Biến ốc bươu vàng thành phân bón hữu ích cho cây lúa

Tận dụng nguồn phụ phẩm là vỏ khóm, vỏ đu đủ xanh,… kết hợp với nguyên liệu chính là ốc bươu vàng (loại ốc gây hại cho ruộng đồng), mô hình ủ phân ốc đã được bà con tại một số địa phương thực hiện để có nguồn phân bón cho cây trồng.

Kỹ sư nông học Huỳnh Lam Sơn – chàng trai trẻ yêu nông nghiệp đến từ “Cộng đồng nông nghiệp thuận thiên ABAVINA” đã có những chia sẻ cùng bà con nông dân, thính giả của VOVGT về cách ủ phân ốc. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

PV: Xin chào Kỹ sư nông học Huỳnh Lam Sơn! Anh biết đến mô hình ủ phân ốc từ khi nào?

Kỹ sư nông học Huỳnh Lam Sơn: Em biết đến phương pháp ủ phân ốc này cách đây 4 năm. Em tìm kiếm trên mạng rồi tìm đến công ty Cộng đồng ABAVINA.

Ở đó, mọi người có làm phân ốc, em mới tới để tham khảo học hỏi, sau đó có duyên thì em cũng hỗ trợ cho cộng đồng đó luôn. Tại vì em muốn có nguồn phân để cho người nông dân sử dụng, không bị lệ thuộc vào phân bón hóa học.

PV: Có nhiều bà con đã biết về phân ốc, nhưng cũng không ít bà con còn lạ lẫm với loại phân này. Nhờ anh Sơn giới thiệu rõ hơn về loại phân này!

Kỹ sư nông học Huỳnh Lam Sơn: Mình sử dụng ốc bươu vàng vì loại ốc này gây hại cho cây lúa nhiều thì mình cứ sử dụng ốc bươu vàng là được. Quy trình thì cũng dễ… Mình sử dụng 1kg ốc và mình thêm thêm 5 – 10kg khóm hoặc đu đủ xanh, trái sung. Mấy cái này chúng ta sử dụng để enzyme phân hủy protein. Chúng ta sẽ dựa vào liều lượng mà tăng giảm cho phù hợp.

PV: Nếu theo tỉ lệ 1kg ốc kết hợp với khoảng 5-10kg khóm hoặc đu đủ tươi thì quá trình ngâm ủ sẽ ra sao vậy anh Sơn?

Kỹ sư nông học Huỳnh Lam Sơn: Mình lấy 1kg ốc nguyên con trộn đều với 7kg khóm, rồi mình để vào lu để ủ. Còn 3kg khóm mình để trên mặt. Mình để 1 tuần, lu mình có nắp đậy, mình mở ra để mình trộn một lần nữa. Như vậy, từ 1 tháng đến 4 tháng là mình có thể sử dụng được.

PV: Với góc độ của một Kỹ sư nông học, anh Sơn đánh giá như thế nào về tính hiệu quả của phân ốc đối với cây trồng?

Kỹ sư nông học Huỳnh Lam Sơn: Nó rất hiệu quả bởi vì đó là các axit an. Mình tưới vào cây thì bữa trước bữa sau sẽ thấy độ màu xanh của lá đã lên rồi. Mà axit an này là thức ăn tốt cho các vi sinh vật hoạt động trong đất, bổ sung hỗ trợ cho đất và cây trồng dễ hấp thụ dinh dưỡng hơn.

Phân này tốt hơn gấp 2-3 lần phân Urê chúng ta thường bón. Hiện tại, em cũng chia sẻ cho nhiều bà con để bà con áp dụng, bón cho cây trồng trong vườn của mình và cũng rất hiệu quả.

PV: Có một vấn đề nữa là nghe tới việc ngâm ủ ốc, nhiều ý kiến lo ngại về mùi hôi gây ô nhiễm môi trường. Vậy anh Sơn có lưu ý gì cho bà con khi áp dụng mô hình này?

Kỹ sư nông học Huỳnh Lam Sơn: Mình muốn hạn chế mùi hôi, lu ủ của mình đã có nắp đậy, mình chứa 1 lỗ nhỏ (mình đậy không kín lắm) để cho không khí đi vào, cho vi sinh vật có lợi phát triển. Với lại, mình có enzyme từ khóm, vỏ khóm,… như vậy thì sẽ phân hủy tiếp. Hoặc chúng ta bỏ thêm vào các enzyme, các vi sinh vật phân giải protein để không bị lên mùi.

PV: Cảm ơn Kỹ sư nông học Huỳnh Lam Sơn vì những chia sẻ rất hữu ích.