Bài thuốc nào cho tăng trưởng của TPHCM?

Liều thuốc căn cơ nhất cho căn bệnh suy giảm tăng trưởng nói riêng và trì trệ nói chung của TP.HCM chính là tư duy đổi mới triệt để trong tổ chức, quản lý và thực thi công vụ của bộ máy hành chính công.

Ảnh nh họa

Lần đầu tiên sau hơn 40 kể từ khi Nghị quyết số 01 của Bộ Chính trị có hiệu lực, TP.HCM chỉ đạt mức tăng trưởng 0,7% và bị xếp vào nhóm “cầm đèn đỏ” về tăng trưởng của cả nước. Rõ ràng, TP.HCM đã “thua đậm” ngay trong hiệp 1 của trận đấu tăng trưởng gồm 4 hiệp, và nếu không thực sự quyết liệt thì rất khó để đầu tàu kinh tế của cả nước có thể “lật ngược được thế trận”.

Một trong những điểm yếu chí tử khiến cho tăng trưởng kinh tế quý 1/2023 của TP.HCM “tụt dốc không phanh” chính là tình trạng chậm trễ, trì trệ, né tránh của một bộ phận cán bộ thực thi công vụ trong hệ thống hành chính công. Điều này dường như đi ngược lại hoàn toàn với chính chủ trương mà Đảng bộ và nhân dân TP.HCM đặt ra trong năm 2023 là “Nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội“.

Thực tế trải nghiệm các dịch vụ hành chính công tại một số địa phương lân cận TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai hay Bà Rịa Vũng Tàu…cho thấy chủ trương cải cách hành chính hay cải thiện môi trường đầu tư của TP.HCM thời gian qua cơ bản chỉ dừng lại ở mức “hô hào”. Số liệu hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn hồ sơ của người dân, doanh nghiệp tại TP.HCM chưa được phản hồi, giải quyết trong năm 2022 đủ để nói lên tất cả.

Việc người đứng đầu chính quyền TP.HCM mới đây ban hành văn bản khẩn để yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng “ngâm” hoặc chậm phản hồi hồ sơ của người dân và doanh nghiệp bước đầu cho thấy sự quyết liệt cần thiết từ cấp lãnh đạo. Tuy vậy, sự quyết liệt, nóng sốt này cần phải được nhân rộng hơn nữa đến các Sở ngành, quận, huyện, lan tỏa rộng hơn nữa đến từng cán bộ thực thi công vụ trong bộ máy hành chính công. Nói một cách khái quát là phải giải quyết triệt để tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.

Nếu nhìn một cách tích cực theo ngôn ngữ y khoa, thì việc TP.HCM lọt vào “nhóm đèn đỏ” về tăng trưởng có thể được xem là “triệu chứng rõ ràng” để kịp thời bắt đúng bệnh và kê toa chữa trị dứt điểm.

Điều đáng mừng là Chính phủ, các Bộ Ngành đã bắt đầu có nhiều động thái để khơi thông nguồn vốn, kịp thời bơm máu cho nền kinh tế, tháo gỡ những vướng mắc để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cũng như khuyến khích, kích cầu tiêu dùng nội địa…

Song theo chúng tôi, liều thuốc căn cơ nhất cho căn bệnh suy giảm tăng trưởng nói riêng và trì trệ nói chung của TP.HCM chính là tư duy đổi mới triệt để trong tổ chức, quản lý và thực thi công vụ của bộ máy hành chính công. Chỉ khi nào người dân, doanh nghiệp cảm thấy hài lòng, không còn phải mất quá nhiều thời gian, công sức, chi phí để thực hiện các giao dịch công thì khi ấy hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mới được phục hồi, kinh tế mới có thể quay trở lại đà tăng trưởng.