Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Hậu thiên tai, nguy cơ gia tăng bạo lực, xâm hại với phụ nữ và trẻ em gái

Phóng viên - 05/11/2020 | 15:43 (GTM + 7)

Ít nhất có khoảng 5,5 triệu người ảnh hưởng bởi đợt bão, lũ xảy ra tại miền Trung thời gian qua, trong đó có gần 1,5 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và đang mang thai.

Ngoài những nguy cơ về dịch bệnh do thiếu nguồn nước sạch và điều kiện vệ sinh bị hạn chế, phụ nữ và trẻ em gái còn đối mặt với nguy cơ bị bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trong bối cảnh hiện nay.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Cần phải thực hiện những biện pháp gì để ngăn chặn và hạn chế tình trạng bạo lực, xâm hại cũng như giúp đỡ phụ nữ có được sinh kế sau thiên tai?

Nằm sâu trong khu vực bị lũ lụt ở phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, gia đình chị Nguyễn Thị Minh Thái đang sắp xếp, ổn định lại cuộc sống. Toàn bộ tài sản, đồ dùng hàng ngày đã bị nước lũ làm hư hỏng, không thể sử dụng.

Khoản hỗ trợ từ chính quyền địa phương gồm 4 kg gạo và 14 gói mỳ tôm đã giúp gia đình chị vượt qua cái đói, cái rét trong những ngày đầu, nhưng về lâu dài, nỗi lo vẫn còn chồng chất khi nước lũ đã cuốn trôi hết cả những công cụ lao động, vật nuôi là nguồn thu chính của gia đình:

"Đàn gà nòi 60-70 con nuôi từ tết nhưng nước cao quá cũng chết sạch, 5 tấn lúa nước ngập cũng hư hỏng hết. Khó khăn thì nhiều nhưng mong muốn có một ít vốn để mua lại một ít gia súc, gia cầm để mong muốn cải thiện cuộc sống".

Không chỉ những người nông dân mất ruộng, mất hoa màu, vật nuôi mà những người làm nghề buôn bán nhỏ ở chợ cũng gặp rất nhiều khó khăn khi nguồn hàng rau củ quả khan hiếm. Chị Nguyễn Thị Minh Thu thôn Trung Thủy, xã Quảng Thủy, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình chia sẻ: 

"Sau lũ đời sống của người dân vô vàn khó khăn, có nhà mất gà, vật nuôi nên đi chợ buôn bán khó khăn vì không có tiền để mua, đi chợ khó khăn, giá cả lại tăng, mình gặp khó khăn không có vốn để lấy hàng".

Theo thống kê bước đầu của các địa phương, mưa lũ đã làm khoảng 140 người chết và mất tích, khoảng 50 bệnh viện, trạm y tế bị hư hỏng, hệ thống cung cấp nước sạch bị phá hủy cùng hàng chục ngàn héc-ta lúa, hoa màu bị lũ cuốn trôi. Hàng trăm ngàn súc vật, động vật nuôi bị chết, sau khi nước lũ rút đi bốc mùi  hôi thối.

BS Nguyễn Trọng An – Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em- Bộ Lao động thương binh xã hội phân tích, cuộc sống của những người dân vùng lũ không chỉ đối mặt với thiếu lương thực thực phẩm, thiếu công cụ sản xuất mà còn đối mặt với những rủi ro về an toàn, sức khỏe: 

"Sau khi nước lũ rút đi, vấn đề thiếu nước sạch, thức ăn sạch là bệnh truyền nhiễm, bệnh đường ruột có nguy cơ rất cao đối với trẻ em, gia đình. Và vấn đề sức khỏe về tinh thần cần phải được quan tâm. Vì các em bé, trẻ em phụ nữ có nguy cơ bị lo lắng, suy nghĩ sang chấn tâm lý cao hơn đàn ông cho nên nguy cơ cao về sức khỏe tâm thần".

BS Nguyễn Trọng An cho biết thêm, việc buộc phụ nữ và trẻ em gái phải di dời đến các khu sơ tán, hay những gia đình bị mất cha mất mẹ, trẻ em được nhận nuôi bởi những gia đình khác cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về bị xâm hại tình dục, bắt cóc hay bóc lột sức lao động. 

TS Ngô Thị Ngọc Anh- Chủ tịch sáng lập Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng cho rằng, phụ nữ và trẻ em gái là đối tượng dễ bị tổn thương khi xảy ra thảm họa thiên tai. Ngoài việc mất mát nhà cửa, tài sản, toàn bộ gánh nặng công việc gia đình đổ dồn lên vai người phụ nữ và phụ nữ và trẻ em gái còn có thể là nạn nhân của tình trạng bạo lực gia đình. Bà Ngọc Anh phân tích: 

"Ngoài việc cố gắng gồng mình lên để cố gắng khắc phục hậu quả do thiên tai mang lại, họ cũng phải đối mặt với những khó khăn thách thức đối với những thành viên trong gia đình bởi khó khăn về kinh tế, không có công ăn việc làm, đời sống vật chất khó khăn và là nguyên nhân sâu xa gây bạo lực gia đình".

