Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Liên kết vùng: Cần làm tốt hơn nữa để ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu

Phóng viên - 28/06/2019 | 20:09 (GTM + 7)

Trải qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 120, ĐBSCL đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Vậy còn mục tiêu liên kết vùng liệu còn những khó khăn, vướng mắc gì cần phải tháo gỡ? Cần có những giải pháp gì để thực hiện đồng bộ liên kết vùng?

Nghị quyết 120 đã mở ra cơ hội liên kết giữa các tỉnh thành ĐBSCL để tạo nguồn lực chung, thu hút được sự đầu tư của các doanh nghiệp, các đối tác phát triển trong và ngoài nước

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Liên kết vùng còn những khó khăn, vướng mắc gì cần tháo gỡ?

Xác định ĐBSCL có vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đồng thời lại là vùng chịu nhiều tổn thương do biến đổi khí hậu mà dễ nhận thấy nhất là tình trạng sụt lún, sạt lở, xâm nhập mặn và lượng phù sa đang dần mất đi mỗi năm.

Năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và một trong những nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra là phải tạo được sự liên kết mạnh mẽ giữa các địa phương để phát triển kinh tế xã hội, chuyển đổi nông nghiệp bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai để cùng hỗ trợ, cùng tạo ra sức mạnh tổng thể giúp toàn vùng cất cánh. 

Trải qua 2 năm thực hiện Nghị quyết, nhìn chung ĐBSCL đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Vậy còn về mục tiêu liên kết vùng liệu còn những khó khăn, vướng mắc gì cần tháo gỡ? Thời gian tới, cần có những giải pháp gì để thực hiện hiệu quả, đồng bộ liên kết vùng? 

Đến thời điểm này có thể nói Nghị quyết 120 của Chính phủ đã tạo được sự chuyển biến nhất định trong suy nghĩ của người dân và chính quyền các địa phương về nhiệm vụ phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Theo báo cáo của Bộ Tài Nguyên & Môi trường, một số cơ chế chính sách đã được rà soát, bổ sung, quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng ĐBSCL đang được khẩn trương xây dựng. 

Điểm nổi bật là tăng trưởng GDP của vùng năm 2018 đạt mức ấn tượng là 7,8%, cao nhất trong 4 năm trở lại đây (trong đó, tăng trưởng GDP cả nước là 7,08%). Kim ngạch xuất khẩu toàn vùng lần đầu tiên đạt 15,7 tỷ USD. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT- Nguyễn Xuân Cường, nhận định: 

“Kết quả chúng tôi muốn dẫn chứng đó là trong chuyển đổi phát triển nông nghiệp từ yếu tố thách thức biến thành cơ hội. Vốn trước đây chúng ta coi vùng này là lúa gạo, thủy sản, trái cây. Ngay tại Nghị trường 120, chúng ta quyết định thay đổi. Thủy sản là một thế mạnh của chúng ta, trái cây là thứ hai, lúa gạo là thứ 3, xét về thứ tự ưu tiên để tận dụng tài nguyên nước, tận dụng tài nguyên đa dạng sinh học và tận dụng thị trường".

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được trên nhiều lĩnh vực, các đại biểu cũng chỉ rõ việc thực hiện Nghị quyết 120 còn những hạn chế cần khắc phục, chẳng hạn như sụt lún, sạt lở vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp; hệ thống kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa kết nối Đông - Tây với TP HCM để tận dụng được các ưu thế của từng địa phương và của cả vùng. Vì thế, cần khẩn trương hoàn thiện cơ chế điều phối vùng ĐBSCL, thành lập ủy ban điều phối vùng ĐBSCL; tăng cường kết nối giữa vùng ĐBSCL với TP HCM và vùng Đông Nam Bộ. 

Nhìn lại Nghị quyết 120 của Chính phủ, có thể nói, Nghị quyết đã mở ra cơ hội liên kết giữa các tỉnh thành ĐBSCL để tạo nguồn lực chung, thu hút được sự đầu tư của các doanh nghiệp, các đối tác phát triển trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để thực hiện được mạng lưới liên kết này không phải là chuyện một sớm một chiều và còn đó không ít những khó khăn. Ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết:

“Cái liên kết tiểu vùng tứ giác Long Xuyên mà Thủ tướng giao cho An Giang là đơn vị đầu mối thì An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ và Hậu Giang đã hình thành 7 các nhóm liên kết. Trong đó có liên kết sản phẩm chủ lực, liên kết du lịch – hạ tầng – quy hoạch – thể chế chính sách…Hiện nay chúng tôi đã định hướng và triển khai. Tuy nhiên cần phải có sự thống nhất giữa 4 tỉnh với nhau nên nó cũng trở ngại, khó khăn”.

