ngụ tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Khu sản xuất phân bón bằng vỏ cừ tràm của gia đình ông Bảy tại Bến Lức. Ảnh: Trần Trung/Báo Nông nghiệp Việt Nam

Để biết ưu điểm của phân vỏ tràm này dùng trong canh tác nông nghiệp ra sao, PV VOV Giao thông có cuộc trò chuyện với ông Võ Văn Bảy:

PV: Cám ơn ông vì ngày hôm nay đã nhận lời phỏng vấn. Ông có thể cho biết là từ đâu mà mình lại có ý tưởng biến vỏ cừ tràm thành phân hữu cơ sử dụng cho cây trồng?

Ông Võ Văn Bảy:  Hồi xưa Ông Bảy làm trong nhà máy đó cái nguồn tràm nó dồi dào không ai tiêu thụ hết thì Ông Bảy mới lấy đem về, đem về làm chất đốt bán cho lò gạch thôi, mình mới làm một cái máy ép, với một cái máy sấy, để mình sấy cho nó khô lại, nhưng mà nó không thành công.

Sau đó mình thấy con sùng ăn vỏ tràm, thải phân ra và phân đó mình bón cây được, mình mới có ý tưởng chế ra cái máy để mình xay, mình xay cho nhuyễn ra để nó mau phân hủy.

PV: Mình mất khoảng bao lâu cho quá trình sản xuất thành phẩm loại phân bón từ vỏ cừ tràm này?

Ông Võ Văn Bảy: Từ đầu tới cuối là phải trên hai năm, phải trải nghiệm rồi bắt đầu mình học hỏi mỗi người một chút.

Mình thí nghiệm trồng ở nhà, trên thanh long, rau, hoa màu. Cái phân này mình đưa thêm cái men vi sinh của Mỹ vô thì nó xúc tác mạnh và thành công tốt.

PV: Vậy trong quá trình sản xuất biến vỏ cừ tràm thành phân hữu cơ thì ông đã gặp những khó khăn nào?

Ông Võ Văn Bảy: Khó khăn chứ, khó khăn lúc mà mình xử lý đó, mình xử lý mình rất là khó khăn mình phải học hỏi từng bước từng bước từng bước rồi mình theo dõi rồi mình trồng thử trồng thử trồng thử mà cái khó khăn nhất là mình xử lý tinh dầu.

Trong quá trình mình xay nhuyễn thì mình cũng chưa biết trong cái vỏ tràm nó có tinh dầu. Mình làm thì lúc đặng lúc được.

Sau đó mình được kĩ sư ở Sở NN&PTNN tỉnh hướng dẫn cách xử lý tinh dầu trong vỏ tràm, bắt đầu về mình mới mần mò mình mới xử lý. Xử lý xong rồi thì bắt đầu mình vô men, vì trong vỏ tràm nó có tinh dầu nên mình vô men thì nó không ăn được, khi mình xử lý hết tinh dầu và vô men thì nó mới phân hủy thành phân hữu cơ.

Sản phẩm phân bón vi sinh từ giá thể cừ tràm do cơ sở ông Bảy sản xuất được bà con nông dân tin dùng. Ảnh: Minh Sáng/Báo Nông nghiệp Việt Nam

PV: Vậy có khó khăn nào về kinh tế của mình không?

Ông Võ Văn Bảy: Thì cũng có chứ vì đầu tư vô rất là nhiều tiền, mình đầu tư vô phần chế tạo máy móc nè, chế máy đảo phân, chế máy đóng gói nè, thì mình cũng đi mượn thêm để mình làm.

PV: Bên cạnh giá trị dinh dưỡng cho cây trồng thì việc tạo phân bón hữu cơ từ vỏ cừ tràm sẽ có ý nghĩa như thế nào đến môi trường vậy?

Ông Võ Văn Bảy: Cái này thì nó bảo vệ môi trường rất là tốt và mình xử lý cái vỏ này mình vừa bảo vệ môi trường, nó không ô nhiễm môi trường mà nó còn có lợi cho bà con nông dân.

PV: Xin cám ơn ông.