Bảo tồn thiên nhiên tại vùng biển Hòn Cau

Vùng biển Hòn Cau có nhiều lợi thế về đa dạng sinh học. Đây cũng là nơi hội tụ nhiều loài hải đặc sản quý hiếm, đặc trưng bởi tính đa dạng sinh học. Đặc biệt các rạn san hô có độ bao phủ cao, trong đó có nhiều loài chỉ ở vùng biển Hòn Cau mới có.

 Tuy nhiên, công việc của những người bảo tồn đảo Hòn Cau và các tình nguyện viên càng trở nên vất vả hơn khi đảo Hòn Cau những năm gần đây bị ô nhiễm.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Hòn Cau, còn gọi là Cù Lao Câu, là một trong 16 khu bảo tồn biển có ý nghĩa đặc biệt với môi trường biển Việt Nam. Hòn Cau có quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2km, với 234 loại san hô, là bãi đẻ của nhiều loại cá tôm, cùng với sự hiện diện của trên 34 sinh vật quý hiếm nằm trong danh mục có nguy cơ tuyệt chủng. 

Tháng 11/2010, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau ra đời, với mục tiêu bảo vệ môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nơi quần cư của các loài sinh vật có nguy cơ bị suy giảm. Chị Bùi Thị Thu Hiền, Phụ trách Chương trình Biển và vùng bờ, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) nhấn mạnh về thực trạng quản lý và bảo vệ môi trường tại đảo Hòn Cau:

'Đảo Hòn Cau là đảo không có người sinh sống, nhưng khi dọc bãi biển rất nhiều rác thải nhựa tràn lên. Rác thải nhựa là không biên giới. 

Các anh em ở các khu bảo tồn biển, họ rất tâm huyết với công việc của họ. Họ gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, cũng như về nguồn lực. Họ sẽ phải lên kế hoạch như giám sát hệ sinh thái các rạn san hô, thảm cỏ biển, hoặc các loài… Mỗi khu bảo tồn biển có phân vùng khác nhau, như vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng phục hồi hệ sinh thái, vùng đệm…

Những vùng lõi như khu vực san hô, thảm cỏ biển như những vườn ươm, vườn nuôi các loài thủy sản nhỏ, rồi khi chúng lớn lên chúng đi ra khỏi khu vực đó…

Khu bảo tồn biển cũng phải lên kế hoạch làm việc với cộng đồng. Vì đó là nơi ngư dân vẫn đánh bắt,  nhưng bây giờ ngư dân không được đến nữa, anh em sẽ phải làm việc với ngư dân, cộng đồng về vai trò của khu bảo tồn biển với ngư dân, vì ngư dân phụ thuộc vào nguồn lợi thủy sản, mà đây là nơi ươm nuôi nguồn lợi đó.

Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, họ cũng phải làm các chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về rác thải nhựa… '

Khu vực đảo Hòn Cau là ngư trường truyền thống của ngư dân. Mặc dù hoạt động bảo tồn diễn ra thường xuyên, tuy nhiên, vẫn còn một số đôi tượng đánh bắt hải sản bằng nghề lưới, bởi vậy, đến mùa sinh sản, rùa thường bị mắc vào lưới của ngư dân.

Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của bảo tồn biển, bảo vệ rùa biển thông qua việc tạo cơ hội cho người dân tham gia vào công tác tuần tra, bảo vệ rùa biển tại các bãi đẻ trên đảo, Khu bảo tồn biển Hòn Cau đã kêu gọi các tình nguyện viên đến đảo cùng tham gia các hoạt động. 

Một góc Khu bảo tồn biển Hòn Cau. (Ảnh: Huỳnh Quang Huy) ​​

Năm 2014, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) khởi động chương trình Tình nguyện viên rùa biển thực hiện tại các Khu bảo tồn biển Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Hòn Cau; Vườn quốc gia Bái Tử Long, Núi Chúa, Núi Chúa, Côn Đảo…. Từ đó đến nay đã có hơn 5.000 tình nguyện viên tham gia. 

Anh Nguyễn Hữu Cường, Cán bộ Khu bảo tồn biển Hòn Cau cho biết về ý nghĩa của các hoạt động tình nguyện: Tình nguyện viên giúp ích cho chúng tôi rất nhiều, thực hiện các công tác bảo tồn rồi công tác bảo vệ rùa biển, thứ hai giúp kết nối các tình nguyện viên khác và những người yêu môi trường với anh em khu bảo tồn biển Hòn Cau, thứ ba, các bạn đã truyền động lực cho anh em khu bảo tồn biển Hòn Cau về công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ rùa biển, và các bạn đã mang một số kiến thức về môi trường, về nhân sinh quan, và về cuộc sống. 

Chị Bùi Thu Hiền, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) chia sẻ về tâm huyết của mình và các tình nguyện viên: Rất nhiều người hỏi tôi là, nếu chị làm như vậy, tình hình có tốt hơn không. Tôi luôn trả lời, nếu không làm gì, tình hình còn tệ nữa. Việt Nam và thế giới vẫn cần những người như chúng tôi, vẫn tiếp tục làm những công việc hàng ngày, cố gắng nhiều nhất có thể để giảm sự suy giảm về quần thể và chất lượng hệ sinh thái. 

Theo đánh giá của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Việt Nam mới có 0.2% diện tích biển được bảo vệ thông qua mạng lưới các khu bảo tồn biển, trong khi thế giới đang ở mức 7.7%.  

Tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp vẫn diễn ra, cùng với ô nhiễm môi trường biển đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm suy giảm nhanh nguồn lợi thủy sản tự nhiên và suy thoái các hệ sinh thái biển.