Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Kinh tế TP.HCM quý I tăng 0,7%: Đâu là nguyên nhân?

Huy Hoàng: Thứ tư 12/04/2023, 15:51 (GMT+7)

Lần đầu tiên sau hơn 40 năm, tăng trưởng của TP.HCM chỉ đạt mức 0,7% và đưa địa phương này lọt vào nhóm “đèn đỏ” về tăng trưởng của cả nước. Dù đã có dự báo về sự chững lại nhưng mức sụt giảm này thực sự gây choáng váng cho chính quyền lẫn người dân.

 

Lần đầu tiên sau hơn 40 năm, tăng trưởng của TPHCM chỉ đạt mức 0,7% và đưa địa phương này lọt vào nhóm “đèn đỏ” về tăng trưởng của cả nước. Ảnh: Zing

Lần đầu tiên sau hơn 40 năm, tăng trưởng của TPHCM chỉ đạt mức 0,7% và đưa địa phương này lọt vào nhóm “đèn đỏ” về tăng trưởng của cả nước. Ảnh: Zing

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, tăng trưởng quý 1/2023 của TP.HCM chỉ đạt 0,7% so với cùng kỳ (GRDP ước đạt hơn 360.620 tỷ đồng). Trong đó, 4/9 lĩnh vực trọng yếu tiếp tục có mức tăng trưởng âm là Vận tải kho bãi (giảm 0,63%), thông tin và truyền thông (giảm 2,70%), y tế và hoạt động cứu trợ xã hội giảm (4,82%), và đặc biệt là kinh doanh bất động sản tiếp tục giảm sâu (âm 16,2%).

Là chủ doanh nghiệp cơ khí chuyên sản xuất buloong, ốc vít có trụ sở đặt tại khu công nghiệp Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), ông Huỳnh Văn Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ Phần Sản Xuất - Thương Mại Vĩ Nam Việt (VINAVIT) cho biết tình hình sản xuất kinh doanh của công ty từ cuối năm 2022 trở lại đây rất ảm đạm, giá trị sản xuất giảm gần 40% do sụt giảm đơn hàng lẫn trong và ngoài nước:

"Từ 6 đến tháng 12/2023 sản xuất của nhiều doanh nghiệp cơ khí đã đã sụt giảm mạnh. Tiếp tục quý 1, sản xuất ngành cơ khí tiếp tục giảm và khả năng giảm nặng sẽ rơi vào quý 2 này. Vì vậy, Thành phố phải có chính sách hỗ trợ nhanh, phân loại nhóm ngành, nhóm doanh nghiệp nằm trong nhóm đó và nhóm nào bị nặng hơn phải “hà hơi tiếp sức” nhiều hơn và phải nhanh", ông Huỳnh Văn Đức cho biết. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, bên cạnh những nguyên nhân khách quan do thị trường xuất khẩu sụt giảm, tiêu thụ nội địa chưa cao, các chính sách hỗ trợ chưa cụ thể thì việc khó tiếp cận nguồn vốn cũng khiến cộng đồng doanh nghiệp đứng trước bài toán khó để duy trì hoạt động:

"Chúng tôi mong ngân hàng có thể chấp nhận thế chấp bằng vật tư nguyên liệu và các thành phẩm, các hàng tồn kho. Còn nếu ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp thế chấp bằng nhà, xưởng, máy móc, thiết bị những thứ này chúng tôi đã thế chấp cho ngân hàng để đầu tư sản xuất, xây dựng nhà xưởng rồi. Còn những khoản nợ tới hạn thanh toán thì ngân hàng có thể xem xét hoãn nợ, giãn nợ", ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết. 