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Un-pa (UNFPA) tại Việt Nam

Theo đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc Un- pa (UNFPA), Lũ lụt và sạt lở đất đã buộc phụ nữ và trẻ em gái phải di chuyển tạm đến các khu sơ tán mà không kịp chuẩn bị các các đồ dùng cần thiết dẫn đến họ không được đảm bảo vệ sinh đúng cách và gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng nước sạch, giặt giũ. Những phụ nữ mang thai khó được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam đã viện trợ 540 nghìn đô la Mỹ và cứu trợ khẩn cấp 3.700 bộ đồ dùng thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái ở 6 tỉnh bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở các tỉnh miền Trung. Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Un-pa (UNFPA) tại Việt Nam cho biết ý nghĩa của hoạt động này:  

"Bộ đồ dùng thiết yếu ngoài những vật dụng cơ bản mà phụ nữ và trẻ em gái cần dùng để bảo vệ bản thân và giữ gìn vệ sinh cá nhân, giúp giữ gìn lòng tự trọng và nhân phẩm trong khủng hoảng, còn có những sản phẩm truyền thông, giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và phòng chống rủi ro về bạo lực và xâm hại tình dục".

Một số ý kiến cho rằng, sau khi lũ lụt đi qua, bên cạnh những hỗ trợ về lương thực thực phẩm, hỗ trợ người dân xây dựng lại nhà cửa, đường sá, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội cũng cần đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi tình trạng xâm hại, bạo lực giới  thông qua việc cung cấp đồng bộ các dịch vụ chăm sóc y tế, hỗ trợ tâm lý, xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái trực tiếp tại các địa phương hoặc thông qua các đường dây nóng.

Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) đã cứu trợ khẩn cấp 3.700 bộ đồ dùng thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái ở 6 tỉnh bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở các tỉnh miền Trung

Khi thảm họa thiên tai xảy ra, phụ nữ và trẻ em gái gặp rất nhiều nguy cơ bị nhiễm bệnh do điều kiện vệ sinh không đảm bảo, thiếu những đồ dùng thiết yếu. Bên cạnh đó, đây cũng là nhóm đối dễ bị bạo lực và xâm hại tình dục.

Bởi vậy, song song với các hoạt động cứu trợ, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, các đoàn thể cũng cần quan tâm và có sự chuẩn bị hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe sinh sản đối với nhóm đối tượng này trong tương lai.

Đây cũng là góc nhìn của Kênh VOVGT qua bài bình luận có nhan đề: "Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái sau thiên tai: Không chỉ dừng lại ở cung cấp đồ ăn thức uống"

Lũ lụt nghiêm trọng và khốc liệt tại các tỉnh miền Trung đã cướp đi sinh mạng của 120 người, khiến cho nhiều hệ thống đường giao thông, hệ thống cơ sở hạ tầng, y tế bị hư hỏng nặng. 

Điều kiện vệ sinh không đảm bảo, ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để ăn uống, vệ sinh là vấn đề của 1,3 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và 92 nghìn phụ nữ mang thai trong vùng lũ phải đối mặt. 

Trong khi đó, nhiều phụ nữ mang thai không thể tiếp cận các bệnh viện, không được thăm khám thai kỳ theo đúng kế hoạch, do thiếu những thiết bị máy móc, cơ sở vật chất bị hư hỏng, dịch vụ chăm sóc sau sinh và kế hoạch hóa gia đình cũng không thể thực hiện. Ngoài việc mất mát người thân, hư hỏng tài sản, nhà cửa, không ít phụ nữ và trẻ em gái đối mặt những nguy cơ về bạo lực gia đình và xâm hại tình dục.

Vậy, cần làm gì để giúp phụ nữ và trẻ em gái trong khu vực vùng lũ lụt vượt qua những khó khăn của giai đoạn này? 

Trước mắt, cần nhanh chóng cung cấp, hỗ trợ các dịch vụ chăm sóc y tế, sức khỏe cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.

Cùng với những biện xử lý rác thải, vệ sinh môi trường sau lũ, khử trùng nguồn nước để cung cấp nước sạch cho người dân, hạn chế những dịch bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát sau lũ, cũng cần sớm hoạt động trở lại các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, bao gồm sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản và sức khỏe tâm thần.

Việc cung cấp các đồ dùng cần thiết để đảm bảo cho phụ nữ và trẻ em gái được vệ sinh đúng cách, hay hướng dẫn cách xử lý đồ  vệ sinh cá nhân sau khi sử dụng cũng rất cần được lưu ý .

