Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Hạn chế xung đột bạo lực giữa xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ

Phóng viên - 28/03/2018 | 4:02 (GTM + 7)

VOVGT- Việc giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực giữa xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ xuất hiện ngày càng nhiều, tính chất và quy mô ngày càng nghiêm trọng

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Nhiều vụ tài xế Grabbike bị tấn công nên họ thường hỗ trợ nhau để hành nghề

Ngày 16/1, tại công viên Amata (phường Long Bình, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) xảy ra một vụ ẩu đả giữa các tài xế xe ôm truyền thống và tài xế xe ôm công nghệ - GrabBike. Hậu quả, 2 xe ôm GrabBike bị thương, 1 người phải nhập viện, khâu 5 mũi trên đầu.

>>> Đồng Nai: Tài xế Grabbike bị xe ôm truyền thống truy đuổi trước cổng KCN Amata

Trước đó, tại Bến xe Miền Tây, cảnh sát đã buộc phải nổ súng để giải tán đám đông khi một nhóm thanh niên mặc áo GrabBike cầm theo gậy gộc đòi xông vào bến xe để tìm người giải quyết mâu thuẫn.

Trong khi đó, ở Hà Nội, vòng xoáy xung đột bằng hình thức bạo lực giữa các cá nhân và hội nhóm xe ôm công nghệ với xe ôm truyền thống cũng rất căng thẳng. Cảnh sát trật tự phường Mỹ Đình từng phải rất vất vả mới tách được các tài xế xe ôm lao vào nhau nói chuyện bằng nắm đấm.

Theo ông Trần Văn Thời, một xe ôm truyền thống lâu năm, mọi chuyện cũng xuất phát từ chuyện miếng cơm manh áo, khi quyền lợi bị động chạm, khách hàng bị mất, người lao động sẽ phản ứng:

“Thường thường ở bến xe hay bệnh viện, xe ôm đã ở trong rồi. Nhưng khách thì họ thích cái nào rẻ hơn thì họ đi, nên họ ra ngoài bắt grab. Nên nếu xe truyền thống mà lành thì họ kệ, không nói gì, nhưng nếu không thì họ ra họ đuổi, rồi bảo biến đi, ví dụ thế”.

Đó là chia sẻ của một xe ôm truyền thống, còn xe ôm công nghệ thì sao? Phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Quyết Tiến - một tài xế GrabBike trước cổng bệnh viện Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội):

PV: Xin chào anh Tiến, anh đã có cuộc xung đột nào với xe ôm truyền thống chưa?

Anh Nguyễn Quyết Tiến: Có, mình xảy ra cũng 3 lần rồi. Một lần ở bến xe Nam Thăng Long, bệnh viện K và ở Nhà hát Lớn. Nói chung, mình chỉ nói chuyện xong rồi thôi, mình nhịn đi để không có gì to tát xảy ra cả. Còn bây giờ thì tất cả mọi cái xuất phát từ lời nói thôi, nhiều khi lời nói không thực tế, hai nữa là thách thức nhau, thì đương nhiên, ai chả có tính nóng. Mình nhịn được thì tốt, nhưng nếu họ đấm vào mặt mình, đánh mình thì đương nhiên không cho phép được, danh dự của mỗi người, sức chịu đựng có hạn thôi.

PV: Những lần đó chỉ lời qua tiếng lại, chưa động tay chân?

Anh Nguyễn Quyết Tiến: Đúng rồi, mình đi lánh chỗ khác thôi, không làm to chuyện.

PV: Dưới góc độ xe ôm công nghệ, anh có muốn chia sẻ điều gì đó đến xe ôm truyền thống, những người cũng hành nghề xe ôm như mình để có cái nhìn thiện cảm hơn từ hai phía?

Anh Nguyễn Quyết Tiến: Mình chỉ muốn làm sao, tất cả đều là xe ôm, chỉ khác về hình thức thôi, chúng ta gắn bó đoàn kết, chia sẻ cho nhau về lĩnh vực công việc. Ví dụ như tôi có khách rồi thì chia sẻ khách cho anh. Nó cũng giống cuộc sống thôi, vì nhau một chút, lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

PV: Cảm ơn anh!