Nhiều lĩnh vực tăng trưởng âm trong quý I vừa qua đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế TP HCM. Ảnh: Người lao động

Nhiều lĩnh vực tăng trưởng âm trong quý I vừa qua đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế TP HCM. Ảnh: Người lao động

Ngoài ra, một nguyên nhân khách quan khác khiến cho bức tranh sản xuất kinh doanh của TPHCM trở nên kém sinh động chính là tình trạng thiếu nguồn lao động, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp trọng yếu.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm – giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM thì số lao động còn thiếu trong quý 2 tới đây vào khoảng trên dưới 70.000 người: "Có 71,78% doanh nghiệp sẽ cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định lực lượng lao động. 20,95% dự kiến tăng và 7,27% dự kiến giảm với nguyên nhân giảm chủ yếu là thiếu đơn hàng và không tái ký hợp đồng lao động".

Là một trong những lĩnh vực trọng yếu, đóng góp quan trọng cho địa phương sau khi dịch Covid 19 được kiểm soát, ngành du lịch TP.HCM đạt mức tăng trưởng gần 104% so với cùng kỳ. Doanh thu từ nguồn khách nội địa lẫn quốc tế đều có mức tăng trưởng ấn tượng.

Tuy vậy theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – giám đốc Sở Du lịch TP.HCM thì ngành du lịch nói chung và mảng lưu trí nói riêng vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách: "Khó khăn từ sức mua của thị trường do lượng khách quốc tế giảm, thứ hai là nhân sự vẫn chưa phục hồi hoàn toàn cũng như không đủ để phục vụ với công suất và khối lượng khách tăng, khả năng cạnh tranh của các cơ sở lưu trú 1 và 3 sao thấp do chậm ứng dụng công nghệ số và cơ sở xuống cấp, nhiều cơ sở lưu trú không đủ điều kiện hoạt động tối thểu theo quy định pháp luật nhất là điều kiện pccc. Nổi lên nhiều nhất là khả năng tiếp cận vốn và các chính sách hỗ trợ thuế".

Từ góc nhìn của một chuyên gia gắn bó lâu năm với TP.HCM, tiến sĩ Trần Du Lịch - thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng quý 4/2022 là thời điểm phục hồi “như lò xo" sau đại dịch, và rất không may cho nền kinh tế Việt Nam là việc này gây ra hai tác động lớn.

Bên ngoài là biến động thị trường tài chính thế giới, bên trong là việc chấn chỉnh thị truờng bất động sản và thị trường tài chính trong nước. TP.HCM là địa bàn bị tác động mạnh nhất từ 2 yếu tố này. Còn về mặt chủ quan thì tình trạng giải ngân đầu tư công thấp; điểm nghẽn về vốn, hấp thụ vốn và thị trường nội địa doanh thu dịch vụ thấp đã khiến tăng trưởng quý 1/2023 của TP.HCM trở nên xấu hơn so với dự báo:

"Trong những tháng tới, chúng ta giải quyết điểm "cốt tử" về trì trệ của toàn bộ bộ máy hành chính, phải tháo gỡ tất cả để vốn vào được nền kinh tế. Và chúng ta không nói chung chung mà phải công khai, minh bạch toàn bộ vấn đề. Đây là điểm mấu chốt để tạo niềm tin và khi doanh nghiệp có niềm tin thì chúng ta sẽ phát triển", tiến sĩ Trần Du Lịch cho biết. 

Theo ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM thì một trong những hạn chế lớn nhất hiện nay là tình trạng chậm giải quyết các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp từ một bộ phận cán bộ thực thi công vụ, từ đó chưa kích thích được hoạt động sản xuất kinh doanh.

"Chất lượng công vụ, chất lượng hành chính của từng cơ quan hành chính, từng công chức chưa như mong muốn. Ở đây có phần do khối lượng công việc nhiều nhưng cũng có phần anh em e ngại trong quá trình thực thi công vụ. Cho nên chúng tôi mong Thành ủy quan tâm làm sao nâng cao năng lực quản lý, điều hành trách nhiệm công vụ của từng cán bộ công chức để thực thi hiệu quả, phối hợp đồng bộ, giải quyết công việc hiệu quả hơn", ông Phan Văn Mãi cho biết.

Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên đã ví von theo ngôn ngữ thể thao rằng TPHCM đã thua đậm trong hiệp 1. Tuy nhiên để không thất bại trong cả trận đấu thì cần phải sốc lại và khơi dậy được khát vọng cống hiến sáng tạo của đội ngũ cán bộ:

"Ngại cũng có lí nhưng không phải ngại rồi để đó. Nói theo ngành y là chúng ta đang ca trực, bệnh nhân đang nằm chờ, chúng ta phải xử lý theo lương tâm và trách nhiệm, thẩm quyền. Chứ chúng ta không thể nói bệnh này do ai tạo ra đó là chuyện người khác. Cứ làm hết trách nhiệm và lương tâm để xử lý. Chúng ta không thể tránh né rồi chờ giao cho ca sau. Như thế không bản lĩnh và không đúng bổn phận làm người", ông Nguyễn Văn Nên nói.

Ảnh: Vneconomy

Ảnh: Vneconomy

Bài thuốc nào cho tăng trưởng của TPHCM?

Lần đầu tiên sau hơn 40 kể từ khi Nghị quyết số 01 của Bộ Chính trị có hiệu lực, TP.HCM chỉ đạt mức tăng trưởng 0,7% và bị xếp vào nhóm “cầm đèn đỏ” về tăng trưởng của cả nước. Rõ ràng, TP.HCM đã “thua đậm” ngay trong hiệp 1 của trận đấu tăng trưởng gồm 4 hiệp, và nếu không thực sự quyết liệt thì rất khó để đầu tàu kinh tế của cả nước có thể “lật ngược được thế trận”.

Một trong những điểm yếu chí tử khiến cho tăng trưởng kinh tế quý 1/2023 của TP.HCM “tụt dốc không phanh” chính là tình trạng chậm trễ, trì trệ, né tránh của một bộ phận cán bộ thực thi công vụ trong hệ thống hành chính công. Điều này dường như đi ngược lại hoàn toàn với chính chủ trương mà Đảng bộ và nhân dân TP.HCM đặt ra trong năm 2023 là “Nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội“.

Thực tế trải nghiệm các dịch vụ hành chính công tại một số địa phương lân cận TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai hay Bà Rịa Vũng Tàu…cho thấy chủ trương cải cách hành chính hay cải thiện môi trường đầu tư của TP.HCM thời gian qua cơ bản chỉ dừng lại ở mức “hô hào”. Số liệu hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn hồ sơ của người dân, doanh nghiệp tại TP.HCM chưa được phản hồi, giải quyết trong năm 2022 đủ để nói lên tất cả.

Việc người đứng đầu chính quyền TP.HCM mới đây ban hành văn bản khẩn để yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng “ngâm” hoặc chậm phản hồi hồ sơ của người dân và doanh nghiệp bước đầu cho thấy sự quyết liệt cần thiết từ cấp lãnh đạo.

Tuy vậy, sự quyết liệt, nóng sốt này cần phải được nhân rộng hơn nữa đến các Sở ngành, quận, huyện, lan tỏa rộng hơn nữa đến từng cán bộ thực thi công vụ trong bộ máy hành chính công. Nói một cách khái quát là phải giải quyết triệt để tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.

Nếu nhìn một cách tích cực theo ngôn ngữ y khoa, thì việc TPHCM lọt vào “nhóm đèn đỏ” về tăng trưởng có thể được xem là “triệu chứng rõ ràng” để kịp thời bắt đúng bệnh và kê toa chữa trị dứt điểm.

Điều đáng mừng là Chính phủ, các Bộ Ngành đã bắt đầu có nhiều động thái để khơi thông nguồn vốn, kịp thời bơm máu cho nền kinh tế, tháo gỡ những vướng mắc để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cũng như khuyến khích, kích cầu tiêu dùng nội địa…

Song theo chúng tôi, liều thuốc căn cơ nhất cho căn bệnh suy giảm tăng trưởng nói riêng và trì trệ nói chung của TP.HCM chính là tư duy đổi mới triệt để trong tổ chức, quản lý và thực thi công vụ của bộ máy hành chính công.