Thứ hai, cần sự vào cuộc của các đoàn thể, các tổ chức xã hội cùng với địa phương  trong việc xây dựng lại hệ thống cơ sở vật chất, trạm y tế, trường học để từng bước ổn định cuộc sống cho người dân.

Bên cạnh đó, Phòng lao động thương binh xã hội, Hội phụ nữ các xã, huyện cũng cần sát sao, nắm bắt tình hình thực tế của các hộ gia đình, có sự hỗ trợ và tư vấn tâm lý kịp thời đối với những trường hợp bị bạo lực gia đình, báo cáo các cơ quan chức năng có những biện pháp xử lý những trường hợp vi phạm khi cần thiết. 

Song song với đó, các tổ chức xã hội cũng cần đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn phụ nữ cách phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục cũng như cung cấp các đường dây nóng để hỗ trợ tư vấn trong trường hợp cần thiết.

Tuy nhiên, sự nghèo đói, khó khăn, bạo lực gia đình sẽ tiếp tục đeo bám những người dân vùng lũ nếu như không tạo được sinh kế, giúp người dân sớm tái thiết cuộc sống. Chính quyền các địa phương, các thôn xã cần chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để hồi phục và phát triển kinh tế.

Dự trên điều kiện thực tế của địa phương mình, điều kiện thực tế của từng hộ gia đình, chính quyền địa phương cần nhanh chóng có những hỗ trợ thiết thực, cần thiết để giúp các phụ nữ sớm quay trở lại lao động sản xuất, có thêm công ăn việc làm.

Thảm họa thiên tai xảy ra không chỉ gây ra những thiệt hại lớn về người và tài sản mà còn là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề xã hội, liên quan trực tiếp đến sự an toàn của phụ nữ và trẻ em gái. Trước sự biến đổi khí hậu hiện nay, vấn đề đặt ra là cần có sự chuẩn bị để ứng phó với những thiên tai trong thời gian tới để hạn chế sự thiệt hại và ảnh hưởng đến mức thấp nhất.

Khi có thiên tai xảy ra, song song với các hoạt động cứu trợ về lương thực thực phẩm, các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội cũng cần đẩy mạnh các đồ dùng thiết bị, dịch vụ hỗ trợ về tâm lý, các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe sinh sản để giúp phụ nữ và trẻ em gái bảo vệ đảm bảo sức khỏe và tinh thần, tránh  khỏi những nguy cơ về bạo lực và xâm hại tình dục.
 

Tags:
Ý kiến của bạn
Nếu “khai tử” BRT...

Nếu “khai tử” BRT...

Sau 7 năm hoạt động, tuyến buýt nhanh BRT Yên Nghĩa - Kim Mã với tổng chiều dài 15km này vẫn là tuyến buýt nhanh duy nhất của Hà Nội. Và nó đang có nguy cơ bị “khai tử”, khi chính Hà Nội dự định thay thế bằng đường sắt đô thị.

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay, lượng hành khách đi du lịch tăng cao. Tình trạng ùn tắc khu vực sân đỗ, nhà ga cảng hàng không Nội Bài liệu có xảy ra?

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Những bệnh nhi tuổi ăn tuổi học cần được được học hành vui chơi là điều hiển nhiên, song không phải mầm non nào cũng khỏe mạnh để đến trường. Vì vậy, những lớp học giữa bệnh viện nhi đồng là nơi để các bé vui chơi, ôn tập kiến thức, an ủi mỗi khi phải gián đoạn việc học...

Thương binh, xã hội tạo điều kiện chứ không phải dung túng

Thương binh, xã hội tạo điều kiện chứ không phải dung túng

Trong quá trình tham gia giao thông, ắt hẳn trong chúng ta đã từng thấy những chiếc xe ba gác chở hàng trên phố. Những tài xế lái xe này thường là người lớn tuổi và trên xe có dán những dòng chữ thể hiện họ là cựu chiến binh, thương binh…

Xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Ngày 24/4, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 2 năm thành lập và Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học Góp ý Xây dựng Khung pháp lý Quản lý Tài sản ảo (VA, VASP).

Ngân hàng thế giới khuyến nghị Việt Nam cần xử lý ngân hàng yếu kém

Ngân hàng thế giới khuyến nghị Việt Nam cần xử lý ngân hàng yếu kém

Trong báo cáo vừa công bố, Ngân hàng thế giới (WB) cho biết kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi và dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6% vào năm 2025.

Giá hàng hoá nguyên liệu thế giới chưa ‘thoát’ diễn biến giằng co

Giá hàng hoá nguyên liệu thế giới chưa ‘thoát’ diễn biến giằng co

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hóa trong ngày giao dịch hôm qua (23/4). Sắc xanh phủ kín bảng giá nông sản và năng lượng, trong khi đó, sắc đỏ áp đảo trên nhóm nguyên liệu công nghiệp và kim loại.

// //