Nhìn nhận những khó khăn của An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung  trong việc liên kết các tỉnh, thành, ông Nguyễn Thanh Bình - chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh, ĐBSCL cần thiết có một “nhạc trưởng” để tránh chồng chéo trong quy hoạch vùng: 

“Hiện nay vẫn còn tồn tại vấn đề. Chuyện chồng lấn trong quy hoạch không còn gay gắt như trước khi có NQ 120 ra đời. Có thể nói rằng, chúng ta thiếu một “nhạc trưởng” để báo cáo quy hoạch vùng. Tôi cho rằng, thống nhất rất cao để lập một Hội đồng để giám sát và điều phối quy hoạch này trong thời gian tới. Có như vậy mới tránh trùng lấn trong quá trình quy hoạch vùng”.

Trước những khó khăn trong thời gian qua, để tạo sự phát triển vượt bậc cho Đồng Tháp nói riêng, các tỉnh ĐBSCL nói chung, ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng hơn lúc nào hết, các tỉnh miền Tây cần liên kết chặt chẽ hình thành một “thương hiệu” riêng: 

“Chúng ta nên liên kết tạo hình ảnh cả một vùng, chứ đừng xé lẻ ra một địa phương. Hãy cùng nhau tạo dựng ra một thương hiệu của vùng Đồng bằng rất năng động, vùng sản xuất hàng hoá đầu tiên, đi vào nền kinh tế thị trường đầu tiên ở Việt Nam, là vùng đất sẽ đi lên, chế ngự hay thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Việc khai thác sử dụng tài nguyên nước cũng như phát triển các sản phẩm chủ lực vùng chưa được “liên kết” tốt dẫn đến các địa phương có sự cạnh tranh lẫn nhau, có nguy cơ phá vỡ quy hoạch

Cần những giải pháp gì để thực hiện hiệu quả, đồng bộ liên kết vùng? 

Rõ ràng, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết, công tác liên kết vùng vẫn còn những tồn tại, hạn chết nhất định. Một số nội dung về liên kết chỉ mới được thể hiện chủ yếu ở khía cạnh tăng cường các trao đổi ở cấp độ chính sách về liên kết vùng, chưa có quy định ràng buộc việc thực hiện các cam kết về liên kết vùng giữa các địa phương, đồng thời các mục tiêu đề ra chưa thực hiện được và tác động trên thực tế là chưa rõ ràng. 

Như Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp – Lê Minh Hoan đã đề cập, có một thực tế là một số ngành, lĩnh vực của từng địa phương vẫn còn phát triển theo hướng riêng lẻ, thiếu sự liên kết chặt chẽ, thống nhất trong toàn vùng; việc triển khai các cơ chế, chính sách đầu tư chưa đạt hiệu quả như mong muốn, còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách cũng như quy hoạch phát triển vùng. 

Xét về cơ cấu kinh tế, các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL nhìn chung đều có cơ cấu kinh tế tương tự nhau, chưa phát huy tốt lợi thế so sánh, nên việc đầu tư còn trùng lắp, dàn trải, không gian kinh tế vùng bị chia cắt, xuất hiện một số “xung đột lợi ích” trong ưu tiên phát triển giữa các địa phương. 

Việc khai thác sử dụng tài nguyên nước cũng như phát triển các sản phẩm chủ lực vùng chưa được “liên kết” tốt dẫn đến các địa phương có sự cạnh tranh lẫn nhau, có nguy cơ phá vỡ quy hoạch.

Ngoài ra, chưa có một cơ chế xây dựng đồng thuận và thể hiện được lợi ích tập thể giữa các bên liên quan. Đối với một số vấn đề mang tính vùng hoặc liên tỉnh, như điều tiết và chia sẻ nguồn nước hay xây dựng kết cấu hạ tầng, các địa phương thiếu một cơ chế để cùng bàn bạc và thảo luận một cách thấu đáo và thuận tiện. 