Chỉ khi nào người dân, doanh nghiệp cảm thấy hài lòng, không còn phải mất quá nhiều thời gian, công sức, chi phí để thực hiện các giao dịch công thì khi ấy hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mới được phục hồi, kinh tế mới có thể quay trở lại đà tăng trưởng.

Huy Hoàng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
“Bán trú không cơm”: Phụ huynh nhận định không nên dạy trẻ học đối phó

“Bán trú không cơm”: Phụ huynh nhận định không nên dạy trẻ học đối phó

Tại trường THCS Lương Định Của (TP.Thủ Đức, TP.HCM) đang có hình thức “bán trú không cơm” gây xôn xao dư luận. Đây thực chất là cách xoay sở của các phụ huynh trong khi vấn đề suất ăn bán trú của trường chưa được cải thiện trong thời gian dài.

Trường chuẩn phải là những ngôi trường hạnh phúc

Trường chuẩn phải là những ngôi trường hạnh phúc

Ở các đô thị lớn, việc đăng ký cho con cái được học ở những ngôi trường đạt chuẩn ngày càng khó khăn.Và sự khó khăn đó khiến cho rất nhiều người trong chúng ta đôi khi quên mất rằng điều quan trọng nhất ở một môi trường giáo dục chính là cảm nhận của học sinh về niềm hạnh phúc và sự tử tế.

Còn đâu vỉa hè phường Hàng Buồm?

Còn đâu vỉa hè phường Hàng Buồm?

Vừa qua, Kênh VOV Giao thông nhận được nhiều ý kiến của người dân về tình trạng khu vực vỉa hè trên nhiều tuyến phố của phường Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.

Biển báo thay vì barie “khóa” đường: Cách chống ùn tắc hiệu quả, hạn chế tranh cãi

Biển báo thay vì barie “khóa” đường: Cách chống ùn tắc hiệu quả, hạn chế tranh cãi

Có lẽ câu chuyện gây tranh luận sôi nổi nhất về giao thông đô thị những ngày qua là việc khu dân cư trục Thượng Định, quận Thanh Xuân (Hà Nội) đặt barie sắt vào khung giờ cao điểm ngăn xe máy vào ngõ, với mục đích tránh ùn tắc, hạn chế tai nạn, phiền toái trong sinh hoạt.

Hà Nội: Kiểm soát toàn bộ cửa hàng kinh doanh trái cây, cách nào thực hiện?

Hà Nội: Kiểm soát toàn bộ cửa hàng kinh doanh trái cây, cách nào thực hiện?

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025”, trong đó đặt mục tiêu tới năm 2025, 100% cửa hàng kinh doanh trái cây có đăng ký kinh doanh, được cấp biển nhận diện “cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn”.

Tài xế chia sẻ cách hóa giải bạo lực giao thông

Tài xế chia sẻ cách hóa giải bạo lực giao thông

Những vụ việc vặt gương nhau, đập vỡ kính xe vì không nhường đường, thậm chí dùng tay chân để giải quyết va chạm giao thông thời gian gần đây có xu hướng diễn biến phức tạp. Việc chuẩn bị tâm lý và cách ứng xử để hóa giải bạo lực giao thông có lẽ cần được xem là một kỹ năng quan trọng.

TP.HCM: Bất ổn ở trường chuẩn Lương Định Của

TP.HCM: Bất ổn ở trường chuẩn Lương Định Của

Chuyện ăn ngủ của học sinh tưởng chừng là chuyện nhỏ nhặt thường ngày. Song, chất lượng bữa ăn bán trú tại các trường học liên tục bị đặt dấu hỏi và vẫn còn là một “ẩn số” khiến phụ huynh không khỏi lo lắng về sức khỏe của con em mình.