Bảo tồn thiên nhiên tại các vùng đất ngập nước

Việt Nam có 9 khu Ramsar (hay còn gọi là khu đất ngập nước) được thế giới công nhận và nhiều khu bảo tồn, vùng đất ngập nước có vai trò và gía trị quan trọng về kinh tế, xã hội, môi trường và văn hoá.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 
Rừng tràm trên vùng đất ngập nước Láng Sen

Nằm trong vùng nhiệt đới, được xếp thứ 16 trong số các quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới với 12 triệu hecta đất ngập nước, nhưng các vùng đất ngập nước ở Việt Nam đang chịu sự đe doạ của tự nhiên và con người. 

Các vùng đất ngập nước của Việt Nam đang đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định khí nhà kính và giảm bớt các tác động của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, các Ramsar có khả năng chắn sóng làm giảm xói lở bờ biển, giảm thiệt hại do bão, lũ và sóng thần ở vùng ven biển. Theo Ông Nguyễn Đức Tú, điều phối viên về đa dạng sinh học của Liên nh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế tại Việt Nam, vai trò của các vùng đất ngập nước nói chung rất quan trọng đối với cuộc sống con người, phát triển kinh tế và bảo tồn đa dạng sinh học. 

Vì sức ép kinh tế, nên đầu những năm 80 cho đến gần đây, hầu hết đập ngập nước tự nhiên đã bị khai thác, thay đổi rất nhiều. Khu bảo tồn đất ngập nước, đặc biệt là những khu Ramsar có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ mẫu chuẩn về hệ sinh thái đất ngập nước, cũng như đây là nơi mà các loài thủy hải sản hay điều tiết nước, giảm thiên tai, lũ lụt, bảo vệ bờ biển…
Cách TP Cao Lãnh khoảng 40km, và cách TP.HCM chỉ khoảng 150km, Vườn Quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp có tổng diện tích tự nhiên hơn 7.300 ha với thảm thực vật phong phú.

Nhiều năm trước, các nhà khoa học cho rằng, đàn sếu sẽ giảm dần và những lo lắng đó đã thành sự thật. Năm 2019, chỉ còn vài con sếu bay ngang, và năm 2020 thì không có con nào về, thậm chí chỉ bay thăm dò như trước.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái Đồng bằng Sông Cửu Long chia sẻ: "Bây giờ thì con sếu không biết mùa nào là mùa khô, mùa nào là mùa nước. Mùa nào ở Tràm Chim cũng là mùa nước, nên hệ sinh thái bây giờ không còn là hệ sinh thái Đồng Tháp Mười nữa mà nó là hệ sinh thái ao tù.

Mùa lũ về, nước sông Mekong vào trong đây, nó phải đi qua chỉ có 4 cửa cống thôi, thì nó đã mất nhịp thủy văn rồi, cho nên nước ở trong đây là nước tù và xác bã thực vật nó rơi xuống và nó phân hủy trong nước và nó lấy hết oxy trong nước, như vậy, cá trong này rất khó sống, hệ sinh thái ngày nay đã thay đổi".

Khu rừng tràm Trà Sư nằm cách thành phố Châu Đốc khoảng 30km, được xem là khu bảo tồn hệ sinh cảnh tự nhiên tiêu biểu và độc đáo nhất của hệ sinh thái đất ngập nước ở vùng đồng bằng ven sông Cửu Long. 

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, các khu đất ngập nước như Trà Sư là giải pháp tự nhiên nhằm ổn định khí nhà kính, bờ biển, điều hòa khí hậu, chống xói mòn, chắn gió bão, nạp và ổn định nước ngầm, hạn chế lũ lụt. 

Tuy nhiên, cũng như các vùng đất ngập nước khác, rừng tràm Trà Sư cũng đang nằm trong mối đe doạ do sự phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Đức Tú cho biết lo ngại của của các Tổ chức Quốc tế: "Có một cái rất đặc trưng của đất ngập nước, rất dễ bị biến mất, chỉ cần một quyết định có thể làm biến mất luôn cả một vườn quốc gia.

Mối đe dọa lớn nhất đối với vùng đất ngập nước đó chính là sự phát triển kinh tế, các hoạt động chuyển đổi sử dụng đất, có thể gây nhiễu loạn gây xáo trộn sinh cảnh dẫn đến các loài ở đất ngập nước sẽ bị đe dọa, các loài chim, thủy sinh… , rồi săn bắt và đánh bắt quá mức, khai thác các loài thủy sản bằng phương pháp hủy diệt làm mất đa dạng sinh học, nguồn giống, ảnh hưởng đến sinh kế của cộng đồng sống xung quanh vùng đất ngập nước.."

Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2030, 25% diện tích hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia bị suy thoái được phục hồi; đa dạng sinh học được bảo tồn và sử dụng bền vững mang lại lợi ích thiết yếu cho người dân và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bởi vậy, Việt Nam cần những kế hoạch hành động tổng thể và các giải pháp then chốt để bảo tồn các vùng đất ngập nước.