Bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam: Còn nhiều thử thách

Việt Nam là một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Tuy nhiên hiện nay, nhiều loài động vật hoang dã ở nước ta lại đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do nạn buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp với nhiều mục đích khác nhau.

Ngày 01/8/2021, phòng cảnh sát môi trường công an tỉnh Nghệ An đã bắt giữ 2 đối tượng trú tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đang vận chuyển 7 cá thể hổ con sang Nghệ An tiêu thụ. Từ chuyên án này, lực lượng công an đã tiếp tục mở rộng điều tra, qua đó phát hiện, thu giữ 17 cá thể hổ Đông Dương trưởng thành đang bị nuôi nhốt trái phép tại 2 hộ dân của xã Đô Thành, huyện Yên Thành.

Ông Nguyễn Văn Hà – Phó Chủ tịch UBND xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An chia sẻ: 'Việc nuôi nhốt hổ, chúng tôi không biết. Khi để xảy ra tình trạng này, các cơ quan chức năng phối hợp bắt giữ thì chúng tôi mới biết vấn đề này'.

Từ đầu năm 2021 đến nay, công an tỉnh Nghệ An đã xử lý 15 vụ, bắt giữ 22 đối tượng liên quan đến buôn bán nuôi nhốt động vật hoang dã, trong đó xử lý hình sự 12 vụ với 19 đối tượng và thu giữ 3600 kg động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.

Còn tại Điện Biên, mới đây, Công an huyện Điện Biên cũng đã phát hiện, bắt giữ 3 đối tượng đang dùng kích điện và dao giết con hổ nặng khoảng 220 kg để nấu cao tại nhà riêng của Lường Văn Anh tại bản Yên Cang 2, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên. Đây là động vật thuộc danh mục bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm.

Vào đầu tháng 5/2022, tại Lai Châu, hai con gấu con đã được công an tỉnh Lai Châu giải cứu thành công khỏi một vụ buôn bán động vật hoang dã. Đây là loại gấu ngựa thuộc động vật quý hiếm chỉ sinh sống tại một số tỉnh Tây Bắc và Tây Nguyên, giá bán lên tới 130 triệu đồng/con nên những con gấu con vẫn bị săn lùng, buôn bán.

Voi ở Tây Nguyên. (Nguồn ảnh: PV/Vietnam+)

Qua nghiên cứu sơ bộ trên internet về rà soát buôn bán, săn bắt động vật hoang dã ở Việt Nam, giai đoạn 2016-2021, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển thống kê có 1.097 vụ rao bán khoảng hơn 11.000 cá thể động vật hoang dã. Bên cạnh đó, nạn buôn bán động vật hoang dã trên mạng xã hội cũng đang có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây. Điểm đặc biệt là tất cả các giao dịch đều diễn ra trên Internet nên các đối tượng rất dễ trốn tránh cơ quan chức năng.

Bà Bùi Thị Hà – Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên ENV cung cấp thông tin: 'Chỉ riêng năm 2021 đã có gần 3000 các trường hợp vi phạm mà chủ yếu là các hành vi quảng cáo mua bán động vật hoang dã trên internet. Không chỉ quảng cáo buôn bán những loài động vật hoang dã thông thường mà còn có cả những loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, được bảo vệ…'

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 70% bệnh truyền nhiễm trong 50 năm qua đều bắt nguồn từ động vật hoang dã. Nhiều virus lạ đã dần xâm nhập vào cơ thể con người và gây ra những đại dịch với sức tàn phá khủng khiếp, do thói quen tiêu thụ động vật hoang dã. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây tại Việt Nam, hiện tượng nuôi thú cưng là động vật hoang dã cũng đang trở nên phổ biến, đặc biệt trong giới trẻ. Trào lưu này đã được cảnh báo là gây ra nhiều rủi ro không chỉ cho động vật được nuôi, người nuôi mà còn đối với môi trường sinh thái.

Bà Bùi Thị Hà cho biết thêm: 'Nuôi nhốt các loài thú hoặc những loài sinh vật độc lạ làm cảnh qua quá trình theo dõi của ENV thì thấy đó là một xu hướng, trào lưu mới của giới trẻ. Việc nuôi nhốt các loài động vật hoang dã để làm cảnh tiềm ẩn rất nhiều các nguy cơ…còn là hành vi vi phạm pháp luật'.

Hàng loạt nỗ lực đã được thực hiện trong những năm gần đây để cải thiện về luật pháp, tăng cường năng lực cho cán bộ thực thi pháp luật cũng như giảm nhu cầu tiêu dùng.

Trong số đó, việc nâng cao hiểu biết cũng như khuyến khích vai trò, sự tham gia của giới trẻ trong công tác bảo vệ động vật hoang dã được cho là một giải pháp quan trọng.