Xe ôm truyền thống và xe ôm grab thi thoảng vẫn đánh nhau vì tranh giành khách (Ảnh: Người làm báo)

Qua những bộc bạch của cánh tài xế xe ôm, rõ ràng, ý thức và tự chủ hành vi của mỗi người là yếu tố quyết định để hạn chế bạo lực. Tuyên truyền Luật giao thông và các quy tắc ứng xử với đối tác tài xế GrabBike cũng là công việc trọng tâm mà Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam đang thực hiện.

Bà Nguyễn Thu An – Đại diện truyền thông Grab Việt Nam cho biết, công ty không thỏa hiệp với bất cứ hành vi kém văn minh và sử dụng bạo lực của tài xế. Khi xảy ra các vụ đụng độ liên quan đến GrabBike, phía Grab Việt Nam ngay sau đó đều chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng, công an để cung cấp thông tin, hỗ trợ điều tra. Công ty cũng cố gắng thông tin nhanh vụ việc, khuyến cáo các GrabBike trên toàn hệ thống, các kênh truyền thông nội bộ.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, nỗ lực từ doanh nghiệp không thôi là chưa đủ. Sự vào cuộc của cơ quan chức năng cần mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình bày tỏ e ngại:

“Đây là chuyện cạnh tranh giữa hai chủ thể kinh doanh khác nhau. Nếu các chủ thể kinh doanh này sử dụng biện pháp hành chính kiện việc cạnh tranh không lành mạnh ra tòa án chẳng hạn thì việc mà cơ quan hành chính có thể xử lý được. Nhưng một khi nó phát triển thành các hành động bạo lực thì chẳng có cách nào khác là xử lý hình sự các vụ việc gây thương tích như vậy”.

Dưới góc độ ban quản lý bến xe, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó giám đốc bến xe Mỹ Đình dè dặt nói, ban quản lý luôn kết hợp với cơ quan chức năng để giám sát các hoạt động vi phạm dừng đỗ phương tiện ở khu vực xung quanh bến. Tuy nhiên, đặc thù xe ôm có thể dừng đỗ ở bất cứ đâu, không thể đủ lực lượng để giám sát xuể và kịp thời ngăn chặn những nhen nhóm bạo lực nếu có.

Ông Tuấn nói: “Có hiện tượng xe ôm vào tranh cướp khách với nhau, cả ở trong bến lẫn ngoài bến xe buýt lôi kéo. Tuy nhiên, với những người đang hoạt động xe ôm thì rất khó phát hiện đối tượng nào vi phạm. Chỉ khi hành khách hoặc người dân phản ánh thì chúng tôi mới xử lý được”.

Đề cập vấn đề này, Luật sư Phạm Thành Tài – Giám đốc Văn phòng luật Phạm Danh, Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội – khẳng định, điểm khác biệt và mấu chốt dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và bạo lực giữa xe ôm công nghệ và xe ôm truyền thống, đó là, một bên thì có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, có sự thống nhất quản lý trong doanh nghiệp, còn một bên là kinh doanh tự do, không chịu sự quản lý của bất cứ tổ chức nào.

Luật sư Phạm Thành Tài nêu quan điểm: "Theo quan điểm của tôi, các cơ quan quản lý cần có cơ chế quản lý với xe ôm truyền thống, như yêu cầu thành lập các tổ chức có đăng ký kinh doanh để xe ôm truyền thống có thể tham gia hoạt động dưới giám sát của các tổ chức này. Như vậy, sẽ dễ dàng trong công tác quản lý nhóm người xe ôm mà bình thường vẫn hoạt động tự do và tự phát”.

Bên cạnh đó, Luật sư Phạm Thành Tài nhấn mạnh, các trường học, bệnh viện, bến xe cần đăng ký và thực hiện nghiêm túc điểm đỗ đón trả khách cho tất cả loại hình vận tải, bao gồm xe ôm, nâng cao tính minh bạch để loại bỏ những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bạo lực xảy ra, đảm bảo ổn định an ninh trật tự tại những khu vực này. Với những hành vi bạo lực để lại hậu quả, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm, không phân biệt người vi phạm thuộc loại hình vận tải nào.

