Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề

Đa phần các làng nghề hiện nay phát triển đang theo hình thức tự phát, trang thiết bị thô sơ, chất thải từ những làng nghề này đa phần chưa qua xử lý nên tình trạng ô nhiễm môi trường đang rất báo động.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

 

Ảnh nh họa

Số liệu thống kê của Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho thấy hiện Việt Nam có khoảng 2.790 làng nghề. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển kinh tế làng nghề, người dân sinh sống gần các làng nghề đang phải chịu những ảnh hưởng về môi trường như tiếng ồn, mùi sơn, khói thải độc hại, nguồn nước thải ô nhiễm… do việc sản xuất của các làng nghề đa số nằm trong khu dân cư.

Có thể kể tới làng nghề làm gạch thủ công tại (xã An Phước, Huyện Long Thành, Tỉnh Đồng Nai). Bất kể ngày hay đêm, hàng chục ống khói cứ vô tư xả khí thải ra môi trường. Tình trạng này đã diễn ra trong suốt thời gian dài khiến nhiều người dân vô cùng bức xúc:

“Cháu nội nó học bài mà nó khóc, sổ mũi rồi khó thở, tôi cũng vậy luôn, khói qua là mù mịt không thấy đường đi luôn”.

“Nhất là buổi sáng, các lò xả ra khói mù mịt như nó đốt cao su. Với lại vào buổi chiều, bà con ở đây người ta ngửi phải nên viêm xoang nhiều lắm".

“Tối là ngủ không được, đóng cửa kín mít mà nó vẫn vô, quần áo tới sáng là nó hôi rình luôn."

Không chỉ làng nghề làm gạch thủ công, Theo Hiệp hội làng nghề Việt Nam, có tới 46% số làng nghề trong diện điều tra có môi trường bị ô nhiễm nặng, 27% làng nghề ô nhiễm vừa. Trong đó, hàm lượng các chất ô nhiễm theo các chỉ số COD, BOD5 hay tổng số vi khuẩn coliform trong nước thải làng nghề đều vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần, một số nơi lên đến hàng nghìn lần.

Không những thế, hầu hết các làng nghề đều có hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép, nồng độ khí SO2 tại các làng nghề cao hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn. 

Theo ông Tôn Gia Hóa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng thời gian qua Chính phủ đã quan tâm đến thực trạng môi trường tại các làng nghề, các Bộ, ngành đều có dự án để xử lý, tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa cao:

“Vì Chính phủ đã quan tâm nên tất cả các bộ ngành đều phải hướng vào, Bộ Khoa học- Công nghệ, Bộ Tài nguyên- Môi trường, Bộ Công thương... đều có dự án để xử lý. Nhưng theo tôi hiểu quả chưa được cao, vì vốn đầu tư của mình cho làng nghề còn ít. Nếu là các khu công nghiệp tập trung thì có thể đầu tư, mà ngay cả các khu công nghiệp tập trung thì cũng còn có vấn đề môi trường... nói chi các làng nghề rải rác phân tán như thế, rồi nơi sản xuất là trong nhà dân, vấn đề tập trung các nguồn thải, vấn đề xử lý chung cho cả cộng đồng rất là khó.”

Giải quyết vấn đề ô nhiễm không chỉ dừng lại ở phía các đơn vị quản lý, cả những chủ cơ sở sản xuất tại các làng nghề cũng có những trăn trở riêng. Ông Huỳnh Đắc Nhân chủ cơ sở sản xuất gạch Đắc Nhân chia sẻ:

 “Sản xuất gạch này đòi hỏi mặt bằng rất lớn, nhưng bây giờ bất động sản dao động quá lớn cho nên phần lớn doanh nghiệp hiện nay điều rơi vào tình trạng khó khăn trong việc bất động sản di dời và thay đổi công nghệ”

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều cố gắng giải quyết những thách thức ô nhiễm môi trường trong việc phát triển làng nghề. Nhưng những cố gắng này chưa được như mong đợi. Ông Hóa cho rằng, các địa phương cần phải đầu tư cho nhiều chương trình hơn để giải quyết vấn đề này trong tương lai:

“Bây giờ Chính phủ đã thấy là đầu tư cho làng nghề rất ít, nhưng hiệu quả rất lớn, nên đã tập trung rất nhiều chương trình như mỗi xã một sản phẩm, nông thôn mới... Trong nông thôn mới, các làng nghề cũng được hưởng lợi, và khi hạ tầng nông thôn tốt thì vấn đề môi trường sẽ được giải quyết.”