Do đó, quá trình thảo luận có những vướng mắc về kỹ thuật hoặc cơ sở pháp lý thì các bên chưa có cách thức tháo gỡ và giải quyết. Điều này cũng dẫn tới khó khăn trong việc xây dựng đồng thuận để thực hiện các vấn đề liên kết cụ thể, bao gồm những vấn đề đã được nhất trí thông qua các văn bản đã ký kết giữa các địa phương. 

Điều đáng nói là hiện nay, chúng ta vẫn chưa có nguồn vốn bố trí riêng cho các nhiệm vụ liên kết. Các quy định hiện hành chưa có quy định ưu tiên xây dựng một cơ chế tài chính riêng cho hoạt động liên kết tại ĐBSCL. 

Điều khoản quy định ngân sách Trung ương hỗ trợ mức vốn tối thiểu 10% so với tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương phân bổ cho các địa phương trong Vùng để thực hiện các chương trình, dự án liên kết đến nay vẫn chưa thực hiện được, việc huy động nguồn lực từ xã hội vào hoạt động liên kết còn hạn chế.

Từ những kết quả đã đạt được trong thơi gian qua, từ những thách thức và khó khăn mà biến đổi khí hậu đang đặt ra với ĐBSCL, nhiệm vụ liên kết vùng lại một lần nữa được nhấn mạnh tầm quan trọng của mình lúc này… 

Thách thức mà biến đổi khí hậu đặt ra cho ĐBSCL là không hề nhỏ

Phát biểu tại Hội nghị đánh giá 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ĐBSCL đóng góp 1 phần to lớn vào sự phát triển chung của cả nước vì thế cần phải có sự đầu tư thích đáng, cần có sự liên kết mạnh mẽ hơn nữa giữa các vùng để tạo ra sự phát triển đồng bộ:

“Các địa phương cần chủ động liên kết vùng mạnh mẽ hơn để ứng phó với các thách thức của BĐKH. Tôi yêu cầu TPHCM sẽ là nhạc trưởng trong liên kết vùng, để điều phối liên kết vùng; chủ trì với các địa phương trong vùng xây dựng cơ chế liên kết, trình chính phủ xem xét. Giữa ĐBSCL và TPHCM là mỗi liên kết tương hỗ. Không có sự liên kết vùng nào rõ nét hơn, hiệu quả hơn, tốt hơn 2 vùng ĐBSCL và TPHCM. Ở đây là mối liên kết qua lại cùng có lợi”.

Thách thức mà BĐKH đặt ra cho ĐBSCL là không hề nhỏ. Các số liệu nghiên cứu cho thấy, VN là 1 trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ BĐKH và ĐBSCL được liệt kê vào 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, đó là chưa kể khó khăn trong câu chuyện về an ninh nguồn nước phía thượng nguồn. 

Tuy nhiên, điều mà người dân ĐBSCL cần làm lúc này không phải là sợ hãi trước thiên nhiên mà phải xem đó là cơ hội để cùng với địa phương, cùng với chính phủ có những giải pháp thích ứng thông minh, và một trong số đó là sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong việc ứng xử với thiên tai, trong việc chuyển đổi tư duy sản xuất và huy động nguồn lực, thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư.
 

Tags:
Ý kiến của bạn
TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

Xe điện loại từ 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu vực nội đô thành phố. Với mục đích bảo vệ môi trường, hướng tới giao thông xanh, điểm đặc biệt của các chuyến xe điện này là tính linh hoạt khi lưu thông trong nội đô, không bị phụ thuộc vào giờ giấc cao điểm, thấp điểm.

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

U80 nhảy hiphop

U80 nhảy hiphop

Hồ Gươm với không gian xanh mát, thoáng đãng giữa trung tâm thủ đô là địa điểm lý tưởng của các đội nhóm khắp nơi tìm về rèn luyện sức khỏe mỗi ngày.

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Sau khi Luật Giá được Quốc hội thông qua, hiện Bộ Tài chính đang xây dựng và hoàn thiện Nghị định thi hành Luật Giá nhằm sớm đưa Luật vào cuộc sống. Tuy nhiên, quy định liên quan tới kê khai giá trong Nghị định này đang khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn bởi có điểm bất hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp.

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

Gần 100.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản chuẩn bị đáo hạn

Gần 100.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản chuẩn bị đáo hạn

Áp lực đáo hạn trái phiếu năm nay của nhóm bất động sản vẫn tương đối lớn, trong đó, nhiều doanh nghiệp sẽ phải thanh toán hàng nghìn tỷ đồng đến hạn cho nhà đầu tư.

// //