Bạo lực giữa xe ôm công nghệ và xe ôm truyền thống là một trong những biểu hiện cho thấy bất cập về công tác quản lý xe ôm hiện nay. Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và cập nhật các quy định mới nhằm siết chặt hơn nữa hoạt động của loại hình dịch vụ vận tải này.

>>> Tp.HCM: Bắt đối tượng gây ra hàng loạt vụ cướp xe ôm

Tags:
Ý kiến của bạn
Gia tăng TNGT trên cao tốc đến từ nhiều nguyên nhân

Gia tăng TNGT trên cao tốc đến từ nhiều nguyên nhân

Năm 2024 được xem là năm bùng nổ của hệ thống đường cao tốc ở Việt Nam, với hàng nghìn km đường cao tốc được đưa vào sử dụng. Bên cạnh hiệu quả và lợi ích của việc phát triển hệ thống đường cao tốc, thì rất nhiều thách thức mới cũng xuất hiện trong việc đảm bảo an toàn giao thông.

Đi tìm lời giải “An toàn giao thông trên cao tốc”

Đi tìm lời giải “An toàn giao thông trên cao tốc”

Sau 20 năm xây dựng, với hơn 2.000 km đường cao tốc được đưa vào khai thác, hệ thống giao thông nước ta đã tạo được bước đột phá chiến lược, vươn tới và khai phá những không gian phát triển mới, tạo động lực thúc đẩy, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Truyền thông hiệu quả để nâng cao kỹ năng tham gia giao thông trên cao tốc

Truyền thông hiệu quả để nâng cao kỹ năng tham gia giao thông trên cao tốc

Bằng việc phân tích các thách thức hiện tại trong việc nâng cao kỹ năng, kiến thức của người tham gia giao thông trên cao tốc, VOV Giao thông cùng các đơn vị quản lý các tuyến cao tốc, qua đó giảm thiểu tai nạn giao thông, ứng phó hiệu quả với các tình huống xấu.

Cây xanh gẫy đổ, sao để cả tuần?

Cây xanh gẫy đổ, sao để cả tuần?

Sau mỗi đợt mưa bão, nhiều xây xanh bị gẫy, đổ nhưng việc cắt gọt, thu dọn hiện trường còn chậm trễ, không kịp thời, ảnh hưởng đến đời sống và đi lại của nhân dân. Hiện nay, sự phân cấp, phân quyền đối với việc thu dọn, cắt tỉa cây xanh sau bão đang được quy định ra sao?Giải pháp nào để khắc phục?

TP.HCM: Buýt cần làm gì để cải thiện hoạt động mùa ngập lụt, ùn tắc

TP.HCM: Buýt cần làm gì để cải thiện hoạt động mùa ngập lụt, ùn tắc

TP.HCM hiện có khoảng 120 tuyến xe buýt công cộng trong đó có 90 tuyến được trợ giá. Hoạt động của hệ thống xe buýt công cộng nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân bởi nhiều vướng mắc chưa được giải quyết trong đó có tình trạng ùn tắc do triều cường, mưa ngập.

Hiểu đúng về hiện tượng rối loạn máu đông hiếm sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca để tránh hoang mang

Hiểu đúng về hiện tượng rối loạn máu đông hiếm sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca để tránh hoang mang

Thông tin về việc hãng dược AstraZeneca của Anh và Thụy Điển lần đầu tiên thừa nhận vắc xin COVID-19 của họ có thể gây tác dụng phụ như " hiện tượng rối loạn máu đông" khiến nhiều người đã từng tiêm vắc xin này khá lo lắng.

Kiên Giang: Nhiều cơ sở chế biến bột cá gây ô nhiễm nghiêm trọng

Kiên Giang: Nhiều cơ sở chế biến bột cá gây ô nhiễm nghiêm trọng

Hàng chục năm qua người dân sống tại ấp An Bình, xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang đoạn dưới dạ cầu Cái Bé phải sống chung với mùi hôi và khói bụi từ các cơ cở chế biến bột cá